Sữa Việt Nam

Phát huy tiềm năng sản xuất chăn nuôi bò sữa

Với nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển chăn nuôi bò sữa, Hà Nội định hướng trong giai đoạn 2021 – 2030, số lượng đàn bò sữa sẽ đạt 20.000 con, sản lượng sữa đạt 36.000 tấn. Phấn đấu đưa tỷ lệ sữa tươi sản xuất trên địa bàn đáp ứng 35% nhu cầu của thành phố vào năm 2030. Đồng thời xây dựng các xã chăn nuôi bò sữa trọng điểm có chất lượng cao.

 Ông Hà Tiến Nghi, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho biết, hiện nay, tổng đàn bò sữa toàn Thành phố là 13.805 con/2.314 hộ. Trong đó tập trung chủ yếu tại 15 xã chăn nuôi bò sữa trọng điểm; sản lượng sữa đạt trên 108 nghìn tấn/ngày, tại các xã trọng điểm đạt trên 101 nghìn tấn/ngày. Bên cạnh đó, Hà Nội có 29 trại chăn nuôi bò sữa quy mô lớn ngoài khu dân cư với tổng đàn 747 con. Chăn nuôi bò sữa ổn định tập trung ở 2 vùng trọng điểm là Ba Vì và Gia Lâm với tổng đàn là 12.213 con/2009 hộ. Hiện nay, đàn bò sữa được lai tạo giống bằng tinh của các giống bò sữa cao sản, với kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, hệ thống chuồng trại, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh được các hộ chăn nuôi quan tâm và đầu tư. Công tác chọn giống cũng thường xuyên được thực hiện để loại những con có khả năng sinh sản kém, sản lượng sữa thấp. Do đó chất lượng đàn bò sữa được cải thiện đáng kể. Năng suất sữa bình quân hiện tại đạt 4.9 tấn/con/chu kỳ. Một số hộ chăn nuôi bò sữa điển hình như ông Dương Văn Hùng (Quốc Oai) 57 con, Ông Tạ Viết Hùng (Ba Vì): 150 con, ông Tạ Đình Phương  (Gia Lâm) 35 con.

 

Đối với công tác lai tạo, sản xuất giống bò sữa hiện có 100% đàn bò sữa được thụ tinh nhân tạo bằng tinh bò sữa cao sản, bò cái sinh sản kém chất lượng được chọn lọc, thay thế. Chất lượng đàn bò sữa cũng tăng dần hằng năm. Công tác lai tạo giống sử dụng tinh bò sữa phân ly giới tính cái để tăng nhanh đàn bò sữa. Tỷ lệ bê cái đạt gần 90% trong tổng số bê sinh ra với gần 5.000 con bò, bê sữa sinh ra từ tinh phân ly giới tính. Bê sữa sinh ra từ tinh phân ly giới tính có khối lượng sơ sinh từ 30 kg - 45 kg khỏe mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt, ít bệnh tật, có ngoại hình đẹp, mang đặc trưng phẩm giống bò sữa. Điều này, cho thấy sự thích nghi của bê là rất tốt với điều kiện khí hậu tại các địa phương của Hà Nội.

 

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm sữa, Hà Nội đã đẩy mạnh liên kết, tạo điều kiện kết nối giữa nhà sản xuất và các doanh nghiệp, vì vậy hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 515 hộ chăn nuôi bò sữa và 11 trạm thu gom sữa ký hợp đồng tiêu thụ sữa ổn định cho Công ty cổ phần sữa Quốc tế IDP, với lượng tiêu thụ sữa hằng ngày hơn 50 tấn. Công ty Cổ phần sữa Quốc tế IDP đã thống nhất với các tác nhân là người chăn nuôi sử dụng chung một loại thức ăn cho bò sữa nhằm ổn định chất lượng sữa tươi, giảm chi phí sản xuất. Đối với tác nhân tham gia chuỗi là Công ty cổ phần sữa Ba Vì có gần 500 hộ chăn nuôi bò sữa và 6 trạm thu gom sữa ký hợp đồng ổn định với Công ty, lượng sữa tiêu thụ hàng ngày trên 40 tấn. Hiện công ty đang mở rộng quy mô sản xuất, nghiên cứu và đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ sữa tươi như: Sữa chua nếp cẩm, sữa chua hương hoa quả, sữa chua uống.

 

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng đàn bò sữa, Trung tâm Phát triển nông nghiệp còn tổ chức trên 200 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò thịt, bò sữa cho gần 15.000 hộ, nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi về kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng con, phòng bệnh và đặc biệt là lợi ích của phương pháp thụ tinh nhân tạo bò trong công tác lai tạo giống. Qua các lớp đào tạo tập huấn người tham dự đã nắm được các chủ trương, chính sách của Trung ương và Thành phố trong công tác phát triển chăn nuôi. Đổi mới phương thức chăn nuôi theo hướng an toàn và ứng dụng khoa học kỹ thuật như xử lý môi trường, chế phẩm sinh học, sử dụng thức ăn phối trộn, thức ăn sinh học trong chăn nuôi,... đã giúp các hộ nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi.

 

Với những kết quả đạt được, trong giai đoạn 2021 – 2030, theo ông Hà Tiến Nghi, Hà Nội sẽ phấn đấu phát triển đàn bò sữa đạt 20.000 con, sản lượng sữa đạt 36.000 tấn. Phấn đấu đưa tỷ lệ sữa tươi sản xuất trên địa bàn đáp ứng 35% nhu cầu của thành phố vào năm 2030. Xây dựng các xã chăn nuôi bò sữa trọng điểm gồm: Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, Tòng Bạt, Minh Châu, Ba Trại (huyện Ba Vì), Phù Đổng, Trung Màu, Dương Hà, Đặng Xá (huyện Gia Lâm), Phượng Cách (Quốc Oai), Tàm Xá (Đông Anh), Phương Đình (Đan Phượng), Xuân Phú (Phúc Thọ).

 

Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý giống, thực hiện bình tuyển đánh số, gắn chíp ghi chép theo dõi và đánh giá chất lượng. Thực hiện chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi và quy hoạch nông thôn mới, chăn nuôi theo xã, vùng, trọng điểm phù hợp với vùng sinh thái; chăn nuôi theo các tiêu chuẩn Vietgap, hướng hữu cơ và chăn nuôi an toàn sinh học. Tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò làm đầu tàu để liên kết với các tổ chức sản xuất như: Liên kết tổ hợp tác, hợp tác xã..., chú trọng việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu; quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm chăn nuôi.

 

Khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp liên kết, hợp tác trong lĩnh vực sản xuất. Xây dựng mô hình liên kết ở từng vùng, từng loại đối tượng chủ lực.

 

Thực hiện cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và hướng đến sản xuất thức ăn chăn nuôi không chứa kháng sinh. Kiểm tra đánh giá cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn cho các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi.

 

Thiện Tâm

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác