Sữa Việt Nam

Vinamilk: Từ chiến lược đến với Nông nghiệp - Nông thôn - Nông dân

Với chiến lược đến với nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Vinamilk đã chiếm 45% thị phần trong nước... Trong suốt chiều dài phát triển của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) không thể không nhắc đến những đóng góp của bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinamilk. Bước cùng Vinamilk từ ngày đầu khó khăn đến thành công ngày nay, bà Mai Kiều Liên là người hiểu Vinamilk hơn ai hết.

 Từ vai trò kỹ sư cho đến khi được đề bạt lên các vị trí quản lý rồi đảm nhận vị trí lãnh đạo Tổng Giám đốc Vinamilk từ năm 1992, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc (2003 – 2015), và đến nay là Tổng giám đốc, ở mỗi vị trí, bằng tâm huyết, sự nhạy bén sáng tạo, bà đã chèo lái con thuyền Vinamilk vượt qua khó khăn để trở thành doanh nghiệp số 1 trên thị trường sữa. Dưới sự lãnh đạo của bà Mai Kiều Liên, Vinamilk duy trì đà tăng trưởng, đóng góp cho cộng đồng qua nhiều chương từ thiện xã hội. Điều đó đã khiến Vinamilk và bà Mai Kiều Liên được vinh danh tại Đại hội Thi đua yêu nước Toàn quốc lần thứ IX vừa qua.

 

Trong bài phát biểu tại Đại hội, chia sẻ bí quyết để Vinamilk lớn mạnh, trở thành doanh nghiệp hàng đầu của ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam, bà Mai Kiều Liên đã nhắc lại những ngày đầu với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn về máy móc thiết bị, công nhân kỹ thuật; nguyên liệu cho sản xuất phải nhập khẩu hoàn toàn trong khi không chủ động được nguồn ngoại tệ.  Vinamilk phải đối mặt với việc làm sao có thể phục hồi sản xuất, tiếp cận nguồn nguyên liệu giá rẻ tiến tới chủ động nguồn nguyên liệu, từ đó giảm giá thành sản phẩm, đưa công ty phát triển bền vững.  Đứng trước những khó khăn đó, Vinamilk chủ động tìm lối đi cho mình. Để phát huy sức mạnh tập thể, ở vai trò “thuyền trưởng”, bà Mai Kiều Liên cùng lãnh đạo Vinamilk đã phát động phong trào thi đua sáng tạo, đổi mới trong suốt 40 năm, giúp Vinamilk luôn đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

 

Chủ động nguồn nguyên liệu

 

Trong các phong trào thi đua được phát động, có thể nói phong trào “Thi đua hiến kế tìm nguồn nguyên liệu, phục hồi sản xuất, đưa doanh nghiệp phát triển lớn mạnh và bền vững” đã mở ra thành công cho Vinamilk.

 

Năm 1988, trước nhu cầu ngày càng tăng về sữa bột cho trẻ em và nạn suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam, Vinamilk đã phục hồi thành công nhà máy sữa bột Dielac, cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm sữa bột các loại và bột dinh dưỡng  có chất lượng cao cho trẻ em. Từ năm 1990 Vinamilk đã mua trực tiếp nguồn nguyên liệu với giá rẻ vài trăm USD/tấn thông qua các công ty xuất nhập khẩu, góp phần giảm giá thành, cạnh tranh được với hàng ngoại nhập trên thị trường. Ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đứng trước một khó khăn lớn là phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập của nước ngoài, chưa chủ động được 100% nguồn nguyên liệu. Nhằm khắc phục khó khăn này, hướng đến chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất sữa, bà Mai Kiều Liên cùng lãnh đạo Vinamilk đã xây dựng vùng nguyên liệu nội địa.

 

Những năm đầu thập kỷ 1990, Vinamilk đã nhập máy móc hiện đại để sản xuất sữa tươi tiệt trùng và thu mua sữa của nông dân với giá cao hơn nguyên liệu sữa nhập khẩu; hỗ trợ nông dân con giống, thú y, kỹ thuật chăn nuôi; thiết bị bảo quản sữa, và không ngần ngại giảm lãi để khuyến khích phát triển đàn bò sữa trong nước.

 

Với mô hình liên kết với người nông dân mở rộng vùng chăn nuôi, đồng thời tự mình hình thành các trang trại chăn nuôi bò sữa từ Bắc chí Nam, nâng tổng đàn từ 3.000 con (năm 1991) lên tới 113.000 con bò sữa (năm 2015), cho sản lượng sữa 200.000 tấn/năm, chủ động được 50% nguồn nguyên liệu sữa cho sản xuất; quyền lợi người chăn nuôi bò sữa cũng được mở rộng.

 

Khi Vinamilk cổ phần hóa, nông dân được mua cổ phần ưu đãi với giá chỉ bằng 70% mệnh giá, nhưng do họ không có vốn, Vinamilk đã bảo lãnh cho họ vay vốn để mua. Suốt quá trình đổi mới từ 1991 cho đến trước cổ phần hóa 2003, với chiến lược đến với nông nghiệp, nông thôn, nông dân kết hợp hiện đại hóa với máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, Vinamilk đã chiếm 45% thị phần trong nước, trong đó sữa đặc chiếm 75%; sữa tươi 53%; sữa chua các loại 90% và sữa bột 25%.  Ở thị trường ngoài nước, Vinamilk đã thắng thầu nhiều lần bằng các lợi thế của chất lượng sản phẩm, giá cả và uy tín thực hiện hợp đồng cho các đối tác. Đến nay sản phẩm của Vinamilk đã có mặt ở 31 quốc gia, trong đó các thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Đức Canada… đều đã hiện diện các sản phẩm của Vinamilk. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh của Vinamilk đã được xây dựng tại Mỹ, Anh, Ba Lan, Newzealand, Campuchia…, góp phần không nhỏ đưa kim ngạch xuất khẩu đến nay đạt 200 triệu USD/năm, tăng gấp 2 lần  so năm 2014.

 

Thương hiệu Việt - Doanh nghiệp vì cộng đồng

 

Khẳng định thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường trong nước, bà Mai Kiều Liên hướng tới mục tiêu đưa Vinamilk vươn ra toàn cầu và hướng đến cộng đồng qua nhiều chương trình thiện nguyện. Bước ngoặt mang tầm nhìn chiến lược là việc Vinamilk quyết định cổ phần hóa (năm 2003). Sau cổ phần hóa với số vốn tăng, Vinamilk đầu tư phát triển. Trong 5 năm gần đây, Vinamilk luôn đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng: doanh số trung bình tăng trên 20%/năm; Lợi nhuận tăng 15%/năm; Nộp ngân sách nhà nước trung bình trên 3.000 tỉ đồng/năm. Công ty vươn lên top 100 công ty giá trị nhất ASEAN và top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam.

 

Với mục tiêu phát triển bền vững và vươn ra tầm quốc tế, Vinamilk đặt chiến lược phát triển dài hạn trở thành một trong 50 công ty sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017 với doanh số 3 tỷ USD. Vinamilk chiếm 100% phân khúc sữa tươi 100% ở Việt Nam. Sữa bột Vinamilk dẫn đầu ở phân khúc bình dân với dòng sản phẩm Dielac và có những phát triển đột phá ở phân khúc cao cấp với dòng sản phẩm Optimum. Sữa chua Vinamilk phát triển nhiều dòng sản phẩm thơm ngon, bổ dưỡng cho mọi lứa tuổi. Tiên phong trong việc đổi mới và cải tiến dòng sản phẩm Sữa Đặc có đường, Kem, Phô Mai và các thức uống có lợi cho sức khỏe.

 

Hướng đến cộng đồng, từ năm học 2002 - 2003 Quỹ học bổng “Vinamilk - Ươm mầm tài năng trẻ Việt Nam” với phạm vi chỉ 30 tỉnh, thành trong thời gian đầu đã tiến tới 63 tỉnh, thành trong cả nước, đem đến hơn 34.000 suất học bổng cho các em học sinh tiểu học trên toàn quốc với tổng giá trị khoảng 19 tỷ đồng. Tiếp đó là Quỹ sữa “Vươn cao Việt Nam” ra đời năm 2008, hướng đến trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên khắp đất nước bằng cách trao tận tay các em những ly sữa bổ dưỡng, giúp các em phát triển toàn diện hơn.  Đến nay, Quỹ sữa đã tiếp cận hơn 333.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam, đem tới cho các em gần 26 triệu ly sữa miễn phí, tương đương khoảng 94 tỉ đồng. Chương trình được tổ chức rộng khắp 63 tỉnh thành, đến tận những vùng cao hẻo lánh hay nơi hải đảo xa xôi.

 

Có thể nói, bằng hoạt động của mình, Vinamilk đã góp sức cùng xã hội nâng cao trí lực, thể lực cho thế hệ trẻ, cho con người Việt Nam…

T.HỢP

Nguồn: sggp.org.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác