Sữa Việt Nam
Sữa học đường phải là sữa đạt chuẩn
Lo ngại bát nháo chất lượng sữa
Sữa học đường là hoạt động mang tính toàn cầu do Tổ chức nông lương Liên Hợp quốc (FAO) phát động từ năm 2000 và đã có 60 quốc gia hưởng ứng. Tại Việt Nam, dù nguồn ngân sách eo hẹp nhưng từ năm 2011, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án tổng thể Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030; trong đó có Chương trình Sữa học đường quốc gia. Trong giai đoạn Chương trình Sữa học đường chưa được ban hành nhiều nơi, chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh và doanh nghiệp đã chủ động tổ chức cho trẻ uống sữa ở trường.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, do chưa có hành lang pháp lý nên việc chọn sữa cho trẻ không đồng nhất, dễ biến tướng. Nhiều vụ lùm xùm về chất lượng sữa học đường được báo chí phanh phui như sữa “rởm” vào trường học tại Tiền Giang hay sữa học đường bị làm “xiếc” tại Hải Phòng năm 2014, gây hoang mang dư luận.
Có con đi học ở một trường mầm non có tiếng ở Hà Nội, chị Lại Minh Anh (Q.Đống Đa) băn khoăn, dù con được uống sữa hằng ngày ở trường nhưng bản thân chị không rõ chất lượng ra sao, liệu sữa ở trường có đáp ứng được tiêu chuẩn và đảm bảo dinh dưỡng cho con chị hay không. “Chúng tôi không biết con mình uống sữa gì ở trường, có an toàn không. Nhà trường cũng ít khi thông tin về vấn đề này”- chị chia sẻ.
Và sau một thời gian dài chờ đợi, cuối cùng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc của trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học đến năm 2020”. Điểm nhấn đáng chú ý của Chương trình là quy định sử dụng sản phẩm sữa tươi bổ sung vi chất dinh dưỡng. Điều này nhằm tránh được “vết xe đổ” diễn ra nhiều năm trước.
Sữa học đường: minh bạch tiêu chuẩn, đẩy mạnh giám sát
Trước băn khoăn về việc liệu sản xuất trong nước có đáp ứng đủ lượng sữa tươi cho chương trình, TS. Tống Xuân Chinh – Phó Cục Trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) khẳng định, nước ta có đủ nguồn lực sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường. Theo đó, với tổng số học sinh tiểu học là hơn 7,5 triệu em (số liệu của bộ GD&ĐT), nếu học tập theo quốc gia láng giềng là Thái Lan áp dụng định mức 220 ml sữa học đường/ngày/học sinh và uống trong 260 ngày thì cần gần 590.000 tấn sữa tươi.
Tuy nhiên, nếu áp dụng định mức 180ml/ngày/học sinh như thực tế tại Việt Nam thì cần khoảng hơn 400.000 tấn sữa tươi.
“Năm 2015, tổng sản lượng sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong năm 2015 là 723.153 tấn, trong đó có một số doanh nghiệp có khả năng cung ứng sữa tươi rất lớn, ví dụ như TH true MILK, nên đảm bảo việc cung cấp đủ sữa tươi cho sữa học đường. Sau khi nước ta xây dựng các tiêu chí và tiêu chuẩn về sữa học đường, các doanh nghiệp sữa sẽ cạnh tranh bình đẳng, minh bạch về thị phần sữa học đường.” TS.Tống Xuân Chinh nhấn mạnh.
Dây chuyền sản xuất sữa tươi sạch của TH true MILK
Trong ví dụ của ông Chinh có nhấn mạnh, tập đoàn TH với thương hiệu TH true MILK là một doanh nghiệp lớn về chăn nuôi bò sữa công nghệ cao và chế biến sữa công nghiệp từ sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước ở tầm quốc gia, khu vực và quốc tế.
Thực hiện Chương trình “Sữa học đường” của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn TH đã tiên phong nghiên cứu, kiểm nghiệm lâm sàng sữa học đường trên 3.600 học sinh và cho ra đời sản phẩm TH school MILK. Đây là sản phẩm sữa học đường duy nhất được Bộ Y tế xác nhận có hiệu quả trong cải thiện tình trạng dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng của trẻ em.
Tại Nghệ An, Chương trình được Tập đoàn TH và tỉnh Nghệ An triển khai tại 17/21 huyện, thành, thị và có 215.851 học sinh tại các trường mầm non, tiểu học đăng ký tham gia, đạt 50% số học sinh toàn tỉnh. Mỗi cháu được sử dụng 1 hộp (180ml) sữa tươi mỗi ngày, 5 ngày/tuần.
Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH nhấn mạnh: “Trẻ uống bao nhiêu sữa không quan trọng bằng một ly sữa đạt chuẩn, phù hợp với sự hấp thu để phát triển thể lực, trí lực. Các nước trên thế giới đều chọn sữa tươi cho Chương trình sữa học đường và luật hóa tiêu chuẩn sữa học đường”
Bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH
Theo bà Thái Hương, quy định về tiêu chuẩn sữa học đường chính là hàng rào ngăn cản lòng tham, sự vô cảm vào trường học. Hiện quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường đã được ban hành nhưng vẫn chưa có chế tài giám sát: “Các cơ quan chức năng cần có chế tài giám sát và yêu cầu tính tuân thủ của mọi doanh nghiệp tham gia Chương trình để đảm bảo trẻ em được thụ hưởng những ly sữa tốt nhất cho sự phát triển”- bà Thái Hương đề nghị.