Sữa Việt Nam
Phát triển chăn nuôi bò: Khó ở khâu tiêu thụ
Khai thác chưa hết tiềm năng
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thành phố hiện có 140.525 con bò, trong đó có 14.745 con bò sữa và đã hình thành 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt trọng điểm ở các huyện Thanh Oai, Quốc Oai, Ba Vì, Gia Lâm, Phúc Thọ, Chương Mỹ… Thế nhưng, sản lượng thịt bò và sữa của Hà Nội mới đáp ứng được 20% nhu cầu. Nguyên nhân là chăn nuôi bò ở Hà Nội vẫn theo hướng tự phát, quảng canh, bình quân mỗi hộ nuôi từ 1 đến 5 con.
Diện tích trồng cỏ ít, các hộ chưa chủ động được nguồn thức ăn xanh cho bò và phụ thuộc nhiều vào chăn thả tự nhiên nên chất lượng chăn nuôi thấp, sản lượng sữa chỉ đạt 4,8 tấn/chu kỳ (nhiều nước trên thế giới đạt trên 7 tấn/chu kỳ), tỷ lệ thịt bò chỉ đạt 50% trong khi thế giới đạt 80-90%. Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Hoàng Kim Vũ cho biết, hiện đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi bò còn thiếu bền vững, điều kiện chăn nuôi chưa bảo đảm, dễ gây ô nhiễm môi trường. Để giải quyết vấn đề này, các huyện, thị xã đã quy hoạch vùng chăn nuôi xa khu dân cư nhưng cơ sở hạ tầng không đồng bộ, gây khó khăn cho việc mở rộng quy mô sản xuất.
Theo Chủ tịch UBND xã Dương Hà (Gia Lâm) Nguyễn Ngọc Thịnh, tổng đàn bò của xã hiện khoảng 320 con, giảm 50% so với năm 2015, nguyên nhân là do đầu ra không ổn định. Thậm chí, một số hộ còn bán bê (từ 4 đến 7 tháng tuổi) gây lãng phí bởi thời kỳ này bê đang lớn nhanh nhất. Còn theo ông Nguyễn Văn Trường, hộ chăn nuôi bò thịt ở xã Minh Châu (Ba Vì) thì đầu ra cho sản phẩm bò thịt rất bấp bênh, phụ thuộc phần lớn vào thương lái, trong khi nguồn cỏ không nhiều, người dân vẫn phải cho ăn thức ăn công nghiệp, chi phí đầu vào cao, không thu được lãi hoặc lãi ít.
Nâng cao chất lượng con giống
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết, để phát triển mạnh chăn nuôi bò thịt và bò sữa của Hà Nội, ngành sẽ tập trung nâng cao chất lượng nhân tạo con giống. Các huyện, thị xã cần quy hoạch và dành diện tích đất đai để trồng cỏ thâm canh, bên cạnh đó là trồng, chăm sóc thu hoạch, chế biến, bảo quản thức ăn thô xanh đáp ứng nhu cầu thức ăn quanh năm cho trâu bò. Nhà nước cũng cần
khuyến khích các hộ chăn nuôi công nghiệp, phát triển chăn nuôi gia trại, trang trại, giảm tối đa chăn nuôi thả rông bằng chính sách hỗ trợ về vốn, mở các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, phổ biến kiến thức thị trường và miễn phí cung cấp nguồn tinh giống bò chất lượng cao cho nông dân.
Còn theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội Bùi Đại Phong, để nâng cao chất lượng và năng suất trong chăn nuôi bò, vừa qua Công ty đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhập khẩu 6 con bò đực giống Barhman từ Australia để xây dựng một Trung tâm Chăn nuôi bò đực giống và sản xuất tinh đông lạnh. Dự kiến khi Trung tâm hoàn thành, Hà Nội sẽ chủ động được nguồn tinh bò cao sản với giá thành chỉ bằng 40-50% giá tinh nhập ngoại hiện nay nhằm giảm giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng bò thương phẩm cho nông dân.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Thanh Vân cho rằng, Hà Nội không có nhiều diện tích đất để trồng cỏ nhưng lại có lợi thế về khoa học kỹ thuật và vốn để mở rộng quy mô nhằm phát huy hiệu quả trong chăn nuôi bò. Vì vậy, trong thời gian tới Hà Nội cần hỗ trợ, xây dựng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi bò thịt, bò sữa, trong đó doanh nghiệp ký hợp đồng kinh tế với người dân. Sản phẩm chăn nuôi khi xuất chuồng được đưa đến nhà máy giết mổ có kết nối với chế biến, đưa ra thị trường bán lẻ hoặc siêu thị, tạo thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn; đồng thời, tăng cường nghiên cứu, dự báo thông tin thị trường nhằm định hướng quá trình sản xuất. Hà Nội cần đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản thịt bò sau giết mổ, tạo ra các sản phẩm thịt bò đa dạng, được chế biến, đóng gói, có tem nhãn ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.
Ngọc Quỳnh