Sữa Việt Nam

Thị trường sữa tăng tốc

Với tốc độ tăng trưởng bình quân 15-20%/năm, ngành sữa đang trở thành một miếng bánh ngon thu hút dòng tiền đầu tư, bất chấp nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.

 Những tay chơi mới

Ngày 20-6 vừa qua, CTCP Vinacafe Biên Hòa thông báo việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để bổ sung ngành nghề kinh doanh, trong đó có kinh doanh sữa, thức ăn cho trẻ em và sản xuất bánh kẹo. Đây là những ngành nghề mới với Vinacafe Biên Hòa, vì trong hơn 45 năm hoạt động của mình, công ty chỉ chuyên về cà phê và một số sản phẩm liên quan. Có vẻ như dấu ấn Masan, đại gia trong ngành hàng tiêu dùng đang ngày càng mạnh mẽ tại Vinacafe Biên Hòa.

Theo đánh giá của vài chuyên gia, việc Vinacafe Biên Hòa lấn sân sang mảng sữa sẽ làm thị trường thêm sôi động bởi những bước đi của Masan luôn là những dấu ấn mạnh và bất ngờ. Nếu Vinacafe Biên Hòa chỉ mới dừng lại ở mức thông tin, Hoàng Anh Gia Lai trước đó đã chính thức tham gia thị trường sữa thông qua việc hợp tác cùng Nutifood. Hoàng Anh Gia Lai cho biết khoản đầu tư cho dự án chăn nuôi bò sữa và bò thịt là 6.300 tỷ đồng. Trong đó, số lượng đàn bò sữa là 120.000 con.

Nutifood sẽ là đơn vị bao tiêu toàn bộ lượng sữa từ đàn bò này. Để có thể song hành với Hoàng Anh Gia Lai, Nutifood cũng đầu tư nhà máy sữa nước với tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, máy móc thiết bị chế biến sữa tươi được nhập khẩu hoàn toàn từ Đức, Thụy Điển. Dự án nhà máy sữa tươi của Nutifood chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2014-2015) với số vốn gần 3.500 tỷ đồng, quy mô sản xuất khoảng 290 triệu lít sữa tươi; giai đoạn 2 được thực hiện trong các năm tiếp theo với số vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, để nâng công suất nhà máy sữa lên 500 triệu lít sữa tươi/năm.


Thực ra, Nutifood không phải là một cái tên mới trong thị trường sữa nước Việt Nam. Nhưng hiện thị phần của Nutifood trong mảng này vẫn còn khá khiêm tốn. Hiện DN nắm phần lớn thị phần sữa nước Việt Nam là Vinamilk với gần 50%, tiếp sau đó là FrieslandCampina Việt Nam với hơn 25%, TH True Milk khoảng 7% thị phần. Nutifood nằm trong nhóm thị phần chung với những thương hiệu như Dalat Milk, Ba Vì, Longthanh Milk, Vixumilk… Liệu từ năm 2015, với trợ lực quan trọng là nguồn nguyên liệu từ Hoàng Anh Gia Lai, Nutifood có làm nên một cuộc thay đổi thị phần?

Đây vẫn còn là một câu hỏi lớn mà nhiều người đang mong ngóng kết quả. Bởi những ông lớn đầu ngành đều đang ra sức giữ ngôi vị của mình. Chỉ tính riêng Vinamilk, năm 2014 này dự kiến chi phí bán hàng sẽ tăng 30%, trước đó, trong năm 2013 tổng chi phí bán hàng đã tăng 40% so với năm 2012. Sự lấn sân của Hoàng Anh Gia Lai hay trong tương lai có thể là Vinacafe Biên Hòa sang ngành sữa không khiến người ta ngạc nhiên, vì sức hút từ ngành này quá lớn. Và khoảng trống thị trường vẫn còn nhiều, vì theo một số thống kê, mức tiêu thụ sữa nước bình quân của Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Năm 2013, trung bình tiêu thụ sữa tính trên đầu người của Việt Nam là 15 lít/năm, trong khi Thái Lan 35 lít/năm, Singapore 45 lít/năm… Với mong muốn cải thiện tầm vóc con cháu, sữa sẽ vẫn là lựa chọn quan trọng của nhiều gia đình Việt bất chấp nền kinh tế vẫn còn khó khăn và sức tiêu thụ nhiều mặt hàng khác giảm rõ rệt.

Những cuộc chiến

Để giữ vững và mở rộng thị phần, hầu hết các DN đều có những chiến lược đẩy mạnh đầu tư cho chăn nuôi bò sữa cũng như sản xuất kinh doanh. Quay trở lại câu chuyện của Vinamilk, bên cạnh việc tăng chi phí bán hàng, mở rộng đầu tư chính là một chiến lược dài hạn nhằm hiện thực hóa tham vọng của DN này là đạt doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2017 và trở thành 1 trong 50 DN sản xuất sữa lớn nhất thế giới.

Với mục tiêu nâng dần sử dụng nguyên liệu nội địa từ 30% hiện nay lên 40%, Vinamilk đã đầu tư vào hệ thống phát triển nguồn nguyên liệu theo tiêu chuẩn quốc tế. Từ năm 2007 đến nay, Vinamilk đã đầu tư khoảng 800 tỷ đồng xây dựng 5 trang trại quy mô lớn với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Australia, với khoảng 8.000 con bò sữa, cho 90 tấn sữa/ngày.

Công ty còn liên kết với hơn 5.000 hộ dân chăn nuôi bò sữa với hơn 65.000 con bò trên cả nước, thu mua 460 tấn sữa/ngày. Sắp tới, Vinamilk sẽ đầu tư thêm 4 trang trại mới với tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng tại Tây Ninh (10.000 con bò); Hà Tĩnh (3.000 con); Thanh Hóa 1 (Thống Nhất) với 20.000 con và Thanh Hóa 2 (Như Thanh) với 3.000 con. Đặc biệt, DN này cũng đang tăng tốc cho những dự án đầu tư tại nước ngoài.

Không nằm ngoài xu hướng mở rộng đầu tư này, TH True Milk cũng dự kiến sẽ đưa vào vận hành toàn bộ siêu Nhà máy Mega Plant, với tổng công suất dự kiến 1.700 tấn/ngày (tương đương 500 triệu lít/năm) trong năm 2014 này. Mặc dù là một DN mới tham gia thị trường, nhưng 3 năm sau ngày tung ra sản phẩm đầu tiên (ngày 26-10-2010), TH True Milk đã có doanh thu đạt 6.000 tỷ đồng.

Mục tiêu đến năm 2015 là 15.000 tỷ đồng, năm 2017 là 23.000 tỷ đồng, chiếm 50% thị trường sữa nước Việt Nam. Để có thể mở rộng thị phần, bên cạnh cuộc đua về đầu tư sẽ có một cuộc chiến âm thầm trong quảng bá sản phẩm.

Chuyên gia thương hiệu Phạm Việt Anh từng nhận định: “Về nguyên tắc, hàng tiêu dùng không quảng bá sẽ khó bán được hàng. Hàng tiêu dùng nhanh càng phải liên tục gợi nhớ, thúc đẩy, kích thích người tiêu dùng”. Ngành hàng tiêu dùng nhanh trong đó có sản phẩm sữa được đánh giá là đang nằm ngoài cuộc khủng hoảng kinh tế, vì lẽ đó thời gian tới những chiến dịch quảng cáo “bom tấn” được dự báo sẽ liên tục diễn ra.

Theo Đức Mạnh (SGĐTTC)

Nguồn: vietpress.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác