Sữa Việt Nam

Ngưỡng mộ nơi người nuôi bò sữa lãi trăm triệu đồng/tháng, đều là tỷ phú

Là những nông hộ nuôi bò sữa vệ tinh cho Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk - Mộc Châu, Sơn La). Cao nguyên Mộc Châu hiện có trên 23.000 bò sữa, hộ nuôi liên kết chặt chẽ với công ty, từ vốn vay, con giống, thức ăn, chuồng trại, thú y, thu mua, chế biến...

 Một điển hình liên kết sản xuất lấy nông hộ làm trung tâm, dần biến họ trở thành những tỷ phú...

  

Những hộ tỷ phú

 

Ông Phan Doãn Hiệp, người thuê lại một trong những khu chuồng trại từ hơn 10 năm trước nuôi 20 con bò sữa, nay nhân đàn lên tới 130 con.

 

Ông nói: "Sữa chúng tôi làm ra bao nhiêu đều được nhà máy thu mua hết. Đồng vốn, kỹ thuật, thú y thì không lo, đã có công ty hỗ trợ. Cỏ, thức ăn cũng không phải suy nghĩ nhiều vì vùng Mộc Châu đã hình thành thị trường thức ăn bò sữa mua bán rất thuận lợi. Với 4ha đất, chuồng trại sẵn, gia đình tôi mở mang đàn bò lên 200 con vẫn nuôi tốt".

 

Trong 130 con bò sữa của gia đình ông Hiệp có 75 con sinh sản (42 con đang vắt sữa), còn lại là bê và bò tơ, tổng trị giá đàn bò không dưới 6 tỷ đồng. Sản lượng sữa hằng ngày ông thu 1,1 - 1,2 tấn, bán cho nhà máy được 14 - 15 triệu, trừ chi phí còn lãi 6 - 7 triệu, tính ra mỗi tháng thu lãi khoảng 200 triệu đồng, mức thu nhập có lẽ ít nông dân dám mơ tới.

 

Một hộ nuôi nhiều bò sữa khác là chị Lê Thị Thoa, ở khu Vườn đào 1, thị trấn Nông trường Mộc Châu, nuôi 95 bò sữa HF thuần, trong đó 35 con đang cho vắt sản lượng sữa 1,1 tấn/ngày bán cho nhà máy thu trên 14 triệu đồng. Khác với ông Hiệp nhà có đồng cỏ lớn tự túc được phần lớn lượng thức ăn, thì chị Thoa gần như phải mua toàn bộ cỏ cùng thức ăn hỗn hợp cho đàn bò nên chi phí chăn nuôi có cao hơn nhưng vẫn đảm bảo lãi 35% doanh thu, được khoảng 5 triệu đồng/ngày (150 triệu/tháng).

 

Công việc chị cũng chẳng mấy khi phải động tay động chân khi thuê luôn 5 - 6 người làm mức lương 5-6 triệu đồng/người/tháng (vắt sữa lương tháng 6 triệu; dọn chuồng, cho bò ăn lương 5 triệu). Có một gia đình người Mông ở với chị đã mấy năm nay, chồng lương 6 triệu, vợ lương 5 triệu, thu nhập hai vợ chồng mỗi tháng trên 10 triệu, được chị bao ăn ở nên họ yên tâm gắn bó lâu dài hy vọng sau này cũng sẽ chăn nuôi bò sữa.


Anh Dương Văn Nội, tiểu khu 70, thị trấn Nông trường Mộc Châu, người đang có 70 bò sữa với nhiều tham vọng. Mới đây, anh Nội đầu tư tới 2 tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín đủ sức nuôi 200 con cùng hệ thống xử lý chất thải thành phân vi sinh công suất 20 m3/ngày. Quan điểm của anh rất rõ ràng, đã đầu tư nuôi lớn thì hệ thống xử lý thải phải đảm bảo nếu không hệ lụy khó lường. Và, với gần 500 triệu đầu tư xử lý chất thải thành phân vi sinh, ngoài việc không ô nhiễm, mỗi tháng anh còn thu từ bán phân được 30 triệu (2.000 đồng/kg) cho dân trồng chanh dây, dâu tây, hoa..., việc thu hồi vốn chẳng mấy khó khăn.  Anh Phạm Hải Nam, PGĐ Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu cho biết, những hộ nuôi bò sữa số lượng khá lớn kể trên ngoài khoản thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng thì mỗi năm họ còn có thêm khoản thu nhập hàng trăm triệu nữa từ nguồn bán bê giống. Ngày nay với công nghệ tinh phân giới tính, tỷ lệ bê sơ sinh đạt 90% bê cái. Bê cái sơ sinh 1 tuần đã có giá 10 triệu, nếu bỏ công nuôi thành bò tơ giá trị còn tăng gấp nhiều lần.

 

Nông hộ là hạt nhân

 

Tổng đàn bò sữa nguyên liệu của Nhà máy chế biến sữa Mộc Châu trên 23.000 ngàn con, SX 90.000 tấn sữa/năm; mục tiêu đến 2020 đưa tổng đàn lên 30.000 - 35.000 con, SX 150 - 180 ngàn tấn sữa/năm và đến 2030 nâng tổng đàn lên 70 - 100 ngàn bò sữa.


Mộc Châu Milk hiện đang vận hành hai nhà máy sản xuất sữa hiện đại của Thụy Điển công suất 280 tấn/ngày và sẵn sàng nâng công suất khi gia tang được đàn bò sữa. Cty cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam sở hữu nhà máy chế biến thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (TMR - Total Mixed Ration) cho bò sữa, công nghệ Hàn Quốc, công suất 150 tấn/ngày. Công ty có 3 trung tâm giống bò sữa cao sản số lượng 2.000 con. Đội ngũ 130 kỹ sư của công ty phân ra 10 đơn vị theo từng khu vực chăn nuôi. Các đơn vị có kỹ sư thú y, thụ tinh viên, cán bộ kỹ thuật... luôn bám sát, nằm lòng trong dân.
Ông Trần Công Chiến, TGĐ Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk), bày tỏ: "Người chăn nuôi làm hạt nhân, đây là định hướng công ty đặt ra từ đầu và kiên định thực hiện cả chặng đường phát triển. Chúng tôi xác định công ty với người chăn nuôi là một đại gia đình. Hộ nuôi được tạo điều kiện vay lâu dài ít nhất một nửa số vốn bỏ ra. Kỹ thuật, thú y, con giống... công ty sẵn sàng trợ giúp".

 

Gần 600 hộ nuôi bò sữa liên kết với công ty cũng có nghĩa ngần ấy hộ là tỷ phú, thu nhập rất cao, có 1 hộ nuôi quy mô 200 con, 130 hộ nuôi từ 50 con trở lên, phần lớn nuôi 30 - 40 con.

 

“Tính trung bình mỗi hộ nuôi 40 con, sắp tới sẽ nâng mức trung bình lên 45 con, tôi cho thế là vừa, bền vững”, TGĐ Trần Công Chiến bày tỏ. Ông cho biết ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản... họ đặc biệt coi trọng kinh tế hộ, lấy hộ nông dân là trung tâm, và bên họ nuôi bò sữa cũng chỉ quy mô trung bình 45 - 50 con/hộ, một mức tối ưu cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Định hướng của Mộc Châu Milk cũng như vậy, ưu tiên mở rộng hộ nuôi nhưng với số lượng vừa, dễ liên kết, dễ quản trị; với hộ nuôi lớn cần có điều kiện và sự chuẩn bị kỹ càng.


Tôi ngồi ở trại du lịch bò sữa của ông chủ Trần Văn Khương ngay trung tâm thị trấn nông trường, dùng một ly sữa tươi nóng. Ly sữa trắng muốt, thơm ngậy, ngon vô cùng, thấy khó có sữa ở đâu sánh được hương vị sữa bò nuôi trên cao nguyên trời phú này.
Hơn ai hết TGĐ Trần Công Chiến hiểu cần phải làm gì để bò sữa cao nguyên Mộc Châu phát triển bền vững, thương hiệu sữa Mộc Châu nức tiếng ngon nhất nước bay xa hơn. Giai đoạn khó khăn nhất, những năm cuối thập kỷ 80, từng có lúc sữa bán ra không ai mua, đàn bò sụt giảm, bằng sự sáng tạo, nông trường giải thoát bằng việc khoán hết đàn bò cho công nhân. Sau đấy là chuyển đổi, thành công ty, xây dựng nhà máy chế biến, tiến đến cổ phần hóa mà công nhân, hộ nông dân, vừa là cổ đông vừa là người lao động, tạo một mối liên kết vững chắc từ nhà máy đến trại nuôi. Thảo nguyên Mộc Châu giờ đây mỗi một con bò sữa đều được mua bảo hiểm, hộ nuôi đóng 600 ngàn tiền bảo hiểm, nếu con bò đó bị bệnh tật ốm chết sẽ được đền bù 13 triệu, nếu có ngã bổ bị loại thải cũng được đền bù 10 triệu đủ cho người nuôi mua được con bê giống. Cả giá sữa cũng được lập quỹ bảo hiểm. Người ta nói sự trang bị của công ty cho hộ nuôi bò sữa như thế là đã đến... tận răng.

 

Hiện giờ là 600 hộ nuôi. Với cách vận hành và uy tín sữa Mộc Châu, tin rằng không bao lâu số hộ nuôi sẽ tăng lên 800, rồi 1.000, mỗi hộ nuôi 40 - 50 bò sữa, Mộc Châu sẽ có cả ngàn tỷ phú nông dân.


TRẦN CAO - KIÊN CƯỜNG

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác