Thức ăn cho bò sữa
Quy trình kỹ thuật ủ chua vỏ ca cao làm thức ăn chăn nuôi bò
1. Cơ sở xây dựng quy trình:
Quy trình được xây dựng, đúc kết dựa trên kết quả của đề tài và những trao đổi với chuyên gia, với nông dân trong quá trình thực hiện đề tài.
2. Phạm vi áp dụng của quy trình:
Phạm vi áp dụng của quy trình là tại các cơ sở sơ chế hạt ca cao và các nông hộ chăn nuôi bò tại huyện Châu Thành, Bến Tre.
3. Yêu cầu chung:
- Nắm được bản chất, đặc điểm của loại nguyên liệu (vỏ ca cao) đưa vào ủ.
- Thành thạo các thao tác kỹ thuật trong quá trình sản xuất như: xử lý vỏ trước khi chế biến, xử lý hố ủ, xác định số lượng men sử dụng, kỹ thuật đảo trộn trong quá trình ủ và thời gian sử dụng sản phẩm ủ hiệu quả.
4. Chi tiết quy trình
a. Nguyên liệu:
- Vỏ ca cao bao gồm vỏ của tất cả các giống ca cao hiện được trồng tại Bến Tre, vỏ phải tươi, không bị nấm, mốc thời gian sử dụng tốt nhất là không quá 12 giờ sau khi tách hạt. Dùng dao băm vỏ thành từng đoạn ngắn 3-5 cm theo chiều dài của quả hoặc có thể sử dụng những vật nặng như đá tảng, cây đầm đập dập vỏ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình ủ.
- Men lactic chế phẩm do công ty Pro-Byo International Inc Mỹ sản xuất ở dạng đông khô, sử dụng theo tỷ lệ 0,2% + 1% rỉ mật + 1% muối/tổng lượng vỏ ủ hòa trong 25% nước. Men lactic bao gồm các chủng vi khuẩn:
Bacillus subtilis, Lactobacillus acidophilus, Lactobacillus platerum, Bifidobacterium bifidus và Aspergillus niger: 2.0x1011 CFU/kg.
Amylase, Beta-glucanase; Hemicellulase và Proteinase: 34,500 units/kg.
- Rỉ mật: ẩm độ 80%, 79 độ Brix.
- Hố ủ: Tùy theo số lượng bò và điều kiện nông hộ có thể xây hố ủ bằng xi măng với diện tích (1x2x1)m3 hoặc tận dụng bao chứa thức ăn hỗn hợp sau khi dùng hết để ủ.
- Hố ủ nên chia làm 2 ngăn, 3 mặt xây kín, mặt trước xây khoảng 0,5 m nhằm thuận tiện cho thao tác; mỗi ngăn có dung tích 1m3 vừa đủ để ủ 400-500 kg vỏ ca cao; hố nên xây dưới bóng cây gần chuồng nuôi bò nhằm thuận tiện cho quá trình lấy thức ăn cho bò, đáy hố nên láng xi măng .
- Tấm lót, che phủ: có thể dùng tấm ni lông, tấm vải áo mưa... đậy kín để bảo đảm vỏ ủ không nhiễm bẩn giúp tạo điều kiện yếm khí và hạn chế thất thoát dịch ủ.
b. Phương pháp ủ.
-Dùng 0,2 kg men lactic+1 kg rỉ mật+1 kg muối+25 lít nước sạch để ủ 100 kg vỏ ca cao (hình 3).
- Bước 1: Sử dụng các tấm ny-lon để lót nền và che phủ.
- Bước 2: Cân 20 kg vỏ ca cao làm chuẩn, dùng đó để định lượng cho các lần khác.
- Bước 3: Dùng bình ôroa dung tích 10 lít đong 5 lít nước sạch.
- Bước 4: Cân 40 g men lactic hòa vào 200 g rỉ mật + 200 g muối.
- Bước 5: Đổ dung dịch men và rỉ mật vào 5 lít nước khuấy thật đều cho tan hết men.
- Bước 6: Trãi vỏ ca cao vào hố ủ thành từng lớp dày 10-15cm, rồi tưới hỗn hợp dung dịch trên lên lớp vỏ thật đều.
- Bước 7: Dùng đầm hoặc dậm, nén vỏ trong hố ủ cho thật chặt.
- Bước 8: Lập lại từ bước 1 đến bước 7 từng lớp vỏ một, hết lớp này đến lớp khác thật đều, thật chặt cho đến khi đầy hố.
- Bước 9: Dùng các tấm ny-lon che phủ hố thật kín tạo điều kiện yếm khí thuận lợi cho quá trình lên men.
c. Một số điểm cần lưu ý:
- Thông thường khi tưới dung dịch men, rỉ mật ta tưới đều theo từng lớp, nhưng dể điều hòa lượng dung dịch trong vỏ ca cao thì các lớp phần dưới ít tưới hơn.
- Vỏ ca cao ít nhất 14 ngày mới được sử dụng (tốt nhất là ủ 21 ngày).
- Khi bắt đầu bốc, dỡ hố cho ăn thì cũng bắt đầu cho vỏ ca cao mới vào hố ủ thứ hai để đảm bảo có lượng vỏ ủ cho bò ăn liên tục.
d. Phương pháp cho ăn
- Vỏ ca cao ủ tốt sẽ có màu vàng sậm, nếu là màu khác thì quá trình ủ không đạt.
- Bốc dỡ hố ủ tới đâu cho ăn tới đó, dỡ xong che phủ kín như cũ.
- Thông thường thời gian tập cho trâu bò ăn là 3 ngày, mới đầu nên trộn ít vỏ ủ từ 0,5-1 kg với khoảng 2,5-3 kg cỏ. Khi đã quen ăn, trâu bò có thể ăn 4.5-6 kg vỏ ca cao ủ/ngày.
PHH-VĐ