Sữa Việt Nam
Tháo gỡ khó khăn cho nông dân nuôi bò sữa ở Sóc Trăng
Giúp dân xóa đói, giảm nghèo
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Lương Minh Quyết cho biết: Những năm gần đây, Sóc Trăng trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về chăn nuôi bò sữa với tổng đàn bò hơn 50 nghìn con, trong đó 9.489 bò sữa. Theo dự án phát triển đàn bò sữa của tỉnh, đến năm 2020 bình quân mỗi hộ nuôi từ năm đến sáu con bò sữa trở lên, tăng đàn bò sữa lên khoảng 17.800 con; nâng năng suất sữa đạt 4.500 kg/con/chu kỳ và sản lượng sữa tươi đạt 23 nghìn tấn/năm, giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động. Để đáp ứng nhu cầu tăng đàn bò sữa theo dự án, tỉnh mở rộng vùng trồng cỏ lên 1.200 ha, bảo đảm đầy đủ nguồn thức ăn cho bò và đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp tìm đầu ra tiêu thụ sữa cho nông dân. Hiện nay, ngoài nguồn vốn nông dân tự đầu tư mua bò giống, chính quyền các cấp, ngành nông nghiệp địa phương cũng tích cực giúp đỡ những hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số như tặng bò giống, hướng dẫn cách chăm sóc, kỹ thuật gieo tinh, vắt sữa và vệ sinh chuồng trại…
Phong trào nuôi bò sữa ở Sóc Trăng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân, nhiều hộ nhờ chăn nuôi bò sữa đã thoát nghèo, nhất là ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer. Có hộ chỉ nuôi một đến hai con bò sữa nhưng mỗi ngày cho từ 25 đến 30 lít sữa, trừ chi phí còn lãi hơn 200 nghìn đồng/ngày. Không ít hộ nghèo ban đầu được hỗ trợ từ một đến hai con bò giống, nhờ chăm sóc tốt lại biết tích lũy, tiết kiệm nay đã vượt khó vươn lên, đời sống khá giả hơn. Điển hình như ở xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, là nơi có hơn 80% số dân là đồng bào Khmer, phần lớn là hộ nghèo. Nhờ được tỉnh hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, cung cấp bò giống, hướng dẫn cách chăm sóc, đến nay nhiều hộ đã ăn nên làm ra. Như trường hợp anh Liêu Anh Tuấn ở ấp Cần Giờ, nổi tiếng nuôi bò sữa với quy mô lớn, công nghệ cao. Hiện nay, gia đình anh đang nuôi 16 con bò cái, trong đó có 14 con bò đang cho sữa. Anh Tuấn cho biết, nuôi bò sữa cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Với 14 con bò đang cho sữa, mỗi năm, trừ hết chi phí gia đình anh thu nhập khoảng 700 triệu đồng. Hay anh Trần Quốc Quang ở ấp Sô La 1, là hộ nghèo nhất trong xóm. Năm 2010, anh Quang được hỗ trợ một con bò sữa, đến nay đã có sáu con bò, mỗi ngày thu hoạch gần 100 kg sữa, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 600 nghìn đồng.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Tuy nhiên, nuôi bò sữa ở Sóc Trăng chỉ thuận lợi trong vài năm trước đây, còn từ đầu năm 2018 đến nay, người nuôi bò sữa gặp rất nhiều khó khăn do giá sữa liên tục giảm. Vì vậy, đàn bò cũng đang giảm dần số lượng.
Anh Sơn Đức ở ấp Tâm Lộc, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên cho biết, giá sữa hiện nay chỉ còn 10.500 đồng, đã giảm thêm 200 đồng/kg. Có lúc giá sữa đã đạt mức 14.000 đồng/kg, nay cứ giảm hoài. Không biết sắp tới, giá sữa sẽ còn giảm tới đâu?
Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển chăn nuôi bò Sóc Trăng Lâm Minh Hoàng cho biết, hiện trên địa bàn có hai đơn vị thu mua sữa tươi cho nông dân là Công ty Vinamilk (mua theo chất lượng với năm loại giá, dao động từ 7.000 đến 14.000 đồng/kg, bình quân giá sữa tươi là 12.400 đồng/kg); Hợp tác xã nông nghiệp Evergrowth thu mua sữa tươi cho nông dân bình quân 10.200 đến 10.700 đồng/kg. Thế nhưng, theo các doanh nghiệp, lượng sữa đạt chuẩn loại 1 có giá 14.000 đồng/kg chỉ chiếm từ 10 đến 20%, vì vậy tính bình quân mỗi ki-lô-gam sữa tươi chỉ có giá từ 8.000 đến 10.000 đồng. Sản lượng thu mua sữa của Hợp tác xã nông nghiệp Evergrowth 24 đến 26 tấn/ngày, bảo đảm đầu ra cho người chăn nuôi bò sữa các huyện Trần Đề, Mỹ Tú, Châu Thành và TP Sóc Trăng; Vinamilk có một điểm thu mua sữa từ năm đến tám tấn/ngày, bảo đảm đầu ra cho người nuôi bò sữa huyện Mỹ Xuyên. Tuy nhiên, nhiều nông dân nuôi bò sữa cho biết, với giá sữa tươi như hiện nay thì người nuôi bò chỉ hòa vốn vì chi phí giá thức ăn, nhân công… đều tăng mạnh. Người dân cho rằng, giá sữa tươi bình quân ở mức 11.000 đồng trở lên thì họ mới có lãi.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, bên cạnh những nguyên nhân khách quan như do bò già tuổi, năng suất kém, giá sữa mua vào bấp bênh, nguyên nhân được xem là mấu chốt của vấn đề là do sự kết nối giữa nông dân nuôi bò với các cơ sở thu mua sữa chưa thật sự gắn kết. Hơn nữa, việc các doanh nghiệp thiếu minh bạch trong điều hành giá mua sữa và kiểm nghiệm chất lượng để định giá sữa gây bức xúc cho người chăn nuôi, trong khi việc vào cuộc, giải quyết vấn đề của chính quyền địa phương chưa quyết liệt.
Trước thực trạng này, mới đây ngành nông nghiệp tỉnh đã đề ra tám nhóm giải pháp nhằm khắc phục khó khăn cho nông dân nuôi bò sữa. Bên cạnh các giải pháp như nâng cao chất lượng con giống, đào tạo nhân lực ngành chăn nuôi bò sữa, phát triển đồng cỏ và thức ăn cho bò sữa, thú y, quy hoạch vùng nuôi, môi trường… thì giải pháp về tổ chức quản lý sản xuất, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm sữa được xem là căn cơ. Theo đó, tỉnh Sóc Trăng sẽ củng cố và nâng cao các nhóm, tổ hợp tác, hợp tác xã theo hướng khép kín chuỗi sản xuất, cung ứng dịch vụ cho xã viên. Đến năm 2020, tất cả hộ nuôi tham gia vào các loại hình hợp tác chăn nuôi và tiến tới hình thành Hội Chăn nuôi bò sữa của tỉnh. Đồng thời, tỉnh sẽ phối hợp bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng mô hình hiệu quả của nông hộ theo hình thức mượn vốn đầu tư. Các mô hình sản xuất này sẽ góp phần đa dạng hóa thu nhập cho nông dân khi tham gia vào các hình thức hợp tác nuôi bò sữa