Sữa Việt Nam
Sữa học đường giảm nhanh suy dinh dưỡng
Bảy năm, giảm 7% tỷ lệ suy dinh dưỡng
Theo bà Trần Thị Yến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện chương trình Sữa học đường từ năm 2006, sau 7 năm thực hiện chương trình, Sữa học đường đã đem lại nhiều kết quả. Cụ thể: Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ giảm rõ rệt từ 10% trẻ mầm non suy dinh dưỡng xuống còn 3% (2013). Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi cũng chỉ còn 5% ở các trường học. Chiều cao trẻ em đạt chuẩn tăng từ 67% (2005) lên 87% (2010).
Cũng theo bà Trần Thị Yến, chương trình Sữa học đường ở địa phương được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2006-2011 và giai đoạn 2 từ năm 2012- 2016 với kinh phí lấy từ ngân sách nhà nước 50%, còn lại 50% là tiền từ việc xã hội hóa (phụ huynh đóng góp 25%, hãng sữa giảm giá 25%). Giai đoạn 1, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã duyệt chi 97 tỷ và giai đoạn 2 là 113 tỷ đồng.
Sau Bà Rịa -Vũng Tàu, Bắc Ninh là tỉnh thứ hai thực hiện chương trình Sữa học đường. Theo bà Nguyễn Thị Hương Trang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh, ngoài việc học hỏi mô hình của Bà Rịa- Vũng Tàu, Bắc Ninh có thêm các sáng kiến là in riêng bao bì của chương trình Sữa học đường ra ngoài vỏ hộp. “Điều rất quan trọng là sản phẩm này do nhân dân đóng góp, không thể tuồn ra thị trường được”, bà Nguyễn Thị Hương Trang nói.
Theo bà Hương Trang, chương trình Sữa học đường sẽ thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là năm học 2013- 2014, cụ thể trên 24 trường đại diện cho các vùng miền, các loại hình, các mô hình chất lượng và các mô hình kinh tế khác nhau của tỉnh Bắc Ninh. Giai đoạn 2 (2014-2017) là giai đoạn triển khai đại trà. Nếu chương trình tốt thì sau 1 năm sơ kết sẽ tiếp tục báo cáo UBND tỉnh để triển khai cho các cấp học tiếp theo như tiểu học và THCS để làm sao khi trẻ lớn lên có đầy đủ thể chất để góp phần xây dựng quê hương đất nước.
Về việc huy động vốn thực hiện chương trình, bà Hương Trang cho biết: “Chúng tôi tin chắc rằng với 25% huy động từ phụ huynh là làm được, bởi vì Bắc Ninh đã từng làm được rất nhiều các chương trình xã hội hóa đồng thuận từ nhân dân”.
Thái Lan triển khai từ năm 1992
Phát biểu tại Hội thảo “Chương trình sữa học đường hỗ trợ nâng cao thể trạng cho trẻ em mầm non giai đoạn 2014-2020” do Bộ LĐ,TB&XH chủ trì, đại diện các nhà dinh dưỡng Thái Lan cho biết, Thái Lan đã triển khai chương trình Sữa học đường từ năm 1992. Theo thống kê, mức tăng chiều cao trung bình trước và sau khi tham gia chương trình Sữa học đường: Năm 1991- 1994, chiều cao trung bình ở cấp bậc mầm non đã tăng từ 2,1cm (năm 1991) lên đến 4,1 cm (năm 1994). Ở bậc tiểu học, con số này là từ 4,5 lên 5 cm. Tình trạng dinh dưỡng của trẻ từ 1 – 5 tuổi đã giảm từ 9,7% thể suy dinh dưỡng thấp còi năm 1995 xuống còn 6,3% năm 2009. Tỷ lệ nhẹ cân giảm xuống từ 12,9% năm 1995 xuống còn 4,8% năm 2009. Chương trình Sữa học đường ở Thái Lan đã được đánh giá là vừa thúc đẩy tăng trưởng cho trẻ, vừa tăng trưởng cho ngành công nghiệp sữa địa phương.
Tương tự Thái Lan, Trung Quốc cũng đã thực hiện chương trình Sữa học đường từ nhiều năm trước đây và đã mang lại kết quả cao về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi, tăng trưởng chiều cao, cải thiện giống nòi. Ngoài việc tiếp tục chương trình Sữa học đường do phụ huynh chi trả toàn bộ chi phí bắt đầu từ năm 2000, Trung Quốc còn có dự án tăng cường thể chất cho trẻ ở các vùng sâu, vùng xa. Năm 2012, tổng cộng có 14 triệu trẻ em Trung Quốc tại 28 tỉnh, 660 thành phố, 60.000 trường học được uống sữa học đường hàng ngày. Tương tự như vậy, Myanmar là quốc gia mới nhất tung ra chương trình Sữa học đường kéo dài 3 năm.