Sữa Việt Nam
Nông hộ nuôi bò sữa
Với quy mô 10 - 15 con/hộ, người dân có khả năng chủ động về nguồn vốn, lao động cũng như diện tích đất trồng cỏ phục vụ đàn bò.
Các vùng đất bãi ven sông Hồng ở huyện Duy Tiên là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển đàn bò sữa. Trong đó, xã Mộc Bắc được coi là thủ phủ bò sữa của Hà Nam với số lượng gần 600 con.
Gia đình ông Tống Văn Bính thôn Hoàn Dương hiện có 18 con bò đang cho thu hoạch sữa với sản lượng trung bình 25 kg/con/ngày. Theo kinh nghiệm chăn nuôi của ông, chi phí tiền cám của bò sẽ theo chế độ “một nửa sản lượng sữa”.
Nếu sản lượng sữa đạt 20 kg/con/ngày thì người chăn nuôi sẽ phải cho bò ăn 10 kg cám công thức. Ngoài ra, cần cho bò ăn thêm thức ăn tinh (ngô, đậu tương) và ăn đủ thức ăn thô xanh (cỏ, cây ngô). Với giá bán sữa 14.200 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi tháng gia đình ông thu lãi khoảng 40 triệu đồng.
Năm 2014, UBND huyện Duy Tiên đã quyết định xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa tập trung tại xã Mộc Bắc với diện tích 54,5 ha. Theo đó, UBND xã đã quy hoạch cho những hộ có diện tích dồn đổi từ 2.000 m2 trở lên tham gia vào khu chăn nuôi tập trung với quy mô tối thiểu 10 con/trang trại.
Trong khuôn khổ Chương trình Phát triển Kinh doanh bền vững và An ninh Lương thực (giai đoạn 2014 - 2018), tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Tập đoàn FrieslandCampia và Chính phủ Hà Lan thực hiện dự án phát triển vùng chăn nuôi bò sữa bền vững. Không chú trọng đầu tư phát triển các mô hình trang trại lớn, dự án hướng tới mục tiêu phát triển vùng chăn nuôi bò sữa chuyên nghiệp theo quy mô hộ gia đình. Theo đó, nông dân sẽ được đào tạo, tập huấn kiến thức về chăn nuôi, được hỗ trợ về tài chính để mở rộng và phát triển đàn bò.
Trang trại của gia đình bà Tống Thị Tho (thôn Dĩ Phố, xã Mộc Bắc) hiện có 17 con bò, trong đó có 14 con đang cho khai thác sữa.
Sau khi triển khai “Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa theo mô hình nông hộ”, toàn bộ đàn bò sữa của gia đình được chuyển sang vùng đất bãi, cách xa khu dân cư. Diện tích 4 mẫu đất chuyển đổi được quy hoạch thành khu sinh hoạt của gia đình, khu trang trại chăn nuôi và khu trồng cỏ.
Theo bà Tho, từ ngày chuyển sang vùng chăn nuôi tập trung, không chỉ giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà bà còn chủ động hơn về nguồn cỏ: “Trước kia, nguồn cỏ cho bò rất khó khăn. Ngoài diện tích cỏ sữa trồng ở vườn nhà, còn phải đi thu gom cỏ, cây ngô ở các vùng lân cận. Muốn mở rộng chăn nuôi nhưng cũng không có đất trồng cỏ. Từ khi chăn nuôi tập trung, có diện tích trồng cỏ rộng, tại chỗ không còn phải lo đến cỏ cho bò nữa”.
Xã Mộc Bắc hiện có 2 cơ sở thu gom sữa. Người chăn nuôi trực tiếp ký hợp đồng mua bán sữa với công ty không phải qua thương lái, bởi vậy người dân yên tâm về đầu ra của sản phẩm. Mặc dù giá sữa biến động theo thị trường nhưng người chăn nuôi không lo bị ép giá.
Nhằm khuyến khích bà con phát triển chăn nuôi, mở rộng đàn bò, Sở NN-PTNT tỉnh Hà Nam đã xây dựng mô hình chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cỏ; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trồng cỏ; hỗ trợ tiền vốn mua bò; thường xuyên mở các lớp chuyển giao kĩ thuật cho người chăn nuôi.
“Sau khi triển khai Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa, xã đã tạo điều kiện kiện về nguồn đất, tổ chức cho các hộ chăn nuôi tham quan học tập chăn nuôi tại Mộc Châu (Sơn La); hướng dẫn hồ sơ thủ tục vay vốn ngân hàng để mua bò sữa…”, chị Tống Thị Kim Phượng, cán bộ phụ trách Nông nghiệp xã Mộc Bắc cho biết.
TẠ THỦY