Sữa Việt Nam

Phát triển tiềm năng chăn nuôi bò sữa

Sự có mặt của các doanh nghiệp trong chăn nuôi, chế biến sữa thời gian qua ở Tuyên Quang đã minh chứng cho tiềm năng phát triển đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh. Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, với thế mạnh về đồng đất, khí hậu, chăn nuôi bò sữa đang góp phần không nhỏ vào nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.

 Trang trại bò sữa Tuyên Quang của Công ty Bò sữa Việt Nam tại xã Phú Lâm (Yên Sơn) hiện có quy mô 2.000 con, trong đó trên 1.000 con cho sữa. Trung bình mỗi tháng, trang trại cung cấp cho Công ty Bò sữa Việt Nam trên 940 tấn sữa. Doanh thu từ bán sữa của trang trại liên tục tăng, nếu như năm 2015, doanh thu đạt 98 tỷ đồng thì năm 2017 tăng lên 136 tỷ đồng. Riêng trong quý I-2018, doanh thu đạt 40 tỷ đồng. 

 

Cùng với sự phát triển của đơn vị, trang trại hợp đồng với người dân các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương, Yên Sơn trồng và thu mua nông sản. Tính từ năm 2015 đến nay, lượng thức ăn thô xanh đã thu mua trên địa bàn tỉnh đạt trên 57,2 nghìn tấn, tương đương 110 tỷ đồng. 

 

Bà Vũ Hải Yến, Giám đốc trang trại cho biết, việc chăn nuôi tại trang trại hiện áp dụng quy trình kỹ thuật công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm trong việc chăn nuôi. Mỗi con bò đều được gắn chíp điện tử để quản lý, kiểm soát khẩu phần ăn, chế độ dinh dưỡng cũng như dịch bệnh, năng suất sữa. Trang trại phấn đấu từ nay đến năm 2020 nuôi dưỡng tốt đàn bò để có đàn giống hạt nhân siêu cao sản cho năng suất sữa cao, đáp ứng yêu cầu của công ty. 

 

Công ty TNHH Sữa Việt Nam Future Milk tại xã Phúc Ứng (Sơn Dương) thành lập từ năm 2008. Với quy mô 1.200 con, trong đó 617 con cho sữa, lượng sữa trung bình đạt gần 34 kg/con/ngày. Toàn bộ quy trình chăn nuôi bò sữa, từ theo dõi sức khỏe, vắt sữa, khám chữa bệnh đến việc điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm trong chuồng nuôi... đều được áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất. 

 

Ông Nguyễn Hồng Thanh, Quản lý lao động tại Công ty cho biết, một trong những nguyên nhân, trước đây chăn nuôi bò sữa ở tỉnh ta chưa thực sự mang lại hiệu quả đó là do chưa có sự gắn kết với người nông dân cũng như khó khăn trong đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, thị trường tiêu thụ sữa chưa mở rộng như hiện nay. Việc phát triển kinh doanh hiệu quả thực tế ở Công ty TNHH Sữa Việt Nam Future Milk là kết quả của việc không ngừng đầu tư trang thiết bị công nghệ, dây chuyền hiện đại từ việc đảm bảo vùng nguyên liệu bền vững đến khâu chế biến thức ăn cho bò, dây chuyền vắt sữa cũng như các công nghệ hiện đại khác trong chăm sóc, chăn nuôi bò sữa, đảm bảo an toàn lao động… Chăn nuôi bò sữa sẽ không chỉ dừng lại ở đây mà với mục tiêu đến năm 2020, công ty phấn đấu đưa tổng đàn bò lên 2.500 con, năng suất sữa tăng trên 35 kg/con/ngày; mở rộng vùng nguyên liệu ra nhiều xã.

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng đàn bò sữa toàn tỉnh đạt trên 3.300 con. Bên cạnh các trang trại của Công ty Bò sữa Việt Nam, Công ty chăn nuôi bò sữa kỹ thuật cao Hồ Toản, trang trại bò sữa Hoàng Khai, Công ty TNHH Sữa Việt Nam Future Milk... hiện đã có một số doanh nghiệp lớn tiếp tục tìm hiểu, có nhu cầu đầu tư vào ngành này như Tập đoàn TH Truemilk, Công ty TNHH Đại toàn cầu xanh.

 

TS. Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, Tuyên Quang có lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, mùa đông không quá lạnh, mùa hè không quá nóng, độ ẩm không khí không cao; việc kiểm soát dịch bệnh của ngành chuyên môn rất tốt, nhiều năm liền tỉnh không xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc. Đây là lợi thế để tỉnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa nói chung và chăn nuôi bò sữa nói riêng. 

 

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2020, phấn đấu đưa đàn bò sữa lên 5.000 con. Để đáp ứng nhu cầu thức ăn cho đàn bò, tỉnh quy hoạch từ 250 đến 310 ha vùng trồng cây thức ăn trên địa bàn huyện Yên Sơn và Sơn Dương. Tỉnh cũng sẽ thực hiện các chính sách ưu đãi để phát triển ngành bò sữa, trong đó, có những chính sách hỗ trợ ứng dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, hiện đại trong quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trị bệnh cho đàn bò; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển chăn nuôi bò sữa... 

 

 Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác