Sữa Việt Nam

TH true MILK và chuyện nuôi bò sữa... thành vàng

Việt Nam đã bắt đầu nuôi bò sữa từ 40 năm trước, nhưng chỉ đến khi Tập đoàn TH thành công với Dự án Sữa tươi sạch TH true MILK ở Nghĩa Đàn (Nghệ An), thì câu hỏi “Việt Nam có thể nuôi bò sữa được không?” mới thực sự được trả lời. Tất nhiên, chìa khóa vàng của thành công phải là công nghệ cao.

Từ câu hỏi đeo đẳng 40 năm qua

Dẫn câu chuyện về việc hàng chục năm trước đây, Việt Nam đã bắt đầu chăn nuôi bò sữa, nhưng rồi cứ loay hoay với câu hỏi “liệu một nước nhiệt đới có thể thành công với bò sữa hay không?”, nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho biết, không phải không có những ý kiến khác nhau. Người nói có, kẻ bảo không.

Câu chuyện này được ông Nguyễn Đăng Vang, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chia sẻ, bởi chính ông là một trong những người đầu tiên phát triển đàn bò sữa Việt Nam, đã có một thời, bị chất vấn vì không ít địa phương bị phá sản giấc mơ bò sữa.

“Nhưng 10 năm, 5 năm trở lại đây, quan điểm đã khác, nhất là sau khi các doanh nghiệp (DN) lớn, nhỏ, đặc biệt là TH thành công với Dự án Sữa tươi sạch TH true MILK”, ông Vang nói và khẳng định, chăn nuôi bò sữa của Việt Nam đang đứng trước một cơ hội có thể phát triển tốt nhất hiện nay.

Năm ngoái, đàn bò sữa của Việt Nam có 167.000 con, năm nay tăng lên 173.000 con và đang viết tiếp giấc mơ đến năm 2020, cả nước có 500.000 con bò.

TS. Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định, sữa là nguồn dinh dưỡng vô cùng quý báu; phải phát triển, chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa vì trí và lực của người Việt, vì chỉ cần mỗi ngày uống 1-2 ly sữa, 245 ml sữa, chiều cao trẻ em Việt có thể tăng thêm 0,4 cm. Song ở Việt Nam, nhiều thứ đang đi ngược: trong khi người dân thế giới chỉ thích dùng sữa tươi sạch, thì ở Việt Nam, chỉ 25-35% dân số hiểu về sữa và có điều kiện dùng sữa. Trong số đó, hơn 70% là sữa bột pha lại, 30% là sữa tươi và chỉ 20% là sữa tươi sạch đúng quy trình.

Cũng lại rất ngược khi Việt Nam phát triển ngành chế biến sữa trước khi phát triển nguồn nguyên liệu, thế nên, phần lớn nguyên liệu đầu vào vẫn phải nhập khẩu. “Năm 2013, giá trị lượng sữa nhập khẩu có thể lên tới hơn 1 tỷ USD”, ông Vang cho biết.

Sữa tươi thì không thể nhập khẩu, nên cách được dùng nhiều nhất là nhập sữa bột rồi pha lại. Thị trường vì thế có sữa hoàn nguyên. 70% thị trường sữa nước Việt Nam là loại sữa này, chứ không phải sữa tươi như nhiều người tiêu dùng lầm tưởng. Và tất nhiên, chất lượng không thể sánh bằng sữa tươi sạch.

Tiêu thụ sữa ở Việt Nam đang có những tín hiệu đáng mừng, với bình quân 14 lít/người vào năm 2012, nhưng một khi mức sống ngày càng cao, tốc độ tăng trưởng mạnh, nhu cầu tiêu dùng sữa bò tiếp tục được nâng lên, thì với 90 triệu dân của nước ta, đang mở ra triển vọng lớn về thị trường nội địa cho ngành công nghiệp sữa bò ở Việt Nam. Nếu Việt Nam hoàn toàn có thể chăn nuôi bò sữa ở bất cứ đâu, vậy tại sao lại không làm?

Đến “cuộc cách mạng” chăn nuôi bò sữa ở TH

Khi được hỏi về Dự án Sữa tươi sạch TH true Milk, ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã không ngần ngại khẳng định rằng, TH đã có bước đột phá trong ngành công nghiệp sản xuất sữa, với doanh thu tăng trưởng rất nhanh và thị phần ngày càng tăng. Và điều quan trọng, là đang hình thành đàn bò sữa rất lớn tại Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho người dân ở Nghệ An.

“Với sản phẩm sữa này của TH, có thể nói rằng, Việt Nam chúng ta đã có thêm một nguồn dinh dưỡng rất quan trọng”, Bộ trưởng nhận xét.

Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) còn nhận định mạnh hơn rằng, Dự án TH true MILK là một mô hình điển hình cho “cuộc cách mạng chăn nuôi bò sữa” và chế biến sữa, và cần được Nhà nước hỗ trợ cơ chế chính sách để phát triển nhân rộng trên toàn quốc.

“Việc chăn nuôi bò sữa quy mô lớn, cho ra những sản phẩm chất lượng hàng đầu thế giới từ một vùng đất với điều kiện thiên nhiên không thuận lợi như miền Tây Nghệ An đến nay là một minh chứng cho sự thành công của ứng dụng công nghệ cao”, ông Sơn nói.

Quả tình, trước khi bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH đưa Dự án TH true MILK về với Nghĩa Đàn, không ai tin một đồng cỏ châu Âu có thể hình thành ngay giữa lòng xứ Nghệ. “Công nghệ cao đã khống chế được gần như toàn bộ hệ lụy của điều kiện tự nhiên, giúp chúng tôi phát triển thành công đàn bò sữa ở cao nguyên Phủ Quỳ”, bà Thái Hương nói.

Dự án 1,2 tỷ USD này được bắt đầu khi bà Thái Hương tận mắt chứng kiến Israel, đất nước bán sa mạc, nhưng có đàn bò sữa 120.000 con, với năng suất 12-13 tấn sữa/con bò/năm. “Họ làm được, tại sao Việt Nam lại không, trong khi điều kiện tự nhiên ở Việt Nam còn thuận lợi hơn nhiều?”. Câu hỏi ấy đã đeo đuổi bà Thái Hương và quyết định vô cùng táo bạo đã được đưa ra vào đầu năm 2009, góp phần thay đổi cả một ngành chăn nuôi bò và chế biến sữa ở Việt Nam.

Công nghệ được áp dụng vào mọi khâu sản xuất ở TH, từ trồng cỏ, xây dựng công thức thức ăn ưu việt phù hợp với từng nhóm bò, đến dõi theo từng bước chân bò, từng lượng sữa vắt, theo dõi và chăm sóc sức khỏe bò…

Cứ thế, sau 4 năm, ở vùng đất nắng nóng gió Lào, trang trại bò sữa của TH đã có hơn 35.000 con, với năng suất toàn đàn bình quân có thể lên đến 35 lít sữa/ngày/con. Tháng 7 vừa qua, Nhà máy Chế biến sữa TH đã khánh thành, khép kín chu trình từ chọn giống, nguyên liệu, chăm sóc, chuồng trại, đến vắt sữa, chế biến, bảo đảm được tính vẹn nguyên từ thiên nhiên của dòng sữa ngọt lành.

Sau 3 năm có sản phẩm đầu tiên (ngày 26/10/2010), TH đã có doanh thu đạt 6.000 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2015 là 15.000 tỷ đồng, năm 2017 là 23.000 tỷ đồng, chiếm 50% thị trường sữa nước Việt Nam.

Đó là những thành công của riêng TH, nhưng quan trọng hơn, từ khi có sữa TH true MILK, tỷ lệ sữa hoàn nguyên trên thị trường đã giảm từ 92% xuống còn 70% hiện nay. Một sự thay đổi về nhận thức đối với sữa tươi sạch đã bắt đầu. Và như các chuyên gia hàng đầu đánh giá, sự thành công của TH đã làm thay đổi hẳn cách nghĩ, cách làm về việc phát triển chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt vùng nguyên liệu thức ăn cho bò đã tạo ra hiệu suất canh tác trên 1 ha từ 50 triệu đồng/năm lên 500 triệu - 1,5 tỷ đồng/năm. Vì thế, đã đến lúc, phải chuyển sang một giai đoạn mới, có bước đột phá về phương thức và quy mô chăn nuôi, chứ không thể nhỏ lẻ như trước. Phải chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp, công nghệ cao, gắn với chế biến và phân phối sản phẩm trực tiếp tới tay người tiêu dùng, như TH đã làm được. Đó thực sự là tư duy mới đầy sáng tạo.

Hỏi bà Thái Hương bí quyết để mang tới thành công cho TH, bà nhất nhất khẳng định: “Ứng dụng công nghệ cao là chìa khóa vàng cho thành công trong phát triển chăn nuôi bò và chế biến sữa, với quy trình chăn nuôi bài bản kết hợp với tính tuân thủ quy trình đào tạo, sử dụng quy trình một cách chuẩn mực”. Điều này có ý nghĩa không chỉ đối với riêng ngành bò sữa, mà còn có thể áp dụng với mọi lĩnh vực trong ngành nông nghiệp.

Chính ông Đặng Kim Sơn cũng đã khẳng định, ứng dụng công nghệ cao là một trong những yếu tố tiên quyết cho định hướng xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.

Từ thực tiễn triển khai của TH rõ ràng đã khẳng định vai trò không thể thay thế của công nghệ cao. Nhưng đó là những điều kiện cần, mà chưa phải là đủ. Với bà Thái Hương, để phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, ngành sữa tươi sạch nói riêng, cần những ưu đãi về lãi suất, tín dụng, ruộng đất và hỗ trợ đào tạo cho ngành, cần bảo trợ thông tin để các DN có thể đem ứng dụng công nghệ cao vào phát triển tại Việt Nam.

Trong đó, tích tụ ruộng đất, mối liên kết giữa người dân và DN là một trong những yếu tố then chốt. Không thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nếu quy mô tủn mủn, ruộng đất không đủ. Ít nhất phải tự chủ được 60% như TH, 40% kết hợp cùng nông dân.

Chưa kể, cần hoàn chỉnh, chuẩn hóa bộ chính sách cho phù hợp với tình hình ứng dụng công nghệ cao hiện nay tại Việt Nam. Có lộ trình rõ ràng để hiện thực hóa các chính sách, từ đó kéo các DN tham gia vào lĩnh vực này.

Và một điều quan trọng, bà Thái Hương nói, để mang lại lợi ích tốt nhất cho người tiêu dùng, thì cần có những quy định cụ thể về quy chuẩn chất lượng các loại sữa, thông tin sản phẩm cũng cần minh bạch, tránh gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành bò sữa Israel, ông Yuval Rachmilevitz, Chủ tịch Afimilk, DN hỗ trợ TH true MILK phát triển đàn bò sữa, cũng đã khẳng định rằng, cùng với ứng dụng công nghệ cao, Chính phủ cũng phải có cơ chế hỗ trợ tài chính cho người nuôi bò. Ngành nông nghiệp sẽ không thể phát triển toàn diện, nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ. Từ vấn đề tài chính, đến đào tạo nguồn nhân lực và bao gồm cả việc kiểm soát chất lượng, để DN và người dân yên tâm đầu tư cho chăn nuôi bò và chế biến sữa.

“Triển vọng nước ta, hoàn toàn có thể phát triển công nghiệp sữa bò trên quy mô lớn, đưa ngành này trở thành một ngành sản xuất trụ cột, mang tính đột phá trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã khẳng định như vậy.

Hà Nguyễn

Nguồn: baodautu.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác