Sữa Việt Nam
Nuôi bò sữa tại gia: Cần quy hoạch để phát triển bền vững
Gia đình chị Nguyễn Thị Lộc ở xóm Đông Thành, xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa bắt đầu chăn nuôi bò sữa từ năm 2006. Đến nay, đàn bò sữa của gia đình chị đã phát triển lên thành 17 con. Mỗi ngày, gia đình chị nhập cho nhà máy sữa khoảng 200 lít sữa với giá từ 12 đến 14 nghìn đồng/1kg, trừ chi phí đầu tư cũng mang lại thu nhập trên 1 triệu đồng/ngày. Nói về hiệu quả từ mô hình chăn nuôi bò sữa, chị Lộc cho biết: “Sau 16 năm chăn nuôi bò sữa đã đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho gia đình. Bởi vậy mà trong thời gian sắp tới, gia đình sẽ tập trung mở rộng trang trại và tăng đàn để phát triển hơn nữa.”
Mô hình chăn nuôi bò sữa tại gia phát triển ở thị xã Thái Hoà. |
Hiện nay, trên địa bàn thị xã Thái Hòa có khoảng 200 con bò sữa được nuôi tại gia và phấn đấu đến cuối năm nay thị xã sẽ phát triển lên thành 300 con. Để đạt được kết quả đó, thị xã Thái Hòa đã có nhiều cơ chế hỗ trợ về nguồn vốn, kỷ thuật chăn nuôi cho người dân. Cụ thể, Ông Phạm Văn Thạch - Phó chủ tịch UBND Thị xã Thái Hòa cho biết: “Để đạt được kết quả như hiện nay, thị xã áp dụng cách làm cụ thể: nhân rộng mô hình, hỗ trợ lãi suất trong 1 năm cho các hộ chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp với các đơn vị chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tổ chức các buổi tập huấn đào tạo nghề cho người chăn nuôi và ký hợp đồng đầu ra cho sản phẩm để người dân yên tâm chăn nuôi.”
Ông Phạm Văn Thạch - Phó chủ tịch UBND Thị xã Thái Hòa. |
Tuy nhiên, nghề nuôi bò sữa tại gia cũng đang gặp một số khó khăn. Đối với nuôi bò sữa, cần nhiều diện tích đất để phát triển trồng cỏ, trồng ngô làm thức ăn. Trong khi đó, nhiều hộ chăn nuôi bò sữa hiện nay diện tích đất sản xuất không nhiều, chủ yếu là tận dụng đất vườn, hoặc đất cao cưỡng, nên khó đảm bảo đủ nguồn thức ăn. Bên cạnh đó, người nuôi bò sữa thiếu nguồn vốn đầu tư để mở rộng quy mô trang trại, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh.
Ông Hồ Văn Thìn – hộ gia đình chăn nuôi bò sữa tại xóm 7 xã Quỳnh Thiện, huyện Quỳnh Lưu chia sẻ: “Gia đình gặp khó khăn trong công tác chăm sóc khi bò sữa bị bệnh nặng. Bác sỹ thú ý tại địa phương chuyên môn không cao nên nhiều trường hợp phải nhờ đến bác sĩ thú y ở nơi khác đến chữa trị.”
Ngoài những khó khăn trong việc chăm sóc sức khoẻ bò sữa, ông Nguyễn Hữu Minh - Phó Trưởng phòng chăn nuôi, Sở NN và PTNT cho biết thêm: “Khi phát triển mô hình nuôi bò sữa tại gia địa phương phải bám vào quy hoạch của tình, cần phát triển ở những vùng trọng điểm, những nơi thuận lợi để chăn nuôi bò sữa đạt hiệu quả cao nhất. Không phải địa phương nào cũng có thể nuôi bò sữa. Bởi nuôi bò sữa phụ thuộc nhiều yếu tố như khí hậu, điều kiện đất đai,…”
Ông Nguyễn Hữu Minh - Phó trưởng phòng chăn nuôi, Sở NN&PTNT. |
Để đạt được mục tiêu quy hoạch đến năm 2020, Nghệ An sẽ phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng: chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, theo quy mô công nghiệp, bán công nghiệp, các địa phương cần quy hoạch vùng chăn nuôi bò sữa theo hướng bền vững; Nhà nước có chính sách cho bà con vay vốn đầu tư, đặc biệt là những hộ mới nuôi, tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, nhằm tiêu thụ sản phẩm ổn định, để bà con yên tâm chăn nuôi bò sữa.
(Hoàng Hiếu)