Thức ăn cho bò sữa
Tác hại của thức ăn tinh đối với bò sữa
- Bổ sung dinh dưỡng cho vi sinh vật dạ cỏ khi khẩu phần cơ sở là thức ăn thô chất lượng kém. Trong trường hợp này, bổ sung thức ăn tinh ở một mức nhất định (thường dưới 15-20% VCK của khẩu phần) sẽ có tác dụng kích thích tăng sinh khối và hoạt lực của vi sinh vật phân giải xơ nên làm tăng tỷ lệ tiêu hoá và lượng thu nhận đối với khẩu phần cơ sở. Trường hợp này có thể gọi là bổ sung xúc tác.
- Bổ sung dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu cao của gia súc cao sản (do chọn lọc nhân tạo đem lại) khi mà khẩu phần cơ sở dù đã có bổ sung hiệu chỉnh để tối ưu hoá hoạt động của vi sinh vật dạ cỏ vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho vật chủ. Đây được gọi là bổ sung sản xuất.
Tuy nhiên, trong số 4/2004 của Tạp chí này GS Vũ Duy Giảng đã khuyên “không nên nuôi bò sữa bằng khẩu phần có nhiều thức ăn tinh” với lý do chính là cho ăn quá nhiều thức ăn tinh sẽ gây axit dạ cỏ, rối loạn hệ vi sinh vật cộng sinh, làm giảm khả năng phân giải xơ và có thể thể gây toan huyết, làm rối loạn trao đổi chất. Đó là khoa học, nhưng trong thực tế sản xuất hiện nay việc sử dụng quá nhiều thức ăn tinh để nuôi bò sữa lại rất phổ biến, một phần do người chăn nuôi thiếu kiến thức về dinh dưỡng bò sữa, một phần do không chủ động được nguồn thức ăn thô xanh, đặc biệt là trong vụ đông-xuân. Hậu quả là đã có nhiều trường hợp bò bị chết theo kiểu “đột tử” sau khi ăn quá nhiều thức ăn tinh như báo chí đã đưa tin. Dù cho bò không chết đi nữa thì việc cho ăn quá mức thức ăn tinh sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khác mà trong thực tế vẫn chưa được nhận thức đầy đủ. Chính vì thế trong bài viết này tôi muốn thảo luận thêm một số khía cạnh liên quan đến tác hại của việc cho bò sữa ăn nhiều thức ăn tinh.
1. Cho bò ăn thức ăn tinh là không có lợi về mặt sinh thái
Việc bổ sung thức ăn tinh cho bò sữa là cần thiết như đã nói ở trên. Tuy nhiên, cho bò ăn thức ăn tinh sẽ không có lợi về mặt sinh thái với những lý do sau:
- Bò là gia súc “nhai lại”, là kết quả của quá trình tiến hoá theo hướng sử dụng thức ăn xơ nhờ vi sinh vật cộng sinh trong dạ cỏ có khả năng phân giải liên kết β-1,4 glucozit trong các phân tử xenluloza và hemixenluloza của vách tế bào thức ăn thực vật. Chính nhờ khả năng đặc thù này mà gia súc nhai lại có khả năng sử dụng các loại thức ăn thô giàu xơ mà con người và các loại dạ dày đơn không sử dụng làm thức ăn được.
Điều này có ý nghĩa dinh thái rất lớn, cho phép chăn nuôi gia súc nhai lại dựa trên các nguồn thức ăn ít bị cạnh tranh và do vậy mà có thể phát triển bền vững. Dù thức ăn tinh nuôi bò là không tận dụng được lợi thế sinh thái này.
- Hơn nữa, khi ăn vào dạ cỏ thức ăn tinh bị vi sinh vật phân giải tạo ra các axit béo bay hơi (được vật chủ sử dụng làm nguồn năng lượng) kèm theo một phụ phẩm là khí mê-tan. Lượng khí mê-tan này chiếm khoảng 6-12% năng lượng của thức ăn ăn vào và là phần năng lượng bị lãng phí (chưa kể đến phần năng lượng mất đi dưới dạng nhiệt và gia súc nhai lại nói chung kém hơn so với gia súc dạ dày đơn hay gia cầm. Mặt khác, chính khí mê-tan này khi được bò thải ra ngoài (qua ợ hơi) vào khí quyển sẽ góp phần gây nên “hiệu ứng nhà kính” không có lợi về mặt môi trường.
2. Cho bò ăn thức ăn tinh là không có lợi về mặt kinh tế
Nếu xét về mặt năng lượng thì 1 kg thức ăn tinh chứa khoảng 0,8-1,0 UFL (đơn vị thức ăn tạo sữa), còn 1 kg cỏ tươi chứa khoảng 0,1-0,2 UFL. Như vậy, năng lượng thuần tạo sữa trong 1 kg thức ăn tinh trung bình gấp khoảng 6-8 lần so với 1 kg cỏ tươi. Trong khi đó theo giá bán hiện nay thì 1 kg thức ăn tinh (3000đ/kg) đắt gấp khoảng 15 lần so với 1 kg cỏ tươi (200đ/kg). Điều đó có nghĩa là một đơn vị năng lượng thuần tạo sữa của thức ăn tinh đắt khoảng gấp đôi so với thức ăn thô xanh. Chỉ xét riêng về sự chênh lệch giá như vậy cũng đủ cho thấy chăn nuôi bò sữa bằng thức ăn tinh sẽ không có hiệu quả kinh tế so với nuôi bằng thức ăn thô xanh do giá thành thức ăn trong mỗi kg sữa sẽ cao hơn.
Mặt khác, xét về mặt năng suất sản xuất của đất, mỗi hecta đất trồng tốt mỗi năm có thể sản xuất 10 tấn ngũ cốc (nguồn thức ăn tinh), tương đương với khoảng 8000-10000 UFL; cũng với đầu tư tương tự trên mỗi hecta đất đó có thể sản xuất trên 200 tấn cỏ xanh, tương đương với trên 20000 UFL. Điều đó có nghĩa là trồng cỏ làm thức ăn xanh sẽ cho năng suất (năng lượng tạo sữa) gấp khoảng 2-2,5 lần so với sản xuất ngũ cốc làm thức ăn tinh cho bò. Nếu tính toán tương tự và quy ra tiền thì mỗi hecta trồng lúa cho thu hoạch khoảng 20-25 triệu đồng, trong khi đó mỗi hecta trồng cỏ có thể thu hoạch trên 40 triệu đồng. Do vậy trồng cỏ nuôi bò sẽ mang lại nhiều hiệu quả kinh tế-xã hội hơn.
3. Cho bò ăn thức ăn tinh là không có lợi về mặt sức khoẻ
Nếu cho bò ăn thức ăn tinh ”thoả thích” thì bò sẽ ăn cho đến...chết. Tuy nhiên, thức ăn tinh cung cấp cho bò thường được định mức nên ít khi bò bị chết ngay. Mặc dù vậy, bổ sung thức ăn tinh cho bò không đúng kỹ thuật sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và sức sản xuất của bò. Dưới đây là một số rối loạn thường gặp ở bò sữa khi cho ăn quá nhiều thức ăn tinh.
a. Tăng độ axit dạ cỏ và rối loạn tiêu hoá
Cho bò ăn khẩu phần chứa nhiều thức ăn tinh rất dễ làm tăng độ axit dạ cỏ. Như trên đã đề cập, thức ăn tinh sau khi ăn vào bị lên men quá nhanh, tạo ra nhiều axit, làm giảm pH trong dạ cỏ. Việc này làm rối loạn khu hệ vi sinh vật dạ cỏ, đặc biệt là vi sinh vật phân giải xơ bị tiêu diệt (do không thích nghi với môi trường pH thấp) nên làm cho quá trình phân giải xơ bị đình trệ. Hơn nữa, do axit lactic sinh ra quá nhiều không những làm giảm mạnh pH dạ cỏ mà được hấp thu vào máu, gây toan huyết (acidosis), làm rối loạn các chức năng chuyển hoá và trao đổi chất, thậm chí có thể gây chết một cách nhanh chóng. Một trong những lý do cơ bản là toan huyết làm cho hồng cầu không thực hiện được chức năng vận chuyển ôxy và cácbônic.
Một số rối loạn tiêu hoá thường gặp ở bò sữa liên quan đến khẩu phần chứa nhiều thức ăn tinh và tăng axit dạ cỏ có thể kể đến như sau:
ăn khẩu phần chứa nhiều thức ăn tinh. Cho ăn quá nhiều thức ăn tinh ít nhất cũng làm cho bò giảm thu nhận thức ăn nhiều xơ. Hiện tượng thay thế này một mặt là do thức ăn tinh lên men nhanh làm giảm pH dạ cỏ nên vi sinh vật phân giải xơ bị ức chế hoạt động, thức ăn xơ ăn vào khó tiêu và tích lại choán chỗ lâu trong dạ cỏ; mặt khác, thức ăn tinh dễ làm cho bò được thoả mãn nhu cầu dinh dưỡng nên không có nhu cầu ăn nhiều thức ăn thô nữa.
- Đầy hơi: Khi cho gia súc ăn nhiều thức ăn tinh axit béo bay hơi và các khí thể sinh ra quá nhanh trong khi pH giảm quá thấp làm cho nhu động dạ cỏ và phản xạ ợ hơi kém dẫn đến đầy hơi.
- Nghẽn dạ lá sách: Khẩu phần có ít thô nhiều tinh làm cho bò ít nhai lại nên lượng nước bọt được tiết ít vào dạ cỏ. Hơn nữa, việc sinh ra nhiều axit lactic do lên men tinh bột trong dạ cỏ làm tăng áp suất thẩm thấu của dịch dạ cỏ. Lúc này nước được hút về dạ cỏ làm mất nước của cơ thể nói chung và dạ lá sách nói riêng. Khi đó trong dạ lá sách thức ăn tạo thành các tấm, gây nghẽn và khó chịu cho gia súc.
- Rối loạn chức năng dạ múi khế: Khẩu phần thức ăn tinh cao trong thời gian cạn sữa và sau khi đẻ còn là nguyên nhân dẫn đến dạ múi khế bị tích khí hoặc chứa đầy dịch, đôi khi có cả hai loại này, làm thay đổi thể tích, vị trí và làm rối loạn chức năng bình thường của nó. Hầu hết các rối loạn này thường xảy ra sau khi đẻ 2 tuần. Triệu chứng của bệnh này tương tự như bệnh xeton: bỏ ăn, đi lại không yên, thân nhiệt bình thường, giảm sữa, băn khoăn khó chịu. Đôi khi vị trí của dạ múi khế không từ bên trái (bình thường) lại chuyển sang bên phải.
- Ấp xe hay suy gan: Do ăn nhiều thức ăn tinh lâu ngày, độ axít cao tăng cao trong dạ cỏ làm cho vách dạ cỏ bị bào mòn và do vậy mà một số vi khuẩn có thể đi vào các mạch máu và vào hệ tuần hoàn. Các vi sinh vật này bị giữ lại tại gan làm gan bị nhiễm khuẩn, gây áp xe và làm rối loạn chức năng gan.
- Tỷ lệ mỡ sữa thấp: Cho bò ăn khẩu phần ít xơ nhiều tinh, hoặc khẩu phần mà chất xơ bị nghiền quá nhỏ thì bò sẽ tiết ít nước bọt khi ăn và nhai lại dẫn đến axit dạ cỏ, làm cho số lượng và hoạt lực của vi khuẩn phân giải xơ giảm xuống. Hậu quả là lượng axit axetic (sản phẩm chính của lên men thức ăn xơ và là tiền thân của mỡ sữa) sinh ra bị giảm thấp nên tỷ lệ mỡ sữa bị giảm.
b. Hội chứng béo phì và xe-tôn huyết
Cho ăn quá thừa thức ăn tinh trong thời gian trước khi đẻ (cạn sữa) có thể gây nên hội chứng béo phì ở bò. Lúc bò đẻ điểm thể trạng (ĐTT) lý tưởng nhất là 3,5/5. Nếu lúc đẻ bò ở trong tình trạng quá béo (ĐTT>4) thì sau khi đẻ tính thèm ăn sẽ giảm và cơ thể phải huy động dinh dưỡng dự trữ để tạo sữa làm cho thể trọng bò giảm sút nhanh chóng. Nguy hại hơn, việc huy động mỡ dự trữ quá mức sẽ gây ra hiện tượng xê-tôn huyết do tăng hàm lượng các thể xê-tôn trong máu (sản phẩm chuyển hoá trung gian của quá trình phân giải mỡ). Hiện tượng xê-tôn huyết/toan huyết làm rối loạn trao đổi chất, giảm năng suất sữa, giảm khả năng thụ thai và tăng các bệnh về chân móng ở bò sữa. Mặt khác, bò sữa bị hội chứng béo phì thì mỡ sẽ bị tích tụ quá nhiều trong gan trước và sau khi khi đẻ. Nguyên nhân chủ yếu cũng là do huy động mỡ quá mức để cung cấp năng lượng cho quá trình tạo sữa. Nếu gan tích trên 20% mỡ thì chức năng gan sẽ bị hỏng.
c. Rối loạn sinh sản
Cho bò ăn quá nhiều thức ăn tinh trong thời gian trước khi đẻ (cạn sữa) làm cho cho bò quá béo vào lúc đẻ còn làm cho bò đẻ khó, dễ sót nhau, viêm tử cung và khó chửa lại sau khi đẻ. Đây là một thực tế đang diễn ra ở một số cơ sở chăn nuôi bò sữa ở nước ta hiện nay. Những bò này thường có thai rất to và gặp khó khăn khi đẻ nên thường phải lôi kéo thai. Việc này làm tăng cơ hội sót nhau, viêm nhiễm tử cung và âm đạo nên quá trình hồi phục đường sinh dục sau đẻ rất chậm. Nếu buồng trứng hồi phục sớm hơn tử cung thì bò vẫn có thể động dục lại sớm sau khi đẻ. Tuy nhiên, trong trường hợp này bò rất khó phối giống và thụ thai do đường sinh dục chưa trở lại được trạng thái bình thường. Hơn nữa, vì nội mạc tử cung chưa hồi phục nên không sản xuất được hóc- môn prostaglandin F2α để làm tiêu thể vàng cho nên bò bị bệnh thể vàng tồn lưu và không động dục tiếp được nữa. Điều này sẽ gây thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế trong chăn nuôi bò sữa.
Cho ăn quá nhiều thức ăn tinh, nhất là thức ăn tinh hỗn hợp giàu Ca, trong thời gian trước khi đẻ (cạn sữa) thì bò sẽ dễ bị bệnh sốt sữa và có thể kèm theo bại liệt sau khi đẻ. Nhìn chung, bệnh sốt sữa thường xảy ra do giảm Ca huyết như một hậu quả của việc tăng nhu cầu Ca khi bò bắt đầu sản xuất sữa. Lúc đó bò không thể đáp ứng đủ được lượng Ca cần thiết từ khẩu phần ăn. Trong khi đó, việc huy động Ca từ xương lại bị hạn chế do trong thời gian trước khi đẻ bò được ăn quá đầy đủ Ca. Lý do là vì cho ăn khẩu phần chứa nhiều Ca (trước khi đẻ) thì cơ thể bò không cần sản xuất nhiều hócmon parathyroid để huy động Ca từ xương nên sau khi đẻ hoạt tính của hócmon này vẫn ở mức thấp trong một thời gian nhất định. Hạn chế lượng Ca ăn vào trước khi đẻ sẽ phòng được hiện tượng này. Để hạn chế bớt những tác hại trên của thức ăn tinh đối với bò sữa khi việc bổ sung thức ăn tinh là không thể thiếu được cần áp dụng những chiến lược quản lý nuôi dưỡng như sau:
- Để ngăn ngừa axit dạ cỏ cần tăng tỷ lệ thức ăn xơ với kích thước hợp lý trong khẩu phần cho bò. Nên cho bò ăn thức ăn tinh rải ra càng nhiều lần trong ngày càng tốt hay trộn đều với thức ăn thô khi cho bò ăn để tranh giảm pH dạ cỏ đột ngột sau mỗi lần ăn. Ngoài ra, khi phải cho bò (cao sản) ăn khẩu phần tinh quá cao người ta thường bổ sung một dung dịch đệm là dung dịch muối bicacbonat. Dung dịch đệm này có tác dụng ổn định pH dạ cỏ nên làm tăng lượng thức ăn vào. Nên cho ăn với tỷ lệ 0,5 đến 0,75% VCK của khẩu phần ăn hàng ngày cho mỗi bò. Bổ sung dung dịch đệm có tác dụng lớn trong thời kỳ đầu của chu kỳ sữa.
- Căn cứ vào thể trạng của bò, điều chỉnh mức ăn sao cho khi cạn sữa bò có thể trạng vào khoảng 3,5 điểm (theo thang điểm 5) và giữ được mức thể trạng này ổn định suốt thời kỳ cạn sữa cho đến khi đẻ nhằm tránh hội chứng béo phì và những rối loạn liên quan vào trước, trong và sau khi đẻ. Muốn vậy, cần hạn chế thức ăn tinh sau khi bò có chửa, khi năng suất sữa bắt đầu giảm và trước khi đẻ. Đối với bò cạn sữa tốt nhất là nên cho ăn cỏ khô, chăn trên bãi chăn để giảm lượng canxi ăn vào nhằm phòng hiện tượng sốt sữa. Sau khi đẻ cũng cần cân đối và điều chỉnh kịp thời tỷ lệ tinh/thô trong khẩu phần để tăng lượng thu nhận năng lượng và canxi nhằm ngăn ngừa được các chứng xeton và sốt sữa.
Nguyễn Xuân Trạch
Trường đại học nông nghiệp I