Sữa Việt Nam
Tái cấu trúc tài nguyên đất
Trang trại TH ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa.
Nông nghiệp, dù đóng góp tới 20% GDP cả nước, không phải là ngành sản xuất “dễ xơi”, nếu không có sự đầu tư bài bản, kiên trì. Theo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, năm 2009, các tỉnh phía Nam có mức độ tập trung đất đai khá lớn, diện tích đất canh tác trung bình ở đồng bằng sông Cửu Long là 7.618 m 2 , lớn gấp 3 lần đồng bằng sông Hồng (2.600 m 2 ). Đây cũng là lý do giải thích tại sao nền nông nghiệp ở các tỉnh phía Nam có hàm lượng kỹ thuật cao hơn hẳn so với khu vực phía Bắc.
Tuy nhiên, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho biết: “Manh mún đất đai làm giảm tính hiệu quả của sản xuất nông nghiệp. Sự nhỏ lẻ và rải rác của ruộng đất khiến cho việc cơ giới hóa vừa thiếu khả thi vừa không cần thiết.
Các hộ gia đình còn phải đầu tư nhiều thời gian và lao động hơn do các mảnh ruộng nằm phân tán ở nhiều nơi và phải canh tác nhiều loại cây trồng khác nhau do tính chất và địa hình của các thửa đất sở hữu khác nhau. Sự phân mảnh về đất sản xuất là rào cản để người nông dân thay đổi phương thức canh tác theo hướng hiện đại".
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn, cho biết: “Nông nghiệp Việt Nam thời gian qua cho ra khối lượng sản phẩm lớn, nhưng chất lượng lại thấp, giá rẻ, giá trị gia tăng không có. Đó là tăng trưởng nhanh nhưng không vững bền”.
Vì thế, theo ông, cần một chính sách đột phá có đủ sức tạo ra động lực mới. Nó phải đột phá về quản lý và đầu tư cho nông nghiệp; đột phá trong lựa chọn ngành hàng chiến lược.
Nếu không, trong điều kiện cạnh tranh yếu của nền kinh tế, sản xuất nông nghiệp thừa cung sẽ tự giẫm vào chân mình. Khi đó, phần thua thiệt, không ai khác, sẽ lại là người nông dân gánh chịu.
Nhiều nhà khoa học đã khẳng định muốn áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, đòi hỏi đầu tiên là phải chấm dứt tình trạng manh mún, phân tán ruộng đất hiện nay. Và để thực hiện được điều này, mấu chốt quan trọng là Nhà nước phải có chính sách tái cấu trúc tài nguyên đất: cho phép tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa, giao đất cho các doanh nghiệp có đầu tư bài bản, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Thực tế thời gian qua, không ít mô hình đã được áp dụng hiệu quả trong việc gia tăng giá trị, khai thác tài nguyên đất. Điển hình là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã đầu tư hơn 14.000 tỉ đồng vào lĩnh vực nông nghiệp tại Lào và Campuchia. Sau 5 năm tập trung đầu tư vào nông nghiệp, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HAGL, khẳng định hiệu quả đồng vốn đầu tư vào lĩnh vực này cực cao, tỉ lệ lợi nhuận rất lớn.
Từ trải nghiệm thành công trong sản xuất sữa tươi, sạch tại Việt Nam với thương hiệu TH True Milk, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH, cho rằng: “Đưa công nghệ cao vào nông nghiệp là giải thoát cho người nông dân, là để họ làm chủ đồng đất của mình, khống chế những rủi ro từ thiên nhiên”. Bà Hương cũng khẳng định: “Cứ có đất cho tôi, Tây Nguyên sẽ thay đổi sau 3 năm”.
Một ví dụ khác nữa, sau 4 năm đầu tư, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Unifarm (tại xã An Thái, Phú Giáo, Bình Dương) đã phát triển nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn toàn cầu (Global GAP) được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật, Hàn Quốc...
Rõ ràng, ứng dụng công nghệ cao là một cuộc cách mạng thật sự, thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam lên một tầm cao mới. Cùng với chính sách đất đai vĩ mô, cả nông dân và doanh nghiệp còn rất cần chính sách về tín dụng thuận lợi. Đó là có chế độ ưu tiên đặc biệt hơn nữa đối với những doanh nghiệp tiên phong trong việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm tạo sự đột biến về sản lượng và giá trị gia tăng trên một đơn vị canh tác.