Thức ăn cho bò sữa
Hiệu quả sử dụng thức ăn của nông hộ CNBS quy mô nhỏ ở Việt Nam
Hiểu rõ về chi phí sản xuất cho phép nông hộ quy mô nhỏ xác định rõ biên lợi nhuận của mình, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc quản lý hoạt động kinh doanh bền vững của trang trại. Nông dân phải lập nhiều kế hoạch hơn và những kế hoạch đó phải tốt hơn nếu muốn thu được lợi nhuận cao hơn. Lợi nhuận không phải là những gì nông dân thu được vào cuối năm mà là cái đích người nông dân phải lên kế hoạch để đạt được.
Dưới đây là một số tiêu chí đánh giá quan trọng liên quan đến thức ăn vì đây là loại chi phí lớn nhất của một trang trại bò sữa. Qua đó các nông hộ có thể xác định được điểm yếu của hệ thống thức ăn có thể họ đang mắc phải.
1. Quy mô đàn
Thức ăn thô xanh là một nguồn dinh dưỡng quan trọng (cung cấp năng lượng và protein) mà lại rẻ hơn các loại thức ăn tinh. Tự trồng thức ăn thô xanh tại trang trại thường rẻ hơn, dễ kiểm soát chất lượng nhờ phân bón và thời gian thu hoạch hơn là nguồn thức ăn mua ngoài. Đối với một hộ chăn nuôi có sản lượng cỏ chất lượng cao tối đa/đơn vị diện tích đất trồng, để đảm bảo cung cấp đủ lượng thức ăn thô xanh cho bò thì mỗi hecta diện tích đất trồng cỏ chỉ nên nuôi tối đa từ 8-10 bò cái sữa (chưa tính phải cộng thêm bê thay thế). Tuy nhiên, hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lại muốn nuôi nhiều hơn con số trên. Điều đó có nghĩa là hoặc họ phải mua thức ăn thô xanh bên ngoài, cho bò (và bê) ăn ít đi hoặc cho bò ăn thật nhiều thức ăn tinh nếu họ muốn đạt được sản lượng sữa cao (trên 12-14 kg/ngày).
Cách sản xuất sữa này sẽ tốn kém hơn nhiều và thường dẫn tới những rối loạn tiêu hóa như là bệnh axit dạ cỏ tiền lâm sàng. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả sử dụng thức ăn mà còn tăng chi phí sản xuất và giảm doanh thu của trang trại. Do đó, như mục tiêu hướng tới của tất cả những doanh nhân giỏi, là duy trì sản xuất ở mức cao nhất để tối đa hóa hiệu suất và lợi nhuận, hộ chăn nuôi không nên nuôi quá nhiều bò khi không thể cung cấp đủ thức ăn và không quản lý đàn tốt.
2. Sản xuất thức ăn thô xanh tại trang trại
Do trồng thức ăn thô xanh chất lượng cao tại trang trại ít tốn kém hơn nên càng ít phải mua thức ăn bên ngoài thì chi phí thức ăn sẽ càng giảm. Một hệ thống sản xuất có tổ chức, được quy hoạch hợp lý có thể cung cấp từ 95-100% thức ăn thô xanh từ nguồn cung trang trại. Tuy vậy, việc mua thêm số lượng ít những loại thức ăn chất lượng thấp hơn có giá thành rẻ (như rơm) cho những cá thể bò có nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày thấp hơn, chẳng hạn bò cạn sữa, có thể vẫn là một quyết định quản lý đúng đắn.
3. Chất lượng thức ăn thô xanh
Để sản xuất sữa và sinh bê con, bò sữa cần các chất dinh dưỡng có trong thức ăn thô xanh và thức ăn tinh. Với cùng một sản lượng sữa mong muốn, chất lượng của thức ăn thô xanh càng cao bao nhiêu thì càng cần ít thức ăn tinh bấy nhiêu.
4. Thức ăn tinh
Khi các nông hộ hiểu được giá trị dinh dưỡng của thức ăn thô xanh, thức ăn tinh và giá thành của chúng, họ mới có thể xác định được mục tiêu để từ đó đưa ra quyết định chọn lượng thức ăn tinh phù hợp cho bò ăn nhằm đạt được sản lượng sữa chỉ tiêu. Để làm được điều này, ngoài áp dụng quy tắc “0,5 kg thức ăn tinh cho mỗi lít sữa sản xuất ra” người chăn nuôi cần nâng cao thêm kiến thức và nỗ lực nhiều hơn nữa . Tuy nhiên, những quyết định như vậy có thể giúp giảm đáng kể chi phí thức ăn từ đó tăng lợi nhuận, hay nói cách khác là tăng thu nhập từ sữa trừ chi phí thức ăn.
5. Tổng chi phí thức ăn
Chi phí thức ăn là một chỉ tiêu quan trọng, chiếm đến trên 50% tổng chi phí sản xuất của một trang trại chăn nuôi bò sữa. Khi xây dựng khẩu phần ăn cho bò sữa, cần tính toán việc vừa đáp ứng đủ dinh dưỡng cần thiết cho bò, vừa phải đảm bảo chi phí bỏ ra là thấp nhất. Do đó việc lựa chọn những loại thức ăn phù hợp cần có những hiểu biết nhất định, đoi hỏi người chăn nuôi phải tìm tòi, học hỏi một cách nghiêm túc. Giảm chi phí thức ăn nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng là chìa khoá để tăng lợi nhuận.
6. Thu nhập từ sữa trừ chi phí thức ăn
Thu nhập từ sữa trừ chi phí thức ăn (MIFC) là một trong những tiêu chí đơn giản nhất để đánh giá lợi nhuận của trang trại. Thêm vào đó, có thể theo dõi những thay đổi về MIFC một cách nhanh chóng vì bò sữa phản ứng rất nhạy với những thay đổi nhỏ trong thành phần thức ăn của chúng. Việc đưa các loại thức ăn mới vào khẩu phần ăn hoặc thay đổi lượng khẩu phần sẽ được phản ánh qua những biến đổi trong thành phần sữa của bò trong một vài ngày và MIFC sẽ thay đổi theo trong vòng từ 1 - 2 tuần.
Trên đây là một số tiêu chí chủ yếu giúp các hộ chăn nuôi nhận diện tính kinh tế của nguồn thức ăn được chọn lựa. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tớ lợi nhuận thu được từ trang trại. Nắm được những vấn đề có liên quan đến chi phí và đề ra các giải pháp giảm thiểu những chi phí không cần thiết là một việc làm hết sức quan trọng bởi nó quyết định một trang trại có thu được lợi nhuận hay không. Làm được điều này người chăn nuôi đa trở thành một nhà kinh doanh thực thụ!