Sữa Việt Nam

Phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững

Ðược đầu tư trang trại quy mô lớn, có sự kết hợp giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến, nhất là tiếp cận được công nghệ cao từ I-xra-en, chăn nuôi bò sữa tại TP Hồ Chí Minh đang phát triển mạnh mẽ và bền vững...

Ðà phát triển thuận lợi

Ðến nay, TP Hồ Chí Minh được xem là địa phương có mô hình nuôi bò sữa nông hộ và có đàn bò sữa nhiều nhất cả nước. Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông dân (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố) Huỳnh Hữu Hạnh cho biết, toàn thành phố hiện có khoảng 90 nghìn con bò sữa, năng suất sữa bình quân đạt 5.100 kg/con/chu kỳ, cao hơn mức bình quân cả nước. Thành phố đã phát triển được 23 tổ hợp tác (THT), năm hợp tác xã (HTX) chăn nuôi bò sữa, nổi bật là các HTX Tân Thông Hội, Tân Xuân, Phước Long... Phần lớn, những THT và HTX chăn nuôi bò sữa này đều được các doanh nghiệp thu mua sữa nguyên liệu hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật và thu mua sữa nguyên liệu với giá cao hơn các hộ đơn lẻ từ 3 đến 5%. Cùng với đó, giá thu mua sữa nguyên liệu gần đây cũng đã tăng, người chăn nuôi càng phấn khởi. Ở huyện Củ Chi, với 10 con bò cái vắt sữa, mỗi tháng một hộ có thể thu lợi từ bảy đến tám triệu đồng. Ngoài ra, thu nhập của người nuôi cũng tăng thêm nếu bò mẹ đẻ con, có thể để lại nuôi tăng đàn hoặc bán. Người chăn nuôi bò sữa ở thành phố đang có trình độ chăn nuôi khá cao. Năng suất sữa của các hộ nông dân hiện đạt gần năm nghìn kg/con/năm (bò lai) và bảy nghìn kg/ con/năm (bò thuần chủng).

Ðể hỗ trợ việc chăn nuôi bò sữa, thành phố đã có chương trình phát triển bò sữa giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, thành phố hỗ trợ 50% chi phí cho người nuôi mua các thiết bị như máy vắt sữa, thiết bị rửa máy vắt sữa, máy thái cỏ, hệ thống làm mát chuồng...; và người nuôi bò được trả chậm sáu tháng không lãi suất đối với nguồn vốn này. Cuối tháng 8-2013 vừa qua, thành phố cũng đưa vào sử dụng Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao (DDEF) với sự hỗ trợ của

I-xra-en. Ðây là trại ứng dụng các kỹ thuật hiện đại trong chăn nuôi, quản lý, dinh dưỡng theo mô hình chăn nuôi bò sữa cao sản của I-xra-en. Mục tiêu của Trại là góp phần nâng cao năng suất sữa của đàn bò sữa thành phố lên mức tám nghìn kg/con/năm, giảm chi phí sản xuất, tổ chức đào tạo, chuyển giao công nghệ và nhân rộng, ứng dụng công nghệ mới vào chăn nuôi, sản xuất thức ăn hoàn chỉnh... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến sữa cũng hỗ trợ người chăn nuôi tiếp cận được những tiêu chuẩn quốc tế về quy trình chăn nuôi và bảo đảm an toàn vệ sinh, phẩm chất cho sữa nguyên liệu.

Kiểm soát chặt con giống và quy trình

Theo nhận định của các chuyên gia, xu hướng sử dụng sữa tươi ngày càng tăng, nhưng nguyên liệu sữa tươi trong nước chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu mỗi năm. Vì vậy, sản phẩm chăn nuôi bò sữa ở thành phố vẫn còn một thị trường rất lớn. Theo Phó Cục trưởng Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước của ngành chế biến sữa ở nước ta vẫn còn hạn chế, lượng sữa nhập khẩu còn chiếm tỷ trọng lớn với khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại/năm. Vì vậy, việc gia tăng đàn bò và lượng sữa tươi cung cấp đạt chất lượng cao ở thành phố nói riêng và cả nước nói chung sẽ giúp giảm dần việc nhập sữa. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Ðạt, Giám đốc Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi (Viện Chăn nuôi quốc gia) cho rằng, thành phố nên tổ chức lại mô hình theo hướng hình thành các tổ, nhóm, HTX bên cạnh các trang trại, nhằm giúp giảm chi phí đầu vào và tăng thu nhập. Với các tổ, nhóm hay HTX, người nuôi sẽ được cung cấp thức ăn hỗn hợp và vật tư với giá thấp hơn thị trường từ 5 đến 10% và được hỗ trợ kỹ thuật nuôi.

Theo bà Trần Thị Bích Quyên (Trung tâm Quản lý và kiểm định giống cây trồng và vật nuôi thành phố), một vấn đề đáng lo ngại trong chăn nuôi bò sữa tại thành phố là tình trạng suy thoái giống bò sữa. Dù chưa nhiều nhưng tình trạng cận huyết giữa các thế hệ thứ hai, thứ ba trong đàn bò ở thành phố đã và đang diễn ra, nếu không kiểm soát chặt, tỷ lệ rủi ro về con giống sẽ tăng cao. Bên cạnh đó, nhu cầu con giống cũng ngày càng gia tăng khiến giá bò sữa tăng lên khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2012. Mỗi năm, thành phố cung cấp hơn 25 nghìn con bò sữa giống cho nhu cầu tại chỗ và các địa phương chung quanh nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tăng đàn. Nắm bắt xu thế này, thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng nhập bò sữa từ Thái-lan về Việt Nam qua đường Cam-pu-chia. Do mua bán trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc nên chất lượng con giống không bảo đảm, nguy cơ cao về lây lan mầm bệnh qua đàn bò sữa tại chỗ khi có điều kiện. Chi cục Thú y thành phố đã khuyến cáo người nuôi nên cẩn thận, chỉ mua bò sữa có nguồn gốc rõ ràng, không nên ham mua bò giống giá rẻ.

 

THIỆN PHÚC
Nguồn: nhandan.org.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác