Sữa Việt Nam
Việt Nam vào TPP Bò sữa Lâm Đồng bước vào “sân chơi” mới
Trong buổi là việc với Vinamilk về vấn đề phát triển đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng mới đây, ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - tỏ ra lạc quan: "Hiện Lâm Đồng là thủ phủ bò sữa của cả khu vực. Vào TPP, về con bò sữa, vấn đề là chúng ta phải tổ chức lại sản xuất, chế biến, tiêu thụ như thế nào để sản phẩm bò sữa Lâm Đồng được tăng cường khả năng cạnh tranh, nhất là cạnh tranh với sản phẩm cùng loại ngay trên thị trường Việt Nam".
Kỳ vong lớn vào đàn bò sữa
Ông Nguyễn Văn Yên nói: "Cạnh tranh với sản phẩm cùng loại ngay trên thị trường Việt Nam" là bởi, theo tính toán của ngành nông nghiệp Việt Nam thì đến thời điểm này, tổng sản lượng sữa nguyên liệu của cả nước chỉ mới đáp ứng được 30% nhu cầu chế biến để cung cấp một lượng sản phẩm "vừa đủ" cho nhu cầu tiêu thụ sữa của người tiêu dùng Việt Nam. Điều đó có nghĩa là "vùng trũng" 70% nguyên liệu này của Việt Nam hiện đang được các công ty nước ngoài kiểm soát. Vậy, khi bước vào "sân chơi" TPP, vùng trũng ấy liệu có được các công ty sữa của Việt Nam chiếm lĩnh, trong đó có phần đóng góp của trung tâm bò sữa lớn nhất khu vực miền Trung và Tây Nguyên?
Ở Lâm Đồng, hai huyện Đơn Dương và Đức Trọng được xem là trung tâm bò sữa của tỉnh. Trong tổng đàn khoảng 16.000 con hiện nay của cả tỉnh thì hai huyện Đơn Dương và Đức Trọng chiếm đến hơn 80%. Vấn đề đáng quan tâm ở đây là trong chiến lược phát triển của mình, Lâm Đồng không muốn "khiêm tốn" khuôn đàn bò sữa của mình ở phạm vi Đơn Dương và Đức Trọng - vùng đất qua khảo sát cho thấy là phù hợp nhất với con bò sữa trên vùng đất Nam Tây Nguyên. Đây cũng là nơi đứng chân của hầu hết các công ty sữa hàng đầu của Việt Nam như Vinamilk, TH milk, sữa Cô gái Hà Lan, bò sữa Lâm Đồng... Ngoài đàn bò sữa trong dân (khoảng 13.000 con của hơn 1.300 hộ), khả năng phát triển đàn bò sữa của các đơn vị này hiện đang rất lớn. Ông Nguyễn Văn Yên cho rằng: "Việc liên kết thu mua sữa trong dân để chế biến của các công ty sữa như trong thời gian vừa qua là rất tốt. Song, để chủ động nguồn nguyên liệu hơn nữa, đích thân các "ông chủ" này sẽ phải chủ động mở rộng đàn bò trong tương lai. Lâm Đồng rất ủng hộ chủ trương đó của các đơn vị, đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị thực hiện kế hoạch của mình".
Về phía nông dân, trừ những hộ vừa mới chăn nuôi nên đang còn "bơ vơ" đứng ngoài, còn lại hơn 1.300 hộ nông dân chăn nuôi bò sữa hiện có của hai huyện Đơn Dương và Đức Trọng đều có "ông chủ" của mình là các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã. Tại Đơn Dương, một trong những HTX khá nổi ngay từ ngày đầu thành lập đó là HTX Chăn nuôi bò sữa Cầu Sắt (xã Tu Tra). Nổi là bởi hồi mới thành lập (2010), ông chủ nhiệm Nguyễn Hoàng Nhật có những tuyên bố khá "khác" so với sự hoạt động đang trong kỳ thoái thoái trào của mô hình HTX lúc bấy giờ. Ông Nhật nói: "HTX không làm theo phong trào để cố vực dậy một bóng ma đã chết mà là có các làm khác. Tôi biết, mỗi hộ chăn nuôi bò sữa đều tiềm tàng một sức mạnh. Và, mô hình HTX với vị thế của mình có một sức mạnh khác. Sức mạnh của nông dân, HTX không có được nhưng có thể khai thác được. Sức mạnh của HTX là sức mạnh để nông dân nuôi bò dựa vào đó để phát triển chăn nuôi hộ gia đình". Và, trong suốt nhiều năm qua, HTX Chăn nuôi bò sữa Cầu Sắt luôn là chỗ dựa vững chắc của nông dân và đồng thời là nơi hợp tác kinh doanh đầy uy tín giữa HTX với các doanh nghiệp chế biến sữa đứng chân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Vùng trắng Di Linh
Một trong những địa phương ngoài Đơn Dương và Đức Trọng đang có tham vọng lớn trong phát triển đàn bò sữa đó là huyện Di Linh. Ông Lê Viết Phú - Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: "Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Di Linh gần có 58.000ha; trong đó, diện tích đất chưa sử dụng còn nhiều, nhất là các sình lầy nên có thể khai hoang phục hóa để trồng cỏ phục vụ cho chăn nuôi bò sữa. Cùng đó, lao động nông nhàn của người dân chưa khai thác hết nên đây cũng là điều kiện thuận lợi để Di Linh đi đến quyết định đưa ra kế hoạch phát triển đàn bò sữa của huyện". Trước câu hỏi "Dưới tác động của TPP, liệu Di Linh có sự thay đổi hay điều chỉnh gì về kế hoạch phát triển đàn bò sữa của huyện?", ông Phú trả lời: "TPP đặt ra nhiều thách thức nhưng đây cũng là cơ hội của Việt Nam. Với một địa phương "hẹp" như Di Linh, về chương trình bò sữa, huyện chúng tôi sẽ có những điều chỉnh hợp lý theo từng năm từ nay đến 2020 và sau 2020; đặc biệt, trước mắt, Di Linh sẽ liên kết chặt hơn với một trong "bốn nhà" là nhà doanh nghiệp mà cụ thể ở đây là Vinamilk để đạt được mục tiêu đặt ra". Cũng theo ông Phú, về vấn đề tiêu thụ sữa tươi, Di Linh cũng sẽ gắn với Vinamilk bằng những cam kết mang tính lâu dài. "Trước mắt, vì lượng sữa bò còn ít (hiện Di Linh chỉ có khoảng 60 con bò cho 900 - 1.000 lít sữa mỗi ngày) nên chúng tôi chọn phương án dùng xe bán tải thu gom rồi đưa đi tiêu thụ. Nhưng trong tương lai, khi đàn bò sữa của huyện nhiều hơn, việc xây dựng điểm thu mua tại chỗ là điều tất yếu" - ông Lê Văn Phú cho biết thêm. Như vậy có thế nói, trước tác động của TPP với những thách thức không nhỏ và thời cơ cũng nhiều trong tương lai gần, Di Linh vẫn tỏ ra kiên định với mục tiêu 2.000 con bò sữa vào năm 2020 của mình là hoàn toàn có lý.
Không quá lạc quan
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết: "Lâm Đồng với tâm thế là trung tâm bò sữa lớn nhất Tây Nguyên và miền Trung như hiện nay, chúng tôi có những thuận lợi nhất định khi Việt Nam gia nhập TPP. Hiện Lâm Đồng chúng tôi đang "sốc" lại mình để hoàn toàn có đủ khả năng cạnh tranh về con bò sữa và sản phẩm sữa bò khi môi trường kinh doanh có sự thay đổi. Song, nhìn rộng hơn và xa hơn, Lâm Đồng không chỉ dừng lại ở vị thế trung tâm bò sữa lớn nhất miền Trung và Tây Nguyên và là một trong chín trung tâm bò sữa của cả nước mà trong chiến lược phát triển của mình, Lâm Đồng sẽ trở thành một trong những trung tâm bò sữa của của nước và đồng thời là trung tâm bò sữa của cả Đông Nam Á".
Trên cơ sở đó, nhiều năm qua, Lâm Đồng đã quy hoạch vùng bò sữa một cách khá bài bản và từng bước triển khai thực hiện một cách hợp lý, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, trước khi Việt Nam gia nhập TPP, Lâm Đồng đã có những động thái khá tích cực đối với đàn bò sữa của tỉnh. Theo quy hoạch phát triển đàn bò sữa, đến 2020, cả tỉnh sẽ nâng tổng đàn bò sữa lên khoảng 40.000 con, sản lượng sữa mỗi năm đạt khoảng 180.000 tấn. Thời gian gần đây, Lâm Đồng đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách ưu đã nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi và chế biến bò sữa. Trong đó, đáng kể nhất là mới đây, Lâm Đồng cùng với Vinamilk đã ký kết văn bản thỏa thuận khung về hợp tác phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, Lâm Đồng sẽ tạo điều kiện cho Vinamilk xây dựng từ 2 - 3 trang trại chăn nuôi bò sữa với tổng đàn khoảng 10.000 con. Về phía Vinamilk, cùng với triển khai các cơ sở chế biến, đông lạnh, tiệt trùng..., đơn vị này sẽ đảm bảo thu mua khoảng 90% sữa nguyên liệu trong dân ở Lâm Đồng.
Hiện Việt Nam chỉ mới đáp ứng khoảng 30% lượng sữa nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong nước. Có nghĩa là Việt Nam vẫn còn "vùng trũng" về nguyên liệu bò sữa đến 70%. Cũng có nghĩa là người Việt Nam hiện đang tiêu thụ đến 70% sữa bò được nhập từ nước ngoài về. Theo ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 220.000 con bò sữa, sản lượng sữa đạt hơn 1 triệu tấn/năm (Lâm Đồng chiếm 180.000 tấn); dự kiến, đến năm 2020, tổng đàn sẽ được nâng lên khoảng 500.000 con; trong đó có khoảng 40.000 con của Lâm Đồng.
Nhìn vào quy hoạch này, cứ ngỡ đàn bò sữa Lâm Đồng cùng với cả nước phát triển khá nhanh nhưng nếu nhìn vào "vùng trũng 70%" mà ngành bò sữa Việt Nam đang để cho nước ngoài tự do hoạt động mới thấy rằng ngành bò sữa Việt Nam nói chung và ngành bò sữa Lâm Đồng nói riêng vẫn còn nhiều việc phải làm trong quá trình gia nhập TPP.