Sữa Việt Nam
Người đưa bò sữa về đất Ðồng Nai
Đưa nghề nuôi bò sữa về đất Long Thành
Sữa bò Long Thành có vị đậm đà, béo ngậy và hương thơm đặc trưng. Có được điều này, một phần là do những người nông dân nơi đây đang nuôi một giống bò sữa rất riêng. Giống bò này được nghiên cứu, lai tạo từ hơn 30 năm trước bởi ông Lâm Quang Trí. Ông Trí được xem là người tiên phong phát triển ngành chăn nuôi bò sữa tư nhân ở đất Long Thành.
“Nông dân Lâm Quang Trí đã góp phần đưa nghề chăn nuôi bò sữa ở huyện Long Thành phát triển. Ông Trí từng được nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải tặng bằng khen, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đến thăm trang trại” - ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Thành nói. |
Ông Trí gốc ở quận 1, TP.Hồ Chí Minh. Sau giải phóng, ông rời quân ngũ, cùng vợ con về xã Lộc An, huyện Long Thành lập nghiệp.
Ông Trí kể, thời điểm đó, xã Lộc An là vùng đất hoang vu. Chỉ có cây cao su và một số cây ăn trái nhưng năng suất không cao. Là bộ đội xuất ngũ, sẵn có kiến thức y thuật, ông Trí về Trạm y tế xã công tác theo sự vận động của chính quyền. Để có thêm thu nhập cho gia đình, ông Trí vừa làm y sĩ phụ trách thăm khám bệnh cho người dân; vừa tăng gia nuôi heo, gà và sau này chuyển sang nuôi bò thịt. Thấy bò nuôi lấy thịt sinh sản tốt, nguồn sữa nhiều, ông Trí nghĩ đến nuôi bò sữa.
Lúc bấy giờ ở huyện Long Thành chưa có ai nuôi bò sữa ngoài một xí nghiệp bò sữa của Nhà nước đóng trên địa bàn xã An Phước. Ông Trí nghĩ nếu mình đến đó hỏi mua con giống thì chắc chắn không ai bán, mà đặt họ nhập con giống về cho mình thì mất nhiều tiền quá, ông không kham được.
Suy tính nhiều ngày, ông Trí quyết định tự nhân giống bò sữa thay vì mua bò sữa ngoại để nuôi. Ông Trí sử dụng 4 con bò thịt khỏe mạnh trong chuồng lai tạo với phôi giống bò sữa nhập khẩu nhờ xí nghiệp đặt hàng. Mất khoảng 10 năm, qua nhiều lần lai tạo, ông Trí mới chọn được giống bò thích nghi tốt với khí hậu nhiệt đới gió mùa, có sức đề kháng, sinh sản đúng chu kỳ và đặc biệt sản lượng sữa nhiều gần gấp đôi bò nhập. Có được giống bò ưng ý, ông Trí không ngừng phát triển đàn, thời kỳ cao điểm, trang trại của ông có gần 200 con bò sữa.
Thành công trong việc nhân giống và phát triển đàn bò sữa của nông dân Lâm Quang Trí được nhiều người biết đến. Một số nông dân trong xã, Xí nghiệp bò An Phước và một số xí nghiệp nuôi bò sữa ở miền Nam, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam đến học tập cách lai tạo giống. Cứ như thế, giống bò sữa do ông Trí lai tạo ngày càng được nhân rộng trên địa bàn huyện Long Thành và nhiều địa phương khác trong vùng. Ngành chăn nuôi bò sữa trở nên thịnh hành, có thời điểm, riêng huyện Long Thành đã có hàng ngàn con bò sữa được lai tạo theo cách làm của ông Trí.
Ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Thành cho rằng, nông dân Lâm Quang Trí là người tiên phong nghiên cứu và phát triển giống bò sữa đặc trưng ở huyện Long Thành. Về hình thức, bò sữa không có đốm trắng mà đen tuyền. So với giống bò sữa nhập, bò sữa do ông Trí lai tạo có sức đề kháng tốt hơn, tuổi thọ lâu hơn và sản lượng sữa nhiều hơn. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Trí còn hỗ trợ kỹ thuật phối giống cho nhiều trang trại chăn nuôi, tặng bò giống (trung bình 5-7 cặp/năm) cho các hộ gia đình khó khăn trong xã và bao tiêu đầu ra với mức giá cao hơn giá thị trường trung bình 1-2 ngàn đồng/kg.
* Kiên trì theo cách làm sữa của châu Âu
Một điều khá thú vị là trong suốt gần 30 năm gắn bó với nghề chăn nuôi, chế biến sữa bò, ông Trí chỉ có một quy trình chế biến sữa duy nhất mà ông đọc được qua sách báo của người phương Tây. Ông cho biết, đó là quy trình chưng cách thủy để làm chín sữa bò truyền thống của các trang trại chăn nuôi ở châu Âu những năm 50 của thế kỷ trước. “Người dùng đã tin tưởng và chọn mình thì mình không nên thay đổi. Tôi cho đó là cách thủ công nhưng đem lại chất lượng sữa tốt nhất” - ông Trí nói.
Qua các tài liệu chuyên ngành, ông biết đến cách chưng sữa cách thủy thủ công truyền thống ở châu Âu. Ông tự mình thiết kế sơ đồ, cấu tạo lò chưng rồi đến đặt hàng một tiệm cơ khí làm. Lò chưng có cấu tạo khá đơn giản, gồm ngăn ngoài chứa nước và ngăn trong chứa sữa. Nhiệt độ ở lò sẽ làm cho nước ở ngăn ngoài nóng lên, chuyển nhiệt qua ngăn sữa và làm chín dần sữa ở nhiệt độ 75-800C.
“Từ ngày thành lập cơ sở đến nay, cha tôi vẫn giữ phương pháp chưng cất sữa cách thủy truyền thống. Tôi cũng sẽ làm như vậy vì đây là quy trình khép kín vừa đảm bảo an toàn, vệ sinh vừa giữ được nguyên hương vị thơm ngon, các vitamin và độ béo của sữa. Tất nhiên, tôi sẽ đầu tư hệ thống lò chưng lớn, đồng thời đăng ký thương hiệu và làm nhãn hiệu cho các sản phẩm sữa hữu cơ của mình để người tiêu dùng dễ nhận biết” - ông Lâm Quang Tín, người tiếp quản Trang trại sữa bò Năm Trí hiện tại chia sẻ.
Không chỉ giữ nguyên một phương pháp chưng sữa truyền thông, cách thức phân phối sữa đến tay người dùng của Trang trại Năm Trí cũng không có gì đổi khác. Thời kỳ cao điểm, Trang trại bò sữa Năm Trí có hàng trăm con, cùng với đó, trang trại nhận bao tiêu hàng ngàn lít sữa cho các hộ nuôi trong vùng mỗi ngày, thế nhưng ông Trí vẫn tự chưng từng mẻ sữa, đưa đến các điểm bán của trang trại.
“Những ngày đầu làm sữa, tôi bán không được phải đem đi biếu người già, trẻ nhỏ trong xóm. Về sau đưa đến chợ huyện bán. Khi người dùng biết đến sữa bò tươi và các sản phẩm làm từ sữa tươi của Trang trại Năm Trí là bánh flan, sữa chua…, tôi thuê ki-ốt làm điểm bán sữa. Tôi không bỏ mối các sản phẩm của mình cho các đại lý, các điểm bán lẻ vì sợ họ bán không hết để sữa lâu bị hư hoặc bảo quản không tốt làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa, người dùng không tin vào chất lượng của sữa bò Năm Trí nữa” - ông Trí chia sẻ.
Hiện Trang trại bò sữa Năm Trí có hơn 70 con bò đang trong thời kỳ vắt sữa, khoảng 30 con bò sữa hậu bị. Ông đã phát triển được 5 điểm bán sữa bò tươi Năm Trí trên địa bàn huyện, tạo việc làm cho khoảng 20 lao động với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, trang trại của ông cũng nhận bao tiêu sản phẩm cho 3 hộ nuôi bò sữa trong xã với số lượng hơn 30 con. Trung bình mỗi ngày cơ sở của ông tiêu thụ khoảng 600-700 lít sữa nguyên liệu chế biến ra sữa tươi tiệt trùng, sữa chua, bánh flan, kem ốc quế. Lợi nhuận từ trang trại, các điểm bán đạt khoảng 600 triệu đồng/năm.
Học tập cách làm của cha con ông Trí, hiện nay, một số hộ nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Long Thành cũng mở điểm bán sữa tươi và các sản phẩm từ sữa cho người dân địa phương và du khách. Sản phẩm sữa bò Long Thành là thức uống bổ dưỡng, được nhiều du khách qua đây mua về làm quà.
Hoàng Lộc