TT Sữa ở Việt nam
DN sữa Việt Nam: Chạy đua nguồn nguyên liệu
Cung không đua kịp cầu
Trước ngày ra mắt loại sữa tươi mang thương hiệu Lovein Farm tại Hà Nội vào năm 2013, Công ty CP Sữa Quốc tế (IDP) cho biết, trong 4 loại sữa (sữa nước, sữa bột, sữa chua ăn và sữa đặc), sữa nước có tốc độ tăng trưởng doanh số nhỉnh hơn so với 3 phân khúc còn lại với 24% (giai đoạn 2010 - 2015).
Tuy nhiên, nếu xét về % chủng loại sữa nước, sữa hoàn nguyên vẫn chiếm tỷ trọng lớn, trong khi sữa tươi nguyên chất chỉ ở mức 30% (còn lại 2 - 3% là sữa thanh trùng).
Theo đại diện của IDP, nhu cầu đối với sữa tươi nguyên chất sẽ ngày càng tăng vì có nguồn dinh dưỡng cao cho người sử dụng. Song, trở ngại ở đây là nguồn sữa tươi nguyên liệu cung ứng cho các nhà sản xuất còn hạn chế. Theo đó, nguồn nguyên liệu trong nước chỉ mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu sản xuất; 70% tổng nhu cầu sữa hằng năm của Việt Nam đều nhập khẩu từ New Zealand, Mỹ, EU và Úc.
Điển hình, nhà sản xuất sữa hàng đầu Việt Nam Vinamilk mua khoảng 60% sản lượng sữa tươi. Ngoài ra, Friesland Campina VN, TH, Hanoi Milk, IDP cũng là những nhà sản xuất có nhu cầu về nguyên liệu sữa khá lớn. Chính vì thế, Việt Nam nghiễm nhiên nằm trong nhóm 20 nước nhập khẩu sữa nhiều nhất trên thế giới, mỗi năm phải nhập khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại.
Ngay như Vinamilk, từ trước đến nay, công ty này nhập nguyên liệu chủ yếu từ New Zealand, My... Tính đến nay, New Zealand cũng là thị trường mà các nhà sản xuất sữa Việt Nam nhập nguyên liệu nhiều nhất. Đây cũng là quốc gia có đàn bò hơn 4,6 triệu con đang cho sữa (năm 2012), trong khi đó, năm 2013 Việt Nam chỉ mới phát triển được đàn bò với 181.000 con.
Mặt khác, nếu xét về quy mô thị trường, chắc chắn trong tương lai, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng, đặc biệt là sữa nước, các nhà sản xuất sẽ chạy đua quyết liệt trong việc xây dựng nguồn nguyên liệu và đó cũng được xem là yếu tố quan trọng trong vấn đề cạnh tranh.
Vùng nguyên liệu sữa tươi
Nhà sản xuất tạo tiếng vang lớn nhất trong việc đầu tư xây dựng trang trại là Công ty CP Thực phẩm sữa TH (gọi tắt là TH Milk) với dự án "Chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp" được triển khai tại Nghĩa Đàn, Nghệ An, với hợp đồng kỹ thuật và chuyển giao công nghệ về chăn nuôi bò sữa của Afimlkv - công ty hàng đầu Israel về công nghệ chăn nuôi bò sữa với tổng diện tích trang trại lên đến 37.000ha.
Theo đó, trong giai đoạn 1, TH sẽ đầu tư 8.100 ha, bao gồm các trang trại và cánh đồng cỏ làm thức ăn cho bò... Mục tiêu của TH đối với dự án này là tạo đàn bò 203 ngàn con vào năm 2020. Tính đến 10/2013, nhà sản xuất này đã sở hữu trên 35 ngàn con bò với số vốn đầu tư cho giai đoạn 1 (kết thúc năm 2013) là 350 triệu USD trên tổng vốn 1,2 tỷ USD dự kiến đầu tư cho toàn dự án.
Theo kế hoạch, năm 2014, TH Milk sẽ nhập thêm 10.000 con bò sữa từ Canada. Vì vậy, TH sẽ mở rộng trang trại số 2 để nuôi bò và phát triển nguồn nguyên liệu trồng thức ăn cho bò.
Trong khi đó, Vinamilk cũng bày tỏ quan điểm, việc tạo lập vùng nguyên liệu sữa tươi là một trong chiến lược quan trọng của họ với hai mục tiêu chính là xây dựng hệ thống trang trại hiện đại và hợp tác với nông dân để phát triển và nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi bò sữa.
Theo đó, từ năm 2009, Vinamilk đã nhập hơn 4.000 con bò sữa (giống HF) từ Úc và New Zealand. Số liệu từ Vinamilk cho thấy, đến cuối năm 2012, thông qua Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam, Vinamilk đã đầu tư 5 trang trại bò sữa (170 ha) tại Tuyên Quang, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định, Lâm Đồng với tổng đàn lên đến 8.200 con (tăng hơn 3.000 con so với 2010).
Theo tiết lộ từ Vinamilk, năm 2014 sẽ là thời điểm Công ty đầu tư mạnh mẽ cho nguồn nguyên liệu. Cụ thể, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư trang trại ở Thanh Hóa, Hà Tỉnh và Tây Ninh đề nâng số đàn bò lên 25.500 con vào năm 2015 và 28.000 con vào năm 2016.
Vào Việt Nam từ rất sớm và triển khai chương trình "Phát triển nguồn nguyên liệu sữa", FrieslandCampina Việt Nam (FCV) chủ yếu tập trung vào việc phát triển vùng thu mua sữa tươi từ các hộ gia đình. Tuy nhiên, năm 2013, trước khi ra mắt sản phẩm Sữa Chọn, hãng này đã chạy một loạt các chiến dịch marketing, trong đó nhấn mạnh vào tiêu chí sữa sản xuất từ 100% sữa tươi nguyên chất.
Mark Boot, Tổng giám đốc FCV, cho rằng, nhu cầu sữa tươi nguyên chất ngày càng lớn, do đó, chiến lược của Công ty là tiếp tục mở rộng nguồn nguyên liệu. Năm 2014 này, Trung tâm huấn luyện kỹ thuật chăn nuôi cho người nông dân và một phần trang trại chăn nuôi với quy mô 12ha của FCV sẽ hoàn thành tại tỉnh Hà Nam với vốn đầu tư khoảng 40 tỷ đồng.
Đây là một phần trong dự án Dairy Zone (kéo dài từ 5 - 7 năm), thuộc chương trình An toàn lương thực của Chính phủ Hà Lan hợp tác với Việt Nam. Theo đó, tỉnh Hà Nam sẽ cấp cho FCV 66ha đất làm mô hình hạt nhân cho việc phát triển vùng chăn nuôi bò sữa bền vững. Sau đó, mô hình này sẽ được nhân rộng sang các tỉnh khác.
Cuộc đua kép
Không chỉ xây dựng trang trại, các nhà sản xuất cũng phát triển các điểm thu mua sữa tươi thông qua việc hợp tác với nông dân.
Theo bà Thái Hương, Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á, Chủ tịch HĐQT TH Group, do nhu cầu ngày càng cao nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giữa các công ty hiện nay đang có sự cạnh tranh lẫn nhau trong việc thu mua sữa tươi nguyên liệu từ các hộ chăn nuôi. Việc cạnh tranh này bằng nhiều hình thức, như tăng giá thu mua sữa, hỗ trợ kỹ thuật và tín dụng cho các hộ chăn nuôi bò sữa.
Về vấn đề này, ông Trần Bảo Minh, Giám đốc Điều hành IDP, chia sẻ, chính sách của IDP là hợp tác với nông dân với cam kết sẽ mua hết sữa nguyên liệu với giá tốt. Đây là mô hình khác với TH Milk (tự đầu tư trang trại).
Trước đây, thương hiệu sữa tươi Ba Vì chỉ hỗ trợ nông dân Ba Vì trong khi mục tiêu ra thương hiệu Lovein Farm là Công ty mong muốn nhãn hàng này gắn liền với người nông dân trên toàn quốc.
Để thực hiện chiến lược này, IDP đã và tiếp tục ký hàng loạt hợp đồng với các nông hộ từ Bắc vào Nam. Cụ thể, trong giai đoạn 1 của chương trình "Phát triển nông trại bò sữa Việt Nam" (từ 2010 - 2013), IDP đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng để xây dựng một trang trại bò mẫu và cung cấp khoảng 400 con bò giống cho nông dân.
Đồng thời, nhà sản xuất này đã mạnh tay (nếu không nói là tạo điểm khác biệt) bỏ ra hơn 35 tỷ đồng cho nông dân vay mua con giống, xây chuồng trại với lãi suất 0% trong vòng 18 - 24 tháng và hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi cho các nông hộ. Được biết, kết thúc giai đoạn 1, tổng đàn bò của Công ty là 10.000 con (riêng Ba Vì đạt 6.000 ngàn con).
Giai đoạn 2 (đến năm 2020), IDP vẫn tiếp tục hợp tác thu mua sữa tươi từ đàn bò lên đến 50 ngàn con. Tổng số vốn mà IDP chi cho chương trình này là 600 tỷ đồng.
Trong khi đó, với FCV, có trên 17 năm gắn bó với các nông hộ chăn nuôi bò sữa, đến nay, chi phí đầu tư cho chương trình là trên 15 triệu USD. Ông Trương Văn Toàn, Giám đốc Đối ngoại và Pháp lý của FCV cho biết, đến nay, chương trình đã phát triển được trên 4.000 hộ và trang trại nuôi bò cung cấp sữa, với số lượng bò sữa lên đến trên 30.000 con, sản lượng sữa tươi nguyên liệu cung cấp đạt trên 80.000 tấn/năm.
Theo chia sẻ của ông Mark Boot, trong lần trả lời phỏng vấn báo chí vào năm 2013, ưu điểm của FCV trong mối quan hệ hợp tác với người chăn nuôi là ký kết hợp đồng thu mua với từng hộ riêng lẻ, điều này giúp người nông dân có động lực hơn vì những hộ có quy trình chăn nuôi đúng kỹ thuật và đảm bảo được chất lượng nguồn sữa sẽ có mức giá thu mua cao.
Cũng trong năm rồi, FCV đã đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị tại các điểm thu mua và hỗ trợ người nông dân thông qua việc kết hợp với nhà cung cấp thức ăn gia súc để tiết giảm chi phí đầu vào cho người chăn nuôi.
Ngược lại với những mô hình trên, theo một chuyên gia trong ngành sữa, ngay từ đầu, Vinamilk đã chọn mô hình "phát triển nguồn nguyên liệu kép", tức vừa tự chăn nuôi bò sữa, vừa phát triển các điểm thu mua từ nông hộ.
Song, nhìn vào việc thu mua sữa từ người nông dân của Vinamilk có thể thấy, số lượng hộ bán sữa nguyên liệu cho Vinamilk từ 2010 - 2012 không biến động nhiều, chỉ trên dưới 6.000 hộ, chủ yếu ở TP.HCM và các vùng phụ cận.
Đồng thời, sản lượng sữa thu mua cũng dao động không quá 150 triệu lít trong giai đoạn trên. Trong khi đó, diện tích trang trại của Vinamilk cũng không tăng đáng kể, từ 161ha năm 2010 lên 170ha (riêng năm 2011 không thay đổi so với 2010).
Đó cũng là lý do mà bên cạnh việc đầu tư ra nước ngoài để giải quyết nguyên liệu, Vinamilk sẽ tăng tốc đầu tư vào nguồn nguyên liệu tại chỗ trong năm nay để đàn bò 25.500 con trong năm tới.