Sữa Việt Nam
Nhiều hộ chăn nuôi bò sữa ở Củ Chi đầu tư tăng đàn
Ông Cảm cho biết thêm: Sau chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khi làm việc với lãnh đạo huyện Củ Chi về liên kết doanh nghiệp với nông dân cụ thể là tiêu thụ sữa bò cho bà con chăn nuôi trên địa bàn huyện, UBND huyện Củ Chi đã làm việc với doanh nghiệp Vinamilk, một trong những đơn vị mua sản lượng sữa khá lớn trên địa bàn. Huyện đã chủ động cùng với các doanh nghiệp thu mua sữa, bàn bạc và đã tháo gỡ khó khăn cho nông dân chăn nuôi bò sữa.
Ruộng lúa đa phần chuyển sang trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi bò sữa |
Được biết, về phía doanh nghiệp sẽ tiếp tục ký hợp đồng thu mua sữa với hộ, trang trại chăn nuôi mới, còn đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải thành lập tổ chăn nuôi để doanh nghiệp thu gom sản phẩm. Phía huyện cùng với đoàn thể, chính quyền địa phương vận động các hộ chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ thành lập tổ chăn nuôi, HTX chăn nuôi đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, tăng sản lượng sữa chất lương cao, an toàn, đảm bảo cho các hộ chăn nuôi có đầu ra ổn định. Tại xã An Phú có 436 hộ chăn nuôi bò sữa với số lượng gần 5.000 con, trong đó có 200 hộ đã ký hợp đồng bán sữa cho Frilandcampina (Cô gái Hà Lan), 139 hộ ký hợp đồng với Vinamilk và còn 107 hộ chưa ký hợp đồng với đơn vị thu mua do chăn nuôi nhỏ lẻ. Với sự chỉ đạo của thành phố, huyện sẽ tổ chức liên kết để giúp các hộ nuôi ký hợp đồng với các doanh nghiệp thu mua sữa để bà con an tâm đầu tư tăng đàn.
Anh Nguyễn Văn Sang đầu tư mở rộng trang trại nuôi bò sữa |
Do được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, huyện về đầu ra cho đàn bò sữa, nhiều hộ chăn nuôi bò đã mạnh dạn tăng đàn nên số lượng đã tăng cao hơn trước. Cụ thể như gia đình anh Nguyễn Văn Sang, chị Huỳnh Thị Thắm… ở xã Trung An, huyện Củ Chi đã đầu tư mở thêm chuồng trại để tăng đàn bò sữa từ vài con ban đầu lên hàng chục con. Anh Sang cho biết: Gia đình tôi nuôi bò sữa từ nhiều năm trước, bước đầu nuôi từ 4 – 5 con, sau đó thấy có hiệu quả nên quyết định tăng dần số lượng bò. Hiện đàn bò của gia đình anh Sang lên đến 40 con.
Huyện Củ Chi hiện có 8.281 hộ đầu tư nuôi bò sữa, nhiều hộ nuôi từ 30 đến 300 con bò.
Tăng thức ăn đạm từ cám gạo cho đàn bò sữa |
Anh Sang đang mở rộng chuồng tăng đàn khi có thông tin đầu ra cho sản phẩm sữa ổn định và lâu dài. Trước đây, sữa không có đầu ra ổn định, giá cả biến động nên không ai đầu tư tăng đàn. Dù mạnh dạn đầu tư tăng đàn nhưng anh lo ngại sữa không có nguồn ra, giá không ổn định. Mặc dù huyện và doanh nghiệp có hướng giải quyết lâu dài nhưng chúng tôi vẫn lo, giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp không liên kết được với nhau lâu dài.
Anh Lê Văn Ngây, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi chăm sóc đàn bò |
Ông Cảm cho biết: Củ Chi là huyện căn cứ cách mạng mệnh danh là vùng đất thép là vùng sâu vùng xa của thành phố Hồ Chí Minh. Kinh tế của bà con chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi. Thành phố và huyện có nhiều chính sách kêu gọi vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước và đã có hiêu quả bước đầu. Nhờ đó nghề chăn nuôi của huyện đã tăng số lượng và chất lượng, đặc biệt là chăn nuôi bò sữa.
Chị Huỳnh Thị Thắm làm vệ sinh máy vắt sữa |
Theo số liệu của Phòng Kinh tế huyện Củ Chi, năm 2015 tổng đàn bò sữa toàn huyện có khoảng 60.000 con, đến 6/2016, tăng lên trên 66.000 con. Huyện trở thành địa phương phát triển đàn bò sữa nhanh nhất thành phố cùng với việc áp dụng kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến giúp nâng cao năng suất, chất lượng sữa bò, giảm giá thành sản phẩm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.
Cỏ voi - thức ăn hàng ngày của bò |
Các hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồn trại |
Anh Nguyễn Văn Sơn, xã Tân Thạnh Đông chuyển đổi diện tích trồng lúa không hiệu quả sang trồng cỏ voi để nuôi gần 20 con bò sữa |