Sữa Việt Nam

Tăng cường liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp

Chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư đã thực hiện được 5 năm, đến nay, đàn bò sữa của Hà Nội đã tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, nghịch lý lại xảy ra khi một bộ phận không nhỏ người dân đã bán bò chuyển sang chăn nuôi lợn, gà…

 Khó khăn trong tiêu thụ

 

Hiện nay, tình hình tiêu thụ sữa bò trên thị trường thế giới đang gặp nhiều biến động, cùng với đó việc người chăn nuôi mới khó tìm đầu ra cho sản phẩm sữa, cũng như động thái thắt chặt công tác thu mua, tăng cường kiểm soát chất lượng của các công ty thu mua sữa…là những nguyên nhân chính đẩy người chăn nuôi bò vào nghịch cảnh bán bò và chuyển sang chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác.


Trước chia sẻ của anh Thắng cùng một số người chăn nuôi bò sữa khác tại Ba Vì, trao đổi với chúng tôi bà Nguyễn Thị Minh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì cho biết, nếu như năm 2015 số lượng bò sữa trên địa bàn huyện vào khoảng gần 10.000 con, thì đến nay số lượng chăn nuôi chỉ vào khoảng 7.500 con, giảm hơn 1.000 con so với cùng kỳ năm ngoái, bên cạnh đó sản lượng sữa cũng giảm khoảng 20% so với cùng kỳ.
Anh Nguyễn Văn Thắng ở Tản Lĩnh (Ba Vì) cho biết, người chăn nuôi bò sữa chúng tôi hiện đang gặp rất nhiều khó khăn khi các công ty chế biến sữa đẩy mạnh vấn đề quản lý, đánh giá chất lượng sữa và trả tiền sữa theo chất lượng nên giá sữa thu mua bị giảm xuống. Nếu trước đây giá thu mua bình quân của các công ty vào khoảng 12.000 -13.000đ/kg sữa, thì đến nay giá chỉ còn khoảng 10.000 đồng/1kg, thậm chí có nhiều hộ phải bán sữa bò với giá dưới 6.000 -7.000đ/kg. Bên cạnh đó, trong tình hình hiện nay nhiều hộ chăn nuôi muốn tăng đàn cũng khó, bởi trước đó đã ký kết với các công ty thu mua về việc cung cấp lượng sữa nhất định. Nếu sữa dư thừa sẽ khó bán, hoặc phải bán với mức giá thấp hơn thị trường rất nhiều. “Giá thành thức ăn chăn nuôi cao, lãi suất từ chăn nuôi bò sữa không còn hấp dẫn, đầu ra sữa bò bị siết chặt đã khiến nhiều người chăn nuôi bán bò, chuyển sang chăn nuôi dê sữa, lợn, gà…”- anh Thắng nói.

 

“Hiện nay hơn 85% số hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Ba Vì đang ký hợp đồng thu mua sữa với Công ty Cổ phần sữa quốc tế (IDP), Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty Cổ phần sữa Ba Vì. Chính vì giá thu mua sữa không đảm bảo, nên người chăn nuôi bò sữa đã bán bò và chuyển sang chăn nuôi các loại khác. Ngoài ra, khoảng cách giá bán giữa lúc mua bò giống (60-70 triệu đồng/con), với khi bán đi một con bò sữa đang cho thu hoạch sữa chỉ có giá (30-40 triệu đồng/con), cũng là nguyên nhân khiến người chăn nuôi quay lưng lại với bò sữa”- bà Minh chia sẻ.

 

Bên cạnh những nguyên nhân trên, việc người chăn nuôi chưa áp dụng triệt để quy trình chăn nuôi, đặc biệt là việc thanh lọc đàn bò sữa không được làm thường xuyên, đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh tế của đàn bò. Trong khi đó, phía đối tác IDP đã tăng cường kiểm soát các tiêu chí trong công tác thu mua, kiểm nghiệm chất lượng sữa (bổ sung thêm chỉ tiêu tế bào soma) và không nhập sản lượng sữa vượt định mức...đã dẫn đến một số hộ giá sữa xuống thấp nên bán giảm đàn.

 

Khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi

 

Trước những khó khăn của ngành Chăn nuôi bò sữa nói chung, người chăn nuôi bò sữa tại Ba Vì nói riêng, trong thời gian qua các cấp, các ngành của Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khuyến khích các hộ chăn nuôi, tập trung chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi không tự ý tăng đàn, phát triển chăn nuôi bò sữa tràn lan không theo định hướng…

 

Ông Hoàng Kim Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, về lâu dài ngành Chăn nuôi bò sữa của Hà Nội cần phải tích cực hơn nữa trong việc tạo sự gắn kết từ người chăn nuôi, trạm thu gom sữa với các doanh nghiệp thu mua, chế biến sữa trên địa bàn Thành phố, nhằm tạo ra chuỗi liên kết bền vững, thống nhất từ người chăn nuôi đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng dẫn để người chăn nuôi cải tạo con giống, nâng cao chất lượng đàn bò như: Sử dụng tinh ngoại chất lượng cao, tinh phân ly giới tính nhằm tăng sản lượng sữa trong chăn nuôi. Tăng cường khuyến khích các hộ chăn nuôi nâng cao chất lượng sữa, hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi bằng nhiều phương pháp (sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (TMR), trồng cỏ chất lượng cao, đẩy mạnh công tác cơ giới hóa trong chăn nuôi…

 

Ngoài ra, để giải quyết từng bước những khó khăn trước mắt cho người chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Ba Vì, theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, hiện trung tâm đã đề nghị các đơn vị như Công ty IDP, Công ty Cổ phần sữa Ba Vì thu mua hết lượng sữa tươi của các hộ chăn nuôi sản xuất ra. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Phát triển chăn nuôi tiếp tục tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật để cải thiện chất lượng sữa. Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện kết nối các doanh nghiệp sản xuất thức ăn, để cung cấp trực tiếp cho các hộ chăn nuôi và triển khai phương thức thanh toán thông qua việc đối trừ tiền bán sữa, nhằm giảm giá thành sản xuất và giảm áp lực tài chính cho các hộ chăn nuôi.

 

Cũng theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, trong thời gian tới phía trung tâm sẽ đẩy mạnh hơn nữa sự liên kết, phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt là các xã trọng điểm chăn nuôi bò sữa của huyện Ba Vì để tuyên truyền các hộ chăn nuôi yên tâm đầu tư, ổn định chăn nuôi, cũng như nắm bắt kịp thời những vướng mắc, khó khăn của người chăn nuôi bò sữa nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người chăn nuôi ổn định và phát triển.

 

Tuấn Minh – Thanh Đào

Nguồn: laodongthudo.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác