TT thức ăn cho bò sữa tại Việt Nam
Ngành thức ăn chăn nuôi điêu đứng
Hàng sản xuất ra không bán được, giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, cộng thêm tình trạng tôm nuôi chết trên diện rộng, ngành cá tra thiếu vốn, người nuôi heo bỏ bê chuồng trại vì giá tiếp tục xuống thấp, sức mua giảm sút do ảnh hưởng của chất tạo nạc..., các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) đang điêu đứng. Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Sản xuất TACN Thành Lợi (Bình Dương), cho biết lượng TACN bán ra trong quí 1 của công ty giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì tin đồn chất tạo nạc, những người nuôi heo đã ngưng việc mở rộng quy mô đàn heo thương phẩm. Điều đáng nói là hàng loạt doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi một số ít doanh nghiệp kinh doanh gian dối. Theo ông Phước, Nhà nước cần có giải pháp kịp thời để công bố những doanh nghiệp vi phạm, mở đường cho những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng tiếp tục an tâm sản xuất kinh doanh. Cũng theo ông Phước, ngoài việc bị ảnh hưởng bởi các chất cấm trong chăn nuôi, doanh nghiệp sản xuất TACN còn gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh trong những tháng đầu năm. Ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam, còn cảnh báo các doanh nghiệp sản xuất TACN sẽ gặp khó khăn ở nguồn nguyên liệu đầu vào trong thời gian tới. Tình hình kiểm tra, kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu của ngành sẽ chặt chẽ hơn vì theo Thông tư 66 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, có hiệu lực từ 1-7-2012, tất cả các lô hàng nhập khẩu đều phải kiểm tra chất lượng. Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam, trong ba tháng đầu năm 2012, tình hình sản xuất TACN của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh hưởng của sự tăng giá hàng hóa, biến động tỷ giá đã có tác động rất mạnh đến giá nguyên liệu thức ăn, đặc biệt là nguyên liệu nhập khẩu (khô đậu tương, bắp, cám, chất bổ sung và các loại phụ gia khác). “Lãi suất cho vay ở mức cao, giá điện nước đều tăng... cũng làm cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước”, ông Lịch nói. Ông Lịch cho biết năm 2011, trong bối cảnh phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu (100% khô đậu tương, 60% lượng cám dùng trong chăn nuôi phải nhập khẩu...), giá thức ăn hỗn hợp cho heo thịt năm 2011 đã tăng đến 31,7% so với năm 2010. Tương tự, giá thức ăn hỗn hợp cho gà cũng tăng 26,2%. Trong quý 1-2012, giá nguyên liệu TACN vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Giá bắp tăng 32,3%, giá cám gạo tăng 29,5%, giá mì tăng 26,7%. Giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao nên doanh nghiệp không thể hạ giá bán TACN dù lượng hàng bán ra đang giảm. Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất TACN ở Lái Thiêu, chia sẻ: “Chúng tôi không thể bán dưới giá thành. Ngoài giá nguyên liệu, doanh nghiệp còn phải trả lãi vay ngân hàng”. Hậu quả là hàng tồn kho TACN ở mức cao nhưng giá không giảm và người chăn nuôi cũng phải mua thức ăn với giá cao. Nhiều đại lý cung ứng TACN thay đổi hình thức mua bán theo hướng an toàn hơn cho họ, làm cho người chăn nuôi thêm phần khó khăn hơn. Ông Trần Văn Hùng, hộ nuôi cá bè tại phường Tân Long, thành phố Mỹ Tho, cho biết: “Trước đây, các đại lý cung cấp TACN cho chúng tôi mua sản phẩm và được trả chậm sau khi thu hoạch cá. Còn hiện nay, họ buộc chúng tôi phải thanh toán tiền ngay mới bán”. Theo ông Tăng Trình ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, “trước đây, nuôi cá tra dễ kiếm lời nên chúng tôi có thể trả vốn lẫn lãi cho các đại lý cung cấp TACN một cách nhanh chóng. Bây giờ, đại lý buộc chúng tôi phải ứng trước 50-70% tiền mới cung cấp thức ăn, chưa kể còn phải đóng lãi cho họ nữa”, ông Trình than thở. Việc các doanh nghiệp, đại lý TACN thay đổi hình thức mua bán với người nông dân, người chăn nuôi đã vô tình đẩy họ đến trước nguy cơ phá sản, mà người nông dân phá sản thì ngành chăn nuôi của Việt Nam cũng có nguy cơ phá sản. Trong tình hình sản xuất kinh doanh TACN đang gặp khó, ông Trần Ngọc Chí, Tổng giám đốc Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam, cho biết GreenFeed đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người chăn nuôi. “Trong bối cảnh sức tiêu thụ trên thị trường giảm sút mạnh, để đẩy nhanh lượng hàng bán ra, chúng tôi phải chấp nhận giảm lợi nhuận và đưa ra nhiều chương trình ưu đãi cho các đại lý và người chăn nuôi”, ông Chí chia sẻ. n |