Thức ăn cho bò sữa
Trồng ngô lấy thân ủ ướp cho bò sữa
Người trồng ngô ở Sơn La, đặc biệt là huyện Mộc Châu, đã quá quen với cảnh được mùa rớt giá khi giá ngô hạt lên xuống thất thường. Xuất phát từ mục đích giảm thiểu rủi ro cho người trồng ngô, UBND huyện chủ trương phát triển mô hình trồng ngô lấy thân, làm thức ăn ủ ướp cho bò sữa.
Ủ ướp là hình thức tích trữ thức ăn gia súc phổ biến ở những vùng chăn nuôi bò sữa. Ở Mộc Châu, loại cây chủ yếu ủ ướp là cỏ và ngô cây. Ngô cây được băm vụn ngay tại bãi trồng, sau đó được xe tải chở về các dịch vụ hầm chứa của DN hay tư nhân ủ để tích trữ thức ăn cho bò sữa vào mùa khô. Thông thường, mỗi hầm ủ ướp có khả năng tích trữ trên 100 tấn.
Do nhu cầu phát triển nhanh đàn bò cho sữa của Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu nên diện tích trồng ngô lấy thân từ năm 2011 đến nay đã phát triển nhanh chóng. Nếu như năm 2010, trong tổng diện tích khoảng 1.000 ha ngô của huyện Mộc Châu, chỉ có 10% diện tích trồng ngô lấy thân, thì vụ xuân năm 2012 diện tích này đã tăng lên đến 70%.
Anh Lù Văn Lan, bản Pa Khà 1, xã Tân Lập (Mộc Châu) cho biết: “Cũng là trồng ngô trên cùng một diện tích đất nhưng trồng ngô để bán ủ ướp sẽ cho thu lãi gấp rưỡi đến gấp đôi trồng ngô thu hạt. Bà con thường trồng sớm từ cuối tháng 1 đến tháng 6, khi cây ngô ra bắp, hạt còn ngậm sữa là thu hoạch nên có thể rút ngắn thời gian SX, trồng 2 -3 vụ/năm. Trồng ngô ủ ướp thường dày gấp 2, 3 lần trồng ngô lấy bắp nên tận dụng được diện tích đất, năng suất cao hơn”.
Theo các hộ dân trồng ngô lấy thân, năng suất ngô lấy thân vụ xuân có thể đạt 45 - 50 tấn/ha. Với giá thu mua trên thị trường hiện khoảng 1.000 đ/kg, thì mỗi ha cho thu nhập gần 50 triệu đ/vụ.
Các bãi đất bằng hoặc đất đồi thoai thoải thường được bà con chọn để trồng ngô ủ ướp với các giống ngô GH9, K54, K67... vì các giống này có ưu điểm cây cao, thân to, TGST ngắn... Trồng ngô theo hình thức này có thể tận dụng tối đa diện tích đất SX. Thông thường, cứ 1.000 m2 đất, nếu trồng ngô thu bắp chỉ trồng được gần 1 kg giống, nhưng trồng ngô làm ủ ướp có thể trồng từ 2 - 3 kg giống, rút ngắn khoảng cách các cây.
Trước khi trồng, bón lót phân NPK, trong quá trình cây sinh trưởng, bón thúc bằng phân đạm để thúc đẩy nhanh quá trình phát triển. Nhờ khoảng cách giữa các cây khá dày nên hạn chế được sự phát triển của cỏ dại, tiết kiệm công chăm sóc. Khi cây được thu hoạch, bà con bán lại cho các chủ thu mua bằng hình thức bán khoán, người thu mua sẽ có đội ngũ công nhân chuyên thu hoạch ngô cây, băm vụn và vận chuyển về hầm ủ ướp.
Theo tính toán của Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu, mỗi con bò sữa tiêu thụ trung bình 8 tấn thức ăn ủ ướp/năm. Với những gia đình nuôi hàng trăm con bò sữa thì lượng ngô cây được thu mua hàng năm lên đến vài nghìn tấn, chưa kể Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu thu mua khoảng 50.000 tấn/năm. Với số lượng lớn như vậy, hằng năm, số ngô bà con trồng làm ủ ướp chưa đủ cung cấp cho nhu cầu thu mua nên người trồng ngô không lo bị tồn đọng nguồn hàng.
Trong chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2015 đã được UBND huyện Mộc Châu phê duyệt, tổng đàn bò sữa của toàn huyện, bao gồm cả đàn bò của Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu và đàn bò nuôi trong dân, sẽ tăng từ 10.000 con hiện nay lên khoảng 15.000 con. Với số lượng này, để giải quyết thức ăn chăn nuôi cho đàn bò là vấn đề nan giải.
Ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu cho biết, cây ngô đến giai đoạn hạt đông sữa, với lợi thế hàm lượng dinh dưỡng cao, được trồng quanh năm trên cao nguyên này, là nguồn thức ăn bổ dưỡng đối với bò sữa. Hiện Cty đã hợp đồng với nông dân quanh vùng để trồng ngô lấy thân ủ ướp, đáp ứng khoảng 50 - 60% lượng thức ăn cho đàn bò, đặc biệt là thức ăn mùa lạnh, khi thân và bắp ngô đông sữa đã được ủ chua để dự trữ.
Mô hình trồng ngô lấy thân để ủ ướp, làm thức ăn cho bò sữa là hướng đi mới, hiệu quả kinh tế cao, tạo nhiều công ăn việc làm cho bà con vùng dân tộc thiểu số, đang được huyện Mộc Châu mở rộng. |