Sữa Việt Nam

“Ông Phót bò sữa”

Nhà ông Lâm Sà Phót cách lộ chính khoảng 2km, nhưng hỏi về gia đình ông, bà con trong phum sóc ai cũng biết. Chị Thạch Thị Sà Phal nói: “Mấy anh muốn kiếm nhà “ông Phót bò sữa”? Để em dẫn đi”.

 

  Trước đây, gia đình ông Lâm Sà Phót là một trong những hộ nông dân Khmer nghèo ở ấp Tài Công (xã Tài Văn, huyện Trần Đề, Sóc Trăng). Được hỗ trợ một con bò sữa, bằng nghị lực và sự cần cù của mình, hiện mô hình nuôi bò sữa của gia đình ông đã trở thành “điểm sáng” trong phum sóc. Hiện gia đình ông Phót đã làm chủ hơn 2ha đất ruộng, 7 công đất trồng cỏ, 15 con bò sữa và một ngôi nhà khang trang trị giá hàng trăm triệu đồng.

 

  Để có một gia sản như thế, ông Phót và vợ (bà Dương Thị Mực) đã vượt qua nhiều gian nan, thử thách. Năm 2003, gia đình ông được Dự án Nâng cao đời sống nông thôn Canada (Cida) hỗ trợ một con bò sữa. Ông Phót được đưa đi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sữa sinh sản ở tỉnh Bình Dương. Chuyên cần trong khâu chăm sóc, lại “mát tay” nên đàn bò của ông Phót phát triển rất tốt. Hiện 7/15 con bò sữa của ông đang cho sữa (bình quân 16kg/con/ngày). Sửa được bán cho HTX Evergrow tiêu thụ rồi cung ứng cho Cty Sữa Vinamil Cần Thơ với giá 12.000 đồng/kg. Ông Phót kể: “Nhờ có bò sữa nên đời sống gia đình tôi cải thiện nhiều. Tiền dành dụm được, vợ chồng tôi mua dần từng công đất, mua thêm vài con bò sữa...”.

 

  Những năm đầu khi triển khai dự án nuôi bò sữa ở xã Tài Văn, nhiều gia đình bán bò cho hộ khác vì hàng ngày phải đi tìm cỏ cắt cho bò ăn. Gia đình ông Phót nhờ am hiểu kỹ thuật, quyết tâm thoát nghèo nên vẫn theo đuổi mô hình này. Tính từ khi dự án hỗ trợ 1 con bò sữa đến nay (10 năm), gia đình ông đã có 30 con bò (bán hơn 10 bò đực và bò cái cho ít sữa). Ngày nào vợ chồng ông Phót và đứa con trai không lúc nào ngơi tay. Sáng - chiều vắt sữa bò, rồi chở đi bán và cắt cỏ cho bò ăn. Khi rảnh, ông lại lo chăm sóc ruộng lúa. Từ khi biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, năng suất lúa của gia đình ông vụ nào cũng đạt trên 8 tấn/ha.

 

  Trưởng ban nhân dân ấp Tài Công Thạch Đức Lâm cho biết: “Gia đình ông Lâm Sà Phót là một hộ nông dân Khmer đi đầu trong mô hình nuôi bò sữa tại địa phương. Từ một hộ nông dân nghèo khó, đến nay đã phấn đấu có được nguồn thu nhập đáng nể; nhất mô hình nuôi bò sữa hiệu quả kinh tế cao. Hướng tới, địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình, chuyển dịch cơ cấu từ đất trồng lúa, đất trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cỏ để phát triển đàn bò sữa”

Nguồn: laodong.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác