Sữa Việt Nam
Vĩnh Tường: Bàn giải pháp đưa chăn nuôi bò sữa ở Vĩnh Thịnh phát triển bền vững
Theo báo cáo của UBND xã, Vĩnh Thịnh hiện có hơn 5.000 con bò sữa được nuôi tại 200 hộ gia đình. Với năng suất bình quân đạt 5.200kg/chu kỳ, trung bình mỗi con bò cho thu nhập khoảng 26 triệu đồng/chu kỳ, nghề nuôi bò sữa đã mang lại cuộc sống ổn định cho nhiều hộ dân địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển đàn bò sữa ồ ạt ngay trong các khu dân cư sẽ kéo theo nguy cơ gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe của người dân.
Bà Lương Thị Thung, trưởng thôn Khách Nhi Xuôi đề xuất giải pháp
đưa chăn nuôi bò sữa ra khỏi khu dân cư
Để giải bài toán trên, từ năm 2009, UBND xã đã quy hoạch 3 khu chăn nuôi tập trung với diện tích 17,3ha. Song trong quá trình triển khai 3 vị trí được bố trí không phù hợp nên việc tuyên truyền, vận động người chăn nuôi đưa trang trại vào khu quy hoạch không khả thi. Năm 2014, UBND xã ban hành Nghị quyết 01 về việc phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt giai đoạn 2013 – 2020 và đưa chăn nuôi ra ngoài khu dân cư. Thực hiện Nghị quyết, Vĩnh Thịnh đã đề nghị UBND huyện cho điều chỉnh để mỗi thôn có 1 khu chăn nuôi tập trung phù hợp với điều kiện đường giao thông và các điểm đấu nối điện để phục vụ người dân đầu tư ra khu chăn nuôi tập trung. Tuy nhiên, theo quy hoạch, toàn xã có 15 khu chăn nuôi tập trung với diện tích 16 ha và được chọn làm thí điểm tại 2 thôn An Lão Trên và Khách Nhi Ngược, nhưng đến nay mới chỉ có 4 hộ đồng tình thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân gặp khó khăn trong dồn đổi ruộng đất và các cơ chế hỗ trợ về hạ tầng đường giao thông, điện sản xuất chưa cụ thể, kịp thời.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đưa chăn nuôi bò sữa vào các khu chăn nuôi tập trung. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị các cấp, ngành chức năng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể đối với những hộ gia đình tiên phong đưa bò sữa ra khỏi khu dân cư; giải quyết vấn đề đất đai, nhất là hồ sơ thủ tục cấp bìa đỏ để người dân có điều kiện vay vốn ngân hàng đầu tư vào khu chăn nuôi tập trung; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, giúp người dân tổ chức lại việc chăn nuôi bò sữa theo hướng phát triển bền vững.
Trước tiếp giải đáp những băn khoăn, lo lắng của các đại biểu, đồng chí Trần Việt Cường, Chủ tịch UBND huyện cho biết, hiện huyện đang chỉ đạo các ban, ngành liên quan xây dựng các giải pháp, tạo điều kiện để chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững. Trên cơ sở ý kiến, sự đồng thuận của người dân địa phượng, huyện sẽ xây dựng Đề án cụ thể theo hướng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân Vĩnh Thịnh. Đặc biệt, không chỉ giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường do chăn nuôi bò sữa trong khu dân cư mà còn nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi khi gắn phát triển chăn nuôi với phát triển du lịch sinh thái và thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Chủ tịch UBND huyện cũng đề nghị chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các hội nghị lấy ý kiến để người chăn nuôi hiểu sự cần thiết phải xây dựng Đề án đưa chăn nuôi bò sữa phát triển ra ngoài khu dân cư. Trước mắt, huyện sẽ cấp kinh phí để địa phương tổ chức đưa hộ chăn nuôi đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình nuôi bò sữa tập trung lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại tại một số tỉnh, thành trong nước.
Bích Phượng