Thức ăn cho bò sữa

Cỏ xanh và phụ phẩm nông nghiệp trong chăn nuôi bò sữa bò thịt

Trâu bò ăn cỏ ăn rơm

Những gia súc có sừng như trâu bò dê cừu thuộc loài động vật nhai lại có dạ dày chia làm 4 túi (bốn ngăn. Dạ cỏ có dung tích lớn và có rất nhiều vi sinh vật, chính điều này đã tạo ra sự khác biệt căn bản giữa động vật nhai lại và động vật dạ dày đơn. Vi sinh vật dạ cỏ thực hiện hai chức năng quan trọng:

·        Giúp vật chủ có thể sử dụng thức ăn thô và tiêu hoá chất xơ. Chúng biến đổi xơ (mà chủ yếu là cellulose) của thức ăn thành các axit hữu cơ như axit axetic, axit propionic, axit butiric (có tên gọi chung là các axit béo bay hơi). Những axit béo này cung cấp cho vật chủ 60 - 80% nhu cầu năng lượng. Sự tiêu hoá thức ăn, mà chủ yếu là thức ăn thô, nhờ vi sinh vật dạ cỏ ở động vật nhai lại có tầm quan trọng và ý nghĩa thực tế to lớn. Đó cũng là lí do tại sao chúng ta có thể nuôi chúng chủ yếu bằng cỏ, rơm...

·        Trong dạ cỏ, vi sinh vật tổng hợp nên những chất dinh dưỡng cho vật chủ, các vitamin nhóm B, vitamin K và tất cả các axit amin thiết yếu. Chúng thậm chí có khả năng sử dụng những hợp chất nitơ phi protein như urea, hoặc những chất chứa nitơ khác, hoặc những protein thiếu một hoặc nhiều axit amin để biến các hợp chất đó thành những chất dinh dưỡng có giá trị hơn. Đây cũng là lí do tại sao ta có thể cho bò ăn urea, ăn thức ăn nghèo protein mà thịt trâu bò có hàm lượng chất đạm cao hơn thịt heo.

·        Trâu bò có khả năng chuyển đổi thức ăn thô chất lượng thấp thành sản phẩm có giá trị cao như sữa, thịt nhờ vi sinh vật ở dạ cỏ.

·        Rơm cỏ là thức ăn thô chính của bò sữa chiếm 60 -70% chất khô khẩu phần. Cung cấp 60-80% nhu cầu năng lượng. Thức ăn tinh như cám, hèm bia, xác mì, xác đậu nành là phần bổ sung khi bò có năng suất sữa cao.    

·        Thức ăn tinh không thể thay thế cỏ rơm trong khẩu phần của bò sữa

 ·        Thức ăn thô- thức ăn nhiều xơ

Chất xơ gồm các thành phần: celluloses, hemicelluloses, pentosans, lignin, pectins, silica, cutin trong đó celluloses chiếm phần chính. Chất xơ là yếu tố chính cấu tạo nên thành tế bào thực vật. Thân cây có hàm lượng chất xơ cao hơn củ và hạt. Vỏ của hạt có nhiều xơ hơn nhân của hạt vì cần thiết để bảo vệ hạt. Thực vật càng già thì hàm lượng chất xơ trong thân càng tăng, thân cây càng khô cứng hơn. Trong 1 kg cỏ xanh ở dạng tươi có 30-70 gam chất xơ hoặc 200-420 gam xơ tính trên 1kg chất khô. Rơm ra có từ 400-430 gam xơ trong 1kg châùt khô. Bột củ khoai mì  chỉ có khoảng 15 gam xơ, hạt bắp và hạt tấm có khoảng 30 gam xơ và bã của củ khoai mì có khoảng 100 gam xơ trong 1kg chất khô.

Các loại cỏ tự nhiên, cỏ trồng, thân lá cây dạng tươi, phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch, bã mía, rơm tươi, vỏ và ngọn trái thơm (dứa), vỏ và xơ quả mít có hàm lượng chất xơ lớn hơn 180 gam trong 1kg chất khô được xếp vào nhóm thức ăn nhiều xơ. Đây là nhóm thức ăn thô chủ yếu trong khẩu phần ăn của trâu bò.

Các loại hạt ngũ cốc và phụ phẩm của chúng. Một số loại rau quả và cây thức ăn xanh ít xơ, xác củ khoai mì, khô dầu, bột cá, rỉ mật có hàm lượng xơ thấp hơn 180 gam trong 1kg chất khô được xếp vào nhóm thức ăn tinh. Thức ăn tinh là phần bổ sung vào khẩu phần trâu bò khi thức ăn thô không đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng, điều này thường xảy ra khi nuôi bò sữa bò thịt năng suất cao. 

Năng suất sữa thịt của bò không ngừng tăng theo thời gian nhưng khả năng tiêu thụ và sử dụng thức ăn của chúng tăng không tương ứng với năng suất

Chính vì lẽ đó con vật năng suất cao cần phải được cung cấp thức ăn thô chất lượng cao, thức ăn tinh hoặc cả hai

Bò sữa không thể cho ra nhiều sữa khi được nuôi bởi ăn thức ăn thô giá trị thấp

 Giá trị dinh dưỡng của thức ăn thô, cỏ được đánh giá bởi:

Số lượng năng lượng, protein, khoáng chứa đựng trong chúng và được thể hiện trong 1kg chất khô (đối với cỏ còn được tính trên một đơn vị diện tích).

Độ ngon miệng, chất dinh dưỡng mà con vật ăn vào.

Tỷ lệ tiêu hoá hấp thu, hiệu suất biến đổi chất dinh dưỡng thành sản phẩm

Không có độc tố, không tạo mùi vị lạ cho sữa 

Vai trò của cỏ xanh đối với bò sữa

Cỏ xanh và thức ăn thô xanh nói chung có vai trò đặc biệt quan trọng đối với bò sữa bởi vì:

·        Thức ăn xanh có nhiều nước, dễ tiêu hoá, có tác dụng nâng cao sản lượng sữa rõ rệt.

·        Các chất dinh dưỡng trong thức ăn xanh có tỷ lệ cân đối, tỷ lệ tiêu hoá các chất dinh dưỡng cao, chứa nhiều vitamin.

·        Có tính ngon miệng gia súc thích ăn.

·        Protein và vitamin trong thức ăn xanh có chất lượng cao hơn trong thức ăn tinh.

·        Có chứa một số chất kích thích sinh trưởng, sinh sản và khả năng tiết sữa.

·        Rẻ hơn thức ăn tinh khi quy đổi về một đơn vị năng lượng và protein trong thức ăn.

Khẩu phần bò sữa thiếu cỏ xanh sẽ dẫn đến thiếu vitamin, thiếu Kali làm mất cân bằng pH dạ cỏ. Thiếu Kali còn ảnh hưởng xấu đến hoạt động cuả buồng trứng, đến khả năng thụ thai.

Cỏ tự nhiên, cỏ trồng, ngọn mía, đọt thơm, vỏ thơm, rau lang, rau muống... là những thức ăn xanh đang được sử dụng rộng rãi để nuôi bò sữa hiện nay.

Yêu cầu chất khô của thức ăn xanh không thấp hơn 1% khối lượng cơ thể.

 Thí dụ một bò sữa có khối lượng 450kg cần 4,5kg chất khô của cỏ, nghĩa là tương đương với 30kg cỏ tươi (nếu chất khô của cỏ là 15%).  

 

 

Cỏ tự nhiên và cỏ trồng

 

 

Cỏ tự nhiên mọc trên gò bãi, trong công viên, trên bờ ruộng, ven kênh rạch, trong vườn nhà... là hỗn hợp các loại cỏ hòa thảo như cỏ gà, cỏ chỉ, cỏ ống, cỏ lá tre, cỏ mật… Cỏ tự nhiên có rất ít cỏ họ đậu. Thành phần dinh dưỡng và chất lượng cỏ tự nhiên biến động lớn, phụ thuộc vào mùa khô hay mùa mưa, cỏ non hay già, thành phần các giống cỏ trong thảm cỏ và nơi cỏ mọc (cỏ ở chân ruộng cao hay dưới đồng trũng, ven kenh rạch…).

Cỏ tự nhiên thu cắt đúng lúc rất mềm, độ dài vừa phải, ngon miệng bò sữa thích ăn. Cỏ cắt về cần được ngâm nước rửa sạch để loại bỏ những bụi và các chất thải từ nhà máy, hoá chất độc, thuốc trừ sâu.. Nuôi bò sữa bằng cỏ non đầu mùa mưa, cỏ ít xơ và nhiều protein hoà tan bò dễ mắc bệnh chướng hơi và rối loạn tiêu hoá. Tính trung bình cỏ tự nhiên có 11.88% protein và 2098 Kcal ME (năng lượng trao đổi) trong 1kg  chất khô. 

Thức ăn thô cho trâu bò chủ yếu là cỏ tự nhiên, cỏ dại mọc ven đường, trong rừng, trên đất hoang không trồng trọt và phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch.

Cỏ tự nhiên có rất ít cây cỏ họ đậu. Thành phần dinh dưỡng và chất lượng cỏ tự nhiên biến động lớn.

Cỏ tự nhiên không thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng cho bò sữa năng suất cao

Cỏ trồng phổ biến nhất hiện nay là: Cỏ voi, cỏ Sả, cỏ Ruzi, cỏ Pangola, đây là các giống cỏ hoà thảo dễ trồng, năng suất cao. Trồng thâm canh và có đủ nuớc tưới vào mùa khô, cỏ cho năng suất rất cao (300 tấn/ha/năm). Khoảng cách giữa hai lần thu cắt của cỏ voi là 45 ngày, cỏ sả là 30 ngày là hợp lí. Thu cắt ở tuổi này, chất lượng cỏ tốt hơn và năng suất chất khô của cỏ trên 1 ha/năm cũng cao hơn. Cỏ voi có hàm lượng đường 80 gam trong 1kg vật chất khô, cao hơn cỏ sả và cỏ Ruzi nên rất tốt đối với bò vắt sữa. Cỏ thảo trồng có trung bình 12.69% protein và 2084 Kcal ME/kg chất khô .

Cỏ tự nhiên, cỏ thảo trồng (voi, sả, ruzi…) có hàm lượng năng lượng và protein trong chất khô đều thấp hơn nhu cầu của bò vắt sữa cao sản (cần 14-15% protein và 2500 Kcal năng lượng trong 1kg chất khô) vì vậy cần sử dụng kết hợp chúng với cỏ họ đậu hoặc bổ sung thêm thức ăn tinh giàu protein khác.

            Một giống cỏ họ đậu đang được trồng phổ biến hiện nay là cỏ Stylo. Giống cỏ này có hàm lượng chất đạm cao 19-20% (theo chất khô). So với các giống cỏ hoà thảo khác thì cỏ họ đậu nói chung và Stylo nói riêng có năng xuất thấp hơn và khó nhân giống hơn, vì vậy chưa được trồng rộng rãi.  

 

 

Trồng cỏ nuôi bò

 

 

Trước đây ta nuôi trâu nuôi bò nhằm mục đích cày kéo, phương thức chăn nuôi quảng canh dựa chủ yếu vào cỏ tự nhiên. Mùa hè, mùa mưa nhiều cỏ trâu bò ăn đủ cỏ béo mập, mùa đông mùa khô khan hiếm cỏ trâu bò gày ốm đổ ngã. Khi mới nuôi bò sữa, số lượng đàn bò còn ít, diện tích đất trống và cỏ tự nhiên còn nhiều vì vậy bò sữa cũng được nuôi chủ yếu bằng cỏ tự nhiên dưới dạng chăn thả hoặc cắt về chuồng. Ngày nay đàn bò sữa tăng nhanh, đất trống và bãi cỏ thu hẹp dần, người chăn nuôi không thể trông đợi nhiều từ nguồn cỏ trời cho nữa mà phải chủ động tạo ra nguồn thức ăn thô, thức ăn xanh quanh năm cho bò. Trồng cỏ thâm canh với những giống cho năng suất cao là một trong những cách giải quyết tốt nhất đối với những vùng khan hiếm đất đai hoặc những vùng mà việc sử dụng đất còn kém hiệu quả.

 

 

      Lợi ích của trồng cỏ rất rõ ràng

-         Chủ động thức ăn xanh quanh năm cho bò kể cả vào những tháng khô hạn nhất, khi nguồn cỏ tự nhiên cạn kiệt.

-         Chất lượng cỏ trồng cao và ổn định không phụ thuộc vào mùa vụ như cỏ tự nhiên, không sợ nhiễm độc thuốc trừ sâu và hoá chất độc hại khác.

-         Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nhờ tăng số lượng bò trên một diện tích đất (10-20 bò/ha), vì vậy mà tăng thu nhập tính bằng tiền trên 1 đơn vị diện tích đất.

-         Kết hợp trồng cỏ với nuôi bò là biện pháp giữ gìn, bồi bổ và cải tạo đất hiệu quả nhất.

Đã có nhiều giống cỏ hoà thảo được thử nghiệm, đánh giá và giới thiệu để sản xuất thức ăn xanh cho trâu bò đạt năng suất cao 300-400 tấn/ha một năm.  

 

 

Hỗn hợp cỏ hoà thảo và cỏ họ đậu

 

 

Như đã trình bày ở phần trên, hàm lượng protein và năng lượng trong cỏ hoà thảo (tính theo chất khô thức ăn) không thoả mãn nhu cầu cho bò sữa năng suất cao. Để bù đắp sự thiếu hụt này khẩu phần ăn của bò cao sản phải được bổ sung thêm thức ăn tinh giàu protein, giàu năng lượng như hèm bia, khô dầu các loại, bột cá, rỉ mật đường, bắp… Những thức ăn này đắt tiền vì vậy làm tăng chi phí thức ăn, tăng lao động khi cho ăn dẫn đến tăng giá thành sản xuất sữa giảm lợi nhuận cho người chăn nuôi. Mặt khác cũng gặp khó khăn khi cơ khí hoá khâu cung cấp thức ăn, phối trộn khẩu phần đối với những đàn lớn. Để khắc phục tình trạng này người ta tìm cách trồng xen giữa cây hoà thảo năng xuất cao đạm thấp với cây họ đậu năng xuất thấp đạm cao, hy vọng có một hỗn hợp cỏ đáp ứng nhu cầu protein và năng lượng cho bò sữa bò thịt cao sản.

Cái khó của công việc này là các giống cỏ trồng kết hợp không giống nhau về đặc tính sinh học, đặc điểm sinh trưởng, khả năng tái sinh…  Vì vậy để đơn giản hơn người ta chỉ kết hợp 2 loại với nhau, trồng và thu hoạch từng vụ. Thí dụ điển hình nhất mà ta đã gặp là trồng xen bắp với đậu. Khác với mục đích thu hoạch trái bắp và trái đậu khi chín, khi hạt trái bắp đông cứng sữa và khi cây đậu ra trái non thì người ta thu hoạch cả 2 cây này băm chặt nhỏ làm thức ăn cho gia súc. Mùa sau, vụ sau lại trồng lại. Ưu điểm của cách này là dễ làm, hạt giống bắp và  đậu rất rẻ. Bất lợi là chỉ thu hoạch một lần, tỷ lệ cây họ đậu trong hỗn hợp không cao. Một kĩ thuật sản xuất thức ăn rất khoa học, rất phổ biến ở Aán Độ để nuôi trâu sữa Murrah là người ta trồng bắp riêng và cây họ đậu riêng. Cây họ đậu trông giống như cây điền thanh, trồng rất dày, cây rất cao vì vậy năng xuất chất xanh và khối lượng protein thu được trên một đơn vị diện tích cao hơn nhiều so với trồng xen bắp đậu. Khi cả hai cây đều ra trái gần chín thì họ cắt về băm nhỏ trộn lẫn với nhau theo tỷ lệ nhất định cho trâu bò ăn tươi hoặc phơi khô, ủ dự trữ. Cách này rất rẻ và hiệu quả vì hạt bắp và hạt cây họ đậu này rất dễ thu hoạch và họ có thể tự nhân giống mà không phụ thuộc vào nơi cung cấp.

 

 

            Trồng xen canh thảo đậu với mục đích khai thác nhiều năm, năng xuất cao, chịu hạn là mơ ước của các chuyên gia đồng cỏ cũng như người chăn nuôi gia súc lớn. Một số đồng cỏ dạng này được thiết lập với mục đích để chăn thả gia súc hơn là thu cắt và thường thấy ở những vùng có diện tích đất rộng.   

Hỗn hợp các giống cỏ thảo và đậu của Uùc đã được giới thiệu và trồng thử tại nhiều nơi. Kết quả ban đầu cho thấy chất lượng thảm cỏ phụ thuộc nhiều vào kĩ thuật khi trồng, một vài nơi tỷ lệ nảy mầm thấp, tỷ lệ cây họ đậu rất ít hoặc không có. Năng suất lứa cắt đầu rất cao, đạt từ 30-70tấn/ha. Chưa có kết quả phân tích hàm lượng protein của hỗn hợp cỏ này cũng như khả năng chịu hạn của chúng qua mùa khô.  Còn sớm để có thể kết luận thành công hay thất bại của hỗn hợp cỏ thảo đậu từ Uùc. Cần phải đánh giá thật chính xác và khoa học các chỉ tiêu về dinh dưỡng và kinh tế của hỗn hợp cỏ này. Người chăn nuôi đang băn khoăn về đầu tư ban đầu quá cao, 1 ha trồng mới chi phí khoảng 45 triệu đồng gồm hệ thống tưới phun, hạt giống, phân và công kĩ thuật, chưa kể chi phí khoan giếng và xây hồ chứa nước.

Điều quan trọng mà người chăn nuôi mong đợi ở giống cỏ hỗn hợp này là:

-            Tỷ lệ cỏ đậu phải chiếm từ 1/3 hoặc hơn trong tổng số (tính theo chất khô) để đạt hàm lượng protein của hỗn hợp cỏ không thấp hơn 14% ổn định qua các lứa cắt và qua nhiều năm sau.

 

 

-            Giá thành 1kg cỏ xanh (có tối thiểu 17% chất khô) trung bình cho cả mùa mưa và khô (kể cả chi phí tưới và khấu hao trồng mới) không cao hơn 150đ/kg.  

 

 

 

 

Chọn giống cỏ nào để trồng?

 

 

Một số giống cỏ trồng đã được giới thiệu cho vùng nóng ẩm

Các giống cỏ thảo

°Brachiara brizantha (Signal grass) còn có tên là cỏ Tín hiệu. Giống này phù hợp với vùng ít mưa (750mm), dưới tán cây lâu năm. Cỏ phát tán bằng hạt

°Brachiara mutica (Para grass, Water grass) còn có tên là cỏ Lông Para. Thân bò, lá to, có lông. Mọc tốt ở vùng đất ẩm ướt. Chịu ngập nước, mọc thành thảm trên mặt nước, mùa khô cỏ ngừng phát triển nếu không được tưới. Không chịu dẫm dạp và chăn thả quá mức. Cạnh tranh rất tốt với cỏ dại. Trồng bằng hom hoặc từ những chồi bò lan.

°Brachiaria ruziziensis (Ruzi grass) còn có tên là cỏ Công gô, cỏ Ruzi.  Đây là giống cỏ trồng phổ biến trong những năm gần đây (xem thêm phần sau).

°Penisetum clandestinum (Kikuya grass) còn có tên là cỏ Kikuyu và các giống cỏ  Paspalum cho vùng lạnh, có mưa đều, đất tốt. Phù hợp cho trồng chăn thả.

°Panicum maximum (Cỏ Sả-cỏ Hamil) cho vùng hạn và chăn thả (xem thêm phần sau)

°Penisetum purpureum (cỏ Voi- cỏ Guinea) cho vùng đủ ẩm không ngập úng, đất tốt (xem thêm phần sau). 

Một số giống cỏ và cây thức ăn họ đậu: 

°Centrocenma pubescens (đậu bướm). Cây lâu năm, bò leo, lá chẻ ba, hoa to, nhiều lá. Chịu hạn khá tốt. Có thể trồng xen với nhiều loại hoà thảo khác. Hàm lượng protein thô của thân lá cao từ 23-25%.

°              Desmodium intortum (Cỏ xoăn). Cây lâu năm, thân bò. Năng suất cao, ngon miệng. Không chịu được chăn thả quá mức. Hàm lượng protein thô biến động từ 10- 20%.

°              Gliricidia maculata (cây Cọc rào). Trồng làm cọc rào hoặc thành băng ngăn lô đồng cỏ. Xén cao ở khoảng 1-1,5m cho tiện thu hoạch lá. Chịu hạn và đựng được gia súc gặm bứt lá. Hàm lượng protein thô của cành non và lá tươi từ 18-30%.

°              Leucaenna leucocephala (cây Keo dậu). Cây thân gỗ, chịu hạn và đất xấu. Cắt xén ngang tầm 1-1,5m để tiện thu hoạch lá. Lá và hạt có độc tố glucozit mimodin có thể làm gia súc non rụng lông. Khử độc bằng thêm muối sắt. Thân và lá non có hàm lượng protein cao 21-27%, gia súc thích ăn.

°              Mucuna deeringiana  (Đậu mèo) có nhiều loài, quả màu đen và quả màu trắng (S. cochinchinensis). Cây hàng năm, dây leo. Thường trồng xen với cỏ thảo làm bãi chăn thả gia súc. Quả làm thức ăn tinh cho trâu bò. Hạt có 15-18% protein, thân và lá non có 15-16% protein.

°              Stylosanthes guyanensis; S. hamata; S. humilis (cỏ Stylo)17-19% protein thô (xem thêm phần sau). 

Có nhiều giống cỏ cải tiến đã được giới thiệu vào nước ta, tuy vậy chỉ có số ít giống phù hợp với từng vùng cụ thể (khô hạn, ngập lụt, lượng mưa, chất đất…).

 

 

Một giống cỏ có giá trị dinh dưỡng cao, năng suất cao có thể rất khó trồng và chi phí để duy trì nó cũng rất cao. 

Giá trị dinh duỡng của một giống cỏ được đánh giá thông qua số lượng năng lượng, protein, khoáng chứa đựng trong chúng và được thể hiện trong 1kg chất khô, trên một đơn vị diện tích. Mức độ ngon, tỷ lệ tiêu hoá hấp thu, hiệu suất biến đổi chất dinh dưỡng thành sản phẩm, không có độc tố…

Thí dụ cỏ Voi: 60 tấn chất khô/ha/năm. 2000Kcal ME và 12% protein trong 1kg chất khô. Vậy 1ha cỏ Voi có 120 000 McalME và 7200 kg protein

Cỏ Stylo: 25 tấn chất khô/ha/năm.2200Kcal ME và 20% protein thô trong 1kg chất khô. Vậy 1ha cỏ Stylo có 55 000 McalME và 5000 kg protein. 

Ngoài yếu tố khí hậu và đất đai ra, các yếu tố quan trọng khác để lựa chọn giống cỏ trồng là:

Giá trị dinh dưỡng

Khả năng sinh trưởng

Khả năng duy trì qua nhiều năm

Dễ trồng và

Giá thành cỏ thấp. 

Khả năng sinh trưởng của một giống cỏ được đánh giá thông qua năng suất và phân bố năng suất trong năm. Năng suất được tính bằng số lượng chất khô trên 1 đơn vị diện tích. Thông thường một số cỏ thảo trồng hiện nay cho năng suất trung bình 200 tấn chất xanh trên 1ha, tương đương với 30 tấn chất khô mỗi năm. Cỏ Voi lai cho năng suất cao hơn nhiều nếu được chăm sóc tốt vào mùa khô. Chúng ta cần những giống cỏ có sản lượng phân bố nhiều tháng trong năm, nếu năng suất cao chỉ tập trung vào một ít tháng thì tốn chi phí bảo quản và hao hụt chất dinh dưỡng khi bảo quản dự trữ. 

Khả năng bảo tồn nhiều năm, nghĩa là chúng ta mong đợi đồng cỏ trồng 1 lần nhưng thu hoạch nhiều năm ngay cả khi không có khả năng tưới vào mùa khô.

Một giống cỏ có khả năng kháng nhiều loại sâu bệnh, chịu khô hạn, chịu giá lạnh, chịu dẫm đạp khi chăn thả (như những giống thân bò hoặc thân ngầm dưới mặt đất). Điều này rất có ý nghĩa làm giảm chi phí trồng lại mỗi năm. 

Dễ dàng thiết lập đồng cỏ. Một giống cỏ thích hợp phải xét đến mức độ dễ dàng tạo lập đồng cỏ bằng các phương pháp nhân giống dễ dàng bằng hạt, thân hay bụi. Nguồn giống phải dễ kiếm, giá rẻ. Các phương pháp nhân giống khác nhau nên kỹ thuật chuẩn bị đất cũng khác nhau và chi phí trồng mới khác nhau cần phải xem xét kĩ. Cũng cần phải xem xét giống đó có thể trồng xen với cây trồng khác không. Thí dụ loại cỏ chịu bóng dâm dưới cây dừa hoặc cao su. 

Chi phí trồng mới và duy trì đồng cỏ. Điều này rất quan trọng khi quyết định lựa chọn giống cỏ để trồng. Thường thì giống cỏ năng xuất cao, chất lượng tốt đòi hỏi chi phí trồng mới, chi phí duy trì và kĩ năng quản lí cũng cao hơn.

Tuy nhiên khi lợi nhuận chăn nuôi cao, môi trường thuận lợi thì giống này cũng sẽ cho lợi nhuận cao hơn.

 

 

 Đất trồng cỏ

 

 

Những năm gần đây chúng ta đã sản xuất lúa gạo vượt quá nhu cầu lương thực cho người. Phần lớn sản phẩm từ cây mầu như bắp, khoai mì, khoai lang, khoai tây được sử dụng vào công nghiệp chế biến thức ăn gia súc và nguyên liệu cho công nghiệp khác. Hàng năm chúng ta còn xuất khẩu nhiều triệu tấn gạo. Đã đến lúc người chăn nuôi phải suy nghĩ đến việc chuyển một phần đất trồng lương thực và những cây trồng khác kém hiệu quả hơn để trồng cỏ nuôi bò. Theo tính toán của chúng tôi thì trồng cỏ lời hơn trồng lúa. Giá thành sản xuất cỏ bình quân mùa mưa và mùa khô tối đa là 120đ/kg. Giá bán trung bình 200đ/kg (lời 80đ/kg). Năng suất cỏ trung bình 250tấn/ha/năm như vậy 1ha cỏ lời 20 triệu đồng. Nhà nước đã có chính sách miễn giảm thuế cho những diện tích đất trồng cỏ nuôi bò nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi. Cái khó hiện nay là nhiều người nuôi bò không đủ đất trồng cỏ, trong khi nhiều người có đất trồng cỏ lại không nuôi bò. Cần phải xây dựng sự hợp tác ổn định và tin cậy giữa người nuôi bò và người trồng cỏ.

Điều đầu tiên cần quan tâm đối với những ai muốn lập trại nuôi bò cũng phải tính đến là có đất trồng cỏ không? Đất có màu mỡ không? Có sẵn nước tưới cỏ vào mùa khô không? Địa hình có bằng phẳng để tiện cơ khí hoá và tưới cỏ không? Những yếu tố này sẽ giúp cho giá thành sản xuất cỏ giảm đi rất nhiều và như vậy sẽ tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi.

TS. Đinh Văn Cải - Viện Khoa học kĩ thuật Nông nghiệp Miền Nam

Nguồn: vcn.vnn.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác