Sữa Việt Nam
Nông dân nuôi bò sữa ở Bà Rịa-Vũng Tàu gặp khó về đầu ra
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, nghề chăn nuôi bò lấy sữa đã phát triển ở địa phương này đã hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, đến nay đàn bò sữa vẫn không thể tăng đàn mà đang ngày càng giảm dần do người nuôi bò sữa đang gặp rất nhiều khó khăn; trong đó, quan trọng nhất vẫn là khâu giá cả đầu ra.
Nghề nuôi bò sữa ở xã Châu Pha, huyện Tân Thành đã gắn bó với người dân ở đây hơn 10 năm. Từ nuôi bò sữa, nhiều gia đình đã thoát nghèo, vườn lên làm giàu. Ban đầu, nuôi bò sữa đã mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân nơi đây, với đầu ra ổn định, nên dần dần các hộ đã mở rộng quy mô đàn bò sữa. Vì thế, số lượng sữa cũng liên tục tăng cao và cao điểm nhất năm 2013, xã Châu Pha có 16 hộ nuôi bò sữa, với tổng đàn gần 300 con.
Toàn bộ sữa bò tươi được Công ty Vinamilk Bà Rịa-Vũng Tàu, có trụ sở tại xã Châu Pha, thu mua với giá ổn định. Tuy nhiên, hoạt động được hơn một năm thì Công ty Vinamilk chuyển đổi ngành nghề kinh doanh. Hiện nay, Vinamilk vẫn mua sữa bò nhưng số lượng rất hạn chế nên chính vì vậy, để duy trì đàn bò sữa, các hộ chăn nuôi phải tự tìm thị trường.
Gia đình ông Đinh Nam Liệu, thôn Tân Lễ A, xã Châu Pha, có đàn bò sữa có đến 16 con, nhưng do giá sữa liên tục rớt, công ty thu mua sữa ép giá, đánh đồng việc phân loại chất lượng sữa, khiến ông vô cùng chán nản.
“Công ty thu mua sữa, ngày hôm nay thu mua một giá, một phân loại chất lượng, ngày mai vẫn con bò ấy cho sữa lại thu mua một giá khác, phân loại một chất lượng khác. Với giá bán có thời điểm xuống còn 9.000 đồng/lít, còn hiện tại là 11.000 đồng/lít, giá sữa quá bấp bênh, lệ thuộc vào người mua nên gia đình tôi quyết định giảm đàn dần, hiện tại trong chuồng chỉ còn 3 con, để bán duy trì cuộc sống qua ngày”, ông Liệu cho biết.
Gia đình ông Đinh Nam Định, thôn Tân Lễ A, xã Châu Pha có 33 con bò, trong đó có 18 con đang cho sữa. Trung bình mỗi ngày đàn bò cho 180 lít sữa. Khi mang sữa đến điểm thu mua, sản phẩm sữa tươi của gia đình ông chỉ có một ít được tính loại 1, còn lại là loại 2, loại 3 giá từ 9.000 - 10.000 đồng/lít.
Ông Định cho hay, giá sữa phải lệ thuộc rất nhiều vào đầu mối thu mua. Họ tự phân loại, tự định giá. Sữa đạt loại 1 rất ít, chủ yếu là loại 2, loại 3. Nếu bán từ 9.000-11.000 đồng/lít thì người nuôi bò chỉ đủ chi phí vì hiện nay, giá cám cho bò ăn tăng cao, giá nhân công cũng tăng.
Bên cạnh đó, bò cái sau thời gian cho sữa thường hay bị thiếu hụt canxi nên liên tục xảy ra hiện tượng bò bị đau móng, khó chạy chữa, nên người nuôi liên tục phải bán dẫn đến đàn phải giảm. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến nguồn sữa. Vì vậy, gia đình phải thải loại những con bò yếu để bán thịt, nếu tiếp tục duy trì thì rủi ro rất cao. Trong năm 2017, gia đình ông Định phải giảm khoảng 10 con bò sữa.
Do giá sữa liên tục phải phụ thuộc vào người mua, nên một số hộ nuôi bò sữa phải tự tìm hướng đi mới để tiêu thụ bớt phần nào số sữa thu về trong ngày, nhằm duy trì đàn bò sữa của gia đình.
Gia đình ông Nguyễn Văn Nhiệm, thôn Tân Lễ A, xã Châu Pha là hộ duy nhất của xã duy trì đàn bò sữa đông nhất, với 50 con; trong đó, 29 con đang cho sữa. Để tiêu thụ số sữa thu về trong ngày, ông đã nghĩ ra cách ủ sữa lên men làm sữa chua bỏ cho các mối trong trong tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Hiện nay, một ngày gia đình ông làm khoảng 2.000 bịch sữa chua, tương đương khoảng 160 lít sữa bò, với giá bán 2.000 đồng/bịch. Với cách làm trên, hiện gia đình ông đang có một lượng khách tiêu thụ ổn định cho sản phẩm này.
Ủ sữa lên men làm sữa chua. Ảnh: TTXVN
“Thời gian tới, nếu giá cả sữa vẫn bấp bênh như hiện nay, gia đình chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất sữa chua tại nhà với số lượng lớn hơn, vừa giúp đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho gia đình, giúp duy trì được đàn bò hiện có”, ông Nhiệm chia sẻ thêm.
Theo người chăn nuôi bò sữa, đến nay, bà con đã hợp đồng bán sữa với một công ty số lượng mua không hạn chế nhưng giá sữa khá thấp, giá sữa chỉ dao động từ 8.000 - 11.000 đồng/lít sữa. Với giá này hầu hết người nuôi bò sữa đều không có lãi.
Bên cạnh đó, việc bán sữa của bà con hoàn toàn phụ thuộc vào các chủ thu mua, từ việc định lượng, phân loại sản phẩm đến mức giá thu mua, trong khi giá cả các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho chăn nuôi lại không ngừng tăng, bò sữa sau thời gian cho sữa thường bị thiếu canxi, dẫn đến khó chữa, chi phí tăng cao, cộng với bị lệ thuộc như vậy, người chăn nuôi không dám phát triển đàn mà ngược lại đàn bò sữa của xã Châu Pha lại đang ngày càng giảm đi.
Chính vì tự tìm đầu ra, giá cả thu mua không ổn định nên đến nay đàn bò sữa đang ngày càng giảm dần. Theo thống kê của Hội Nông dân xã Châu Pha, nếu như năm 2017, xã có 14 hộ nuôi bò sữa với tổng đàn 265 con, giảm 2 hộ và giảm 15 con so với năm 2015, thì năm 2018 xã hiện chỉ còn có 12 hộ nuôi bò sữa, với khoảng hơn 200 con.
Thời gian qua, để giúp bà con nuôi bò sữa giảm bớt khó khăn và tiếp tục duy trì phát triển, Hội Nông dân xã Châu Pha phối hợp với cơ quan chức năng vận động nông dân chăn nuôi bò sữa thành lập tổ hợp tác và đang xúc tiến vận động thành lập hợp tác xã nhằm tiêu thụ sản phẩm ổn định cho bà con nông dân.
Tuy nhiên, việc giá sữa không ổn định khiến người chăn nuôi bò sữa đều có tâm lý chán nản, không muốn phát triển thêm đàn. Người chăn nuôi bò sữa hiện nay đang rất mong muốn có sự quan tâm của các cấp, các ngành liên quan để giúp bà con ổn định hơn đầu ra, giúp bà con ổn định và phát triển đàn bò sữa của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu./.
Hoàng Nhị/TTXVN