TT thức ăn cho bò sữa tại Việt Nam
“Nóng” trên thị trường thức ăn chăn nuôi
Chưa bao giờ thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trong nước lại chịu nhiều sức ép tăng giá đến như vậy. Dù rằng từ đầu năm tới nay, đã có tới không dưới 5 lần các công ty sản xuất TĂCN điều chỉnh giá bán, mỗi lần bình quân 300 đồng/kg, nhưng theo họ mức tăng như vậy là quá thấp so với chi phí đầu vào phải bỏ ra. Theo một số nguồn tin, trong vài ngày tới, giá TĂCN có thể tăng thêm 10%.
Giá nguyên liệu tăng mạnh
Hiện ngành TĂCN nước ta phải nhập tới 60% nguyên liệu sản xuất, chủ yếu là đậu tương, khô dầu đậu tương, lúa mì (nhập tới 90-95%); các chất khoáng, vitamin, tạo mùi...(nhập khẩu đến 100%), ngô là loại nông sản dễ trồng thì Việt Nam cũng phải nhập đến 50%. Nguồn nguyên liệu được nhập từ 50 quốc gia, trong đó đứng đầu là Ấn Độ, Argentina, Mỹ, Trung Quốc và Thái Lan.
Năm nay, ngành TĂCN trong nước dự kiến nhập 8,5 - 9 triệu tấn TĂCN và nguyên liệu, tăng ít nhất 10,4% so với 7,7 triệu tấn nhập năm 2010, để đảm bảo mục tiêu đạt sản lượng 12 triệu tấn thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm và 2,5 triệu tấn thức ăn ngành thuỷ sản.
Trong khi nhập khẩu nhiều đã là khó khăn thì giá nguyên liệu tăng không ngừng, kết hợp với tỷ giá, giá xăng dầu và cước vận tải đồng loạt tăng lại càng thêm khó cho các nhà sản xuất.
Giá ngô trên thị trường thế giới tăng liên tục trong năm nay, với riêng quý 1 tăng 10,2%, đạt 6,9325 USD/bushel, sau khi đã tăng 27% trong quý 4 năm ngoái. Chỉ trong 3 phiên giao dịch đầu quý 2, giá ngô lại tăng thêm 15% do nhu cầu tăng mạnh từ sản xuất ethanol và thức ăn chăn nuôi, trong khi nguồn cung thiếu hụt. Hiện giá ngô đang ở mức cao nhất từ trước tới nay với gần 7,7 USD/bushel.
Giá lúa mì, đậu tương và khô dầu đậu tương dù giảm đến tăng nhẹ (khoảng hơn 1%) trong quý 1 nhưng khi nhập khẩu vào nước ta cũng cao hơn nhiều so với cuối năm ngoái do tỉ giá và cước phí vận tải quốc tế tăng.
Không chỉ nguồn nguyên liệu nhập khẩu, giá nguyên liệu TĂCN sẵn có ở thị trường trong nước như sắn lát cũng tăng vọt. Trong vòng 1 năm qua, giá sắn của nước ta đã tăng hơn 50%. Xuất khẩu mặt hàng này cũng đang được đẩy mạnh do giá bán ra nước ngoài cao hơn giá trong nước. Theo số liệu thống kê, cả nước đã xuất khẩu 1,11 triệu tấn sắn, trị giá 361 triệu USD trong 3 tháng đầu năm nay, tăng 62% về lượng và 100,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỉ giá, giá xăng dầu và cước vận tải leo thang
Cùng với giá nguyên liệu tăng mạnh, chi phí sản xuất của các công ty sản xuất TĂCN ngày càng leo thang cũng là nguyên nhân khiến giá thức ăn chăn nuôi phải tăng.
Tại hội nghị bàn về nguyên nhân giá TĂCN tăng do Hiệp hội TĂCN tổ chức ngày 4/4, ông Lê Bá Lịch, chủ tịch hiệp hội cho biết, Việt Nam phải nhập khẩu đến 60% nguyên liệu sản xuất TĂCN nên giá đầu vào biến động theo tỉ giá, giá xăng dầu, giá cước vận chuyển.
Trong năm nay, nhà nước ta đã điều chỉnh tăng tỉ giá đồng USD thêm 9,3%. Tỉ giá tăng dù có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhưng lại bất lợi với các công ty sản xuất vốn phụ thuộc vào nhập khẩu như trong ngành TĂCN. Việc giá xăng dầu thế giới tăng mạnh đã khiến Bộ Tài chính phải 2 lần điều chỉnh giá xăng dầu, tổng cộng tới 27 - 35,8% đã khiến giá cước vận tải tăng tổng cộng 25 - 40%. Tất cả những yếu tố này đều gây sức ép lên giá TĂCN.
Đà tăng sẽ dừng?
Giá nguyên liệu TĂCN trên thị trường thế giới và trong nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, do nhu cầu mạnh trong khi nguồn cung hạn chế. Giá thực phẩm nói chung tăng cao do lạm phát cũng sẽ kéo giá thức ăn chăn nuôi tăng lên.
Thêm vào đó, giá xăng dầu trên thị trường thế giới dự báo sẽ duy trì ở mức cao do bất ổn chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi làm giảm nguồn cung, trong khi nhu cầu lại tăng đáp ứng đà tăng trưởng của các nền kinh tế. Giá dầu thế giới tăng chắc chắn kéo theo giá trong nước điều chỉnh, nhất là khi chúng ta đang có chủ trương điều chỉnh giá xăng dầu nhanh hơn giá các nhiên liệu khác. Giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo một loạt các vấn đề như đã đề cập ở trên.
Tuy nhiên, khả năng thị trường TĂCN sẽ dừng tăng giá cũng rất lớn, khi Bộ Tài chính mới đây vừa ra quyết định số 779/QĐ-BTC về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và thuế đối với một số hàng hoá thiết yếu, trong đó có thức ăn chăn nuôi gia súc. Theo Thanh tra Bộ Tài chính, qua đợt thanh tra, kiểm tra này, Bộ sẽ đánh giá chính xác các yếu tố đầu vào nhất là tác động trực tiếp và gián tiếp của việc tăng giá như: điện, xăng dầu, tỷ giá ngoại tệ...ảnh hưởng đến các mặt hàng ngay trong đợt này, nhằm tránh việc các doanh nghiệp tăng giá tự phát không có căn cứ.
Gánh nặng lên vai người chăn nuôi
Thức ăn chăn nuôi chiếm tới hơn 70% chi phí sản xuất của ngành chăn nuôi. Ông Lê Quang Thành, Tổng giám đốc Công ty Thái Dương, một doanh nghiệp vừa sản xuất TĂCN, vừa có nhiều trại chăn nuôi lớn ở Bình Dương cho rằng, người chăn nuôi đang chịu gánh nặng lớn khi giá đầu vào tăng mỗi ngày. "Không ít nông dân thua lỗ phải cắm sổ để mua TĂCN cho lợn. Thực chất các khoản thuế nhập khẩu nguyên liệu, nông dân phải nộp chứ ai" - ông Dương nói.
Một số chủ trại chăn nuôi gia súc gia cầm tại khu vực Đông Nam Bộ thì cho biết, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã thông báo sẽ tiếp tục tăng giá thêm 10% trong những ngày tới. Điều này càng làm tăng áp lực lên người chăn nuôi khi nhiều thứ chi phí đầu vào khác cũng tăng vọt. Từ đầu năm đến nay đã có 4 lần giá thức ăn chăn nuôi tăng.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Tâm, chủ một trang trại gà công nghiệp với 10.000 con ở Chương Mỹ - Hà Nội cũng đang kêu trời vì giá TĂCN tăng liên tục, trong khi gà liên tục bị dịch bệnh do thời tiết thất thường. Theo anh, từ đầu năm tới nay, giá cám gà tăng khoảng 5 lần, mỗi lần bình quân 300 đồng/kg, tính toán sơ bộ, mỗi lần tăng giá anh lại phải bỏ thêm 3,5 - 4 triệu đồng tiền thức ăn cho gà/ngày. Nếu giá thức ăn cứ tăng nữa thì dù giá gà cao, trang trại của anh vẫn sẽ không có lãi.