Sữa Việt Nam
Thị trường sữa: Rút kệ hàng cũ, co hộp hàng mới
Kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của DN, giám sát việc điều chỉnh giá khi thị trường biến động…Chỉ còn ít ngày trước khi các quy định mới chính thức áp trần giá sữa, tại nhiều khu vực chuyên kinh doanh mặt hàng này, người bán biểu lộ sự dè dặt và cảnh giác trước các câu hỏi của khách hàng.
Nhiều sản phẩm nằm trong danh mục 25 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi phải thực hiện bình ổn giá qua kiểm soát giá trần được chủ hàng thông báo “hết hàng”. Khách hàng được khuyến nghị mua mặt hàng cùng loại, cùng chất lượng, nhưng khác trọng lượng và bao bì.
Ông Nguyễn Văn Mười, chủ cửa hàng sữa Nguyễn Mười, một trong những cửa hàng bán sữa lớn nhất nhì đường Nguyễn Thông (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, đến thời điểm này, cửa hàng chưa nhận được bất kỳ thông báo tăng hay giảm giá sữa nào từ nhà sản xuất và cung ứng.
Hai tuần qua, cửa hàng Nguyễn Mười đang chờ quy định mới để giá sữa ổn định, hy vọng thị trường tiêu thụ có sức tăng hơn hiện nay, sẽ có lợi hơn không chỉ cho người tiêu dùng mà còn cho cả người bán.
Cụ thể như sữa Lactogen 3 L - Comfortist Gold 900 gram, giá bán lẻ ra thị trường hiện nay là 285.000 đồng/hộp, người bán lẻ lấy hàng sỉ từ nhà sản xuất giá 265.000 đồng/hộp. Nhưng sắp tới, quy định mức trần giá bán buôn tối đa (gồm cả thuế VAT) của loại này là 226.000 đồng/hộp. Như vậy, cả người bán lẻ và người mua đều có lợi. Theo ông Mười, từ đầu năm 2014 đến nay, cửa hàng ông chưa tăng giá bán bất kỳ loại sữa nào. Hiện vẫn chưa có thông báo gì về việc điều chỉnh giá sữa từ nhà sản xuất.
Bà Lê Thị Phương, cửa hàng kinh doanh sữa Phương (số 42A đường Nguyễn Thông) cũng chia sẻ, hiện chưa có thông báo điều chỉnh tăng hay giảm giá sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ các hãng sữa. Tuy nhiên, có một số loại sữa thay đổi bao bì, trọng lượng như sữa bột Pediasure B/A 900 gram thay bao bì mới, trọng lượng giảm còn 850gram, nhưng giá bán không đổi là 610.000 đồng/hộp.
Hay sản phẩm Ensure Gold 900gram cũng thay bao bì mới, ít sữa hơn (còn 850 gram) nhưng vẫn bán giá cũ 710.000 đồng/hộp. Tại cửa hàng Phương của bà hiện nay đã nhập toàn bộ hàng mới, với bao bì mới này về bán.
Theo ông Mười, việc mua bán sữa tại khu vực chuyên doanh này mấy năm gần đây cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt với các cửa hàng tự chọn, siêu thị, nên việc tăng giá bán sữa trước tiên là ảnh hưởng đến người bán. Với lượng hàng tiêu thụ sụt giảm đáng kể, chỉ bằng 40% so với thời kinh doanh tốt 3 - 4 năm trước, nhiều cửa hàng tại đây ngoài giảm lượng hàng nhập về còn bán sát giá gốc từ nhà sản xuất.
Lãi bán hàng chủ yếu thu từ hoa hồng nhà sản xuất dành cho đại lý. Với nhiều loại sữa bán lẻ tại cửa hàng hiện chỉ cao hơn giá bán sỉ từ nhà sản xuất vài nghìn đồng/hộp. Khi áp dụng giá trần theo quy định mới của Nhà nước, người bán mua sỉ sẽ được giảm giá nhiều hơn hiện tại, từ vài chục nghìn đồng/sản phẩm, sẽ có lợi hơn rất nhiều.
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng về việc chuẩn bị áp giá trần với các mặt hàng sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi, ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ trước tới nay, Sở vẫn thường xuyên chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương… kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của DN, giám sát việc điều chỉnh giá khi thị trường biến động…
Đồng thời, Sở cũng thường xuyên theo dõi diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng sữa, tổ chức kiểm tra trong các trường hợp biến động giá, tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất UBND thành phố biện pháp xử lý.
Sắp tới đây, khi giá trần bán lẻ mặt hàng sữa nhập khẩu được thực thi, Sở sẽ theo sát diễn biến thị trường trên địa bàn để kịp thời xử lý những sai phạm của DN, hay biến động thị trường có thể xảy ra.
Ngoài ra, với những trường hợp doanh nghiệp sản xuất thay đổi bao bì, trọng lượng hàng hóa đã có xin giấy phép và đăng ký tại cơ quan chức năng là hợp lý và đã đúng thủ tục. Vì vậy, việc kiểm tra xử lý trường hợp này là không cần thiết, ông Phương cho biết thêm.