Sữa Việt Nam
Việt Nam giỏi chơi chữ, giá sữa tăng hơn 30 lần
Thị trường sữa Việt Nam cũng phát triển như vũ bão. Chính cái tâm lý ăn sữa để được thông minh, uống sữa để được cao lớn, bổ sung DHA nên gia đình nào dù giàu hay nghèo cũng bớt tiền mua cho con hộp sữa để con dùng hàng ngày. Chính vì vậy, thị trường sữa ở Việt Nam được đà tăng giá mạnh. Chỉ sau 6 năm thôi, theo thống kê của Cục quản lý giá - Bộ Tài chính giá sữa đã tăng 30 lần. Quả thật là một con số khiến các nước xung quanh ta phải ngưỡng mộ.
Tuy nhiên, việc giá sữa tăng là chuyện thường ngày phố huyện ở cái nơi mà giá cả chỉ có tăng này. Điều khiến người ta hoài nghi và mệt mỏi với sữa là việc "họ và tên" của sản phẩm này. Từ trước đến nay, người ta vẫn quen gọi chung một từ cho các loại thực phẩm có nguồn gốc từ sữa là sữa. Người ta có thể chiết xuất từ sữa bò, sữa dê nhưng tất cả đều quy tụ lại một từ sữa. Mọi thứ đang khá êm xuôi thì bỗng dưng sữa lại lột xác thành "thực phẩm bổ sung cho trẻ".
Theo đó, hầu hết các sản phẩm trước đây được ghi là sữa thuộc danh mục bình ổn giá và đăng ký giá tại Bộ Tài chính hoặc sở tài chính đến nay đã được Bộ Y tế quy định tên mới là: thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng....
Chỉ trong 6 năm giá sữa tăng 30 lần |
Với tên gọi mới này, Bộ Tài chính cho rằng các sản phẩm trên, trước đây là sữa thì nay “không thuộc sữa nữa”, vì thế đã không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá theo như quy định của Luật Giá.
Trong khi đó, ngành kinh doanh sữa trở thành ngành hàng béo bở của các doanh nghiệp. Theo bảng thống kê giá của một số sản phẩm sữa bột nhập khẩu do Tổng cục Hải quan cung cấp, mức giá nhập khẩu từ 4-5 USD/hộp (khoảng 80.00 - 100.000 đồng), còn giá bán lẻ trên thị trường từ 400.000 - 900.000 đồng. Ví dụ sữa Similac Advance có giá nhập khẩu là 105.500 đồng, nhưng được bán ra thị trường với giá 560.000 đồng. Đồng giá nhập khẩu ở mức 105.500 đồng, sữa Similac Go&Grow lại có giá 670.000 đồng. Nhưng “đỉnh” nhất, phải kể đến sữa Nestle Kinder, dù nhập khẩu cũng chỉ có mức giá 105.500 đồng, nhưng lại được bán với mức giá 950.000 đồng, cao gấp 9 lần giá gốc.
"Sữa không phải là sữa nhưng lại là sữa" đang là lý do được các nhà quản lý viện dẫn để giải thích cho mức tăng vùn vụt trong thời gian gần đây. Xem ra, duy chỉ có loại sữa non, đúng là sữa và không ai có thể thay tên đổi họ hay áp giá đắt hơn, loại sữa luôn được mang tới cho trẻ bằng tình thương. Nếu các Bộ học được cách quản lý này, chắc chắn sẽ không ai lấy cớ tên gọi "sữa không phải là sữa nhưng lại là sữa" để chối trách nhiệm giá sữa tăng 30 lần trong 6 năm như liên Bộ vừa rồi.