Sữa Việt Nam
Lập nghiệp thời công nghệ, lão nông thu 6 tỷ/năm từ nuôi bò
Những người gắn bó với nghề nuôi bò sữa như ông Lỏi ở thị trấn Nông trường Mộc Châu có thể coi là những nhân chứng "vẽ" lên lịch sử thăng trầm của nghề này.
Ông Lỏi bảo, cơ chế khoán mà Nông trường Mộc Châu áp dụng đã chính thức mở ra cơ hội cho nhiều người, trong đó có ông. Trách nhiệm được giao đến cho từng hộ, đàn bò sữa ở Mộc Châu lại trở nên mỡ màng, béo tốt. Cộng với việc nhà máy chế biến sữa ra đời, bài toán “sữa nguyên liệu” đã có lời giải, nghề nuôi bò sữa đất cao nguyên bước sang một trang mới, từ đây, nhiều triệu phú, tỷ phú chăn bò bắt đầu xuất hiện. Ông Lỏi là một trong số đó.
Cho đến thời điểm này, ông Nguyễn Thạch Lỏi được coi là một trong những nông hộ sở hữu đàn bò lớn nhất Nông trường Mộc Châu với khu chuồng trại chăn nuôi bò sữa rộng gần 2ha, tổng đàn bò của gia đình là gần 200 con, chia làm các khu: bò đang cho sữa, bò hậu bị, bê con... để dễ quản lý, chăm sóc. Chuồng trại được chia thành từng khu thẳng tắp, mỗi con bò đều được đánh số để dễ quản lý.
Khi băn khoăn trước việc quản lý một số lượng bò lớn như vậy, ông Lỏi cười vang: "Đã có máy tính làm giúp chúng tôi công việc đó, nông dân thị trấn Nông trường Mộc Châu đã áp dụng nhật ký điện tử quản lý đàn bò từ mấy năm nay. Theo đó, không cần phải nhớ, chỉ cần mở máy tính trong nhà lên gõ mã số của mỗi con bò sẽ ra hết thông tin. Còn nào sắp cho sữa, con nào sắp cạn sữa, con nào chuẩn bị đến kỳ sinh nở, tình hình sức khỏe của từng con bò... tất cả đều rất chi tiết và rõ ràng" - ông Lỏi chia sẻ. Ông Lỏi chỉ cần thuê đúng 8 công nhân.
Không chỉ sử dụng phần mềm quản lý, trang trại của ông Lỏi cũng đi tiên phong trong việc ứng dụng cơ khí hóa để giải phóng sức lao động của con người. Các loại máy móc nông nghiệp như: Máy cày, máy phay đất, máy băm thái, máy cắt cỏ... đều đã xuất hiện trong trang trại.
Nhưng điều ông Lỏi cảm thấy tự hào nhất về thành quả lao động của mình đó là dàn máy vắt sữa tự động trị giá tiền tỷ, hiện đại chẳng kém các nhà máy sữa lớn của Việt Nam. “Nếu có khác đôi chút chỉ là công suất nhỏ hơn chút xíu vì tôi chọn lựa loại phù hợp với mô hình trang trại của mình” - ông tự hào khoe.
Tương tự, trong việc xử lý phân bò, ông Lỏi cũng là một trong những người đầu tiên đầu tư dây chuyền xử lý hiện đại. Sở dĩ, ông quyết tâm làm việc này vì trước kia dọn phân bò xong, ông phải thuê xe chở ra đồng ủ khá tốn kém, gần 2 năm nay, nhờ có hai dây chuyền xử lý phân tự động mà ông còn thu thêm tiền, môi trường lại sạch sẽ.
Ông Lỏi vận hành dây chuyền xử lý chất thải tự động.
Hàng ngày, phân bò trong chuồng được dồn xuống hố, ông chỉ cần bật công tắc điện là máy hoạt động. Trong ít phút, máy đã xử lý chất thải của bò thành phân khô với độ ẩm chỉ khoảng 15%, nước được tách riêng để tiếp tục xử lý sạch trước khi đưa vào tưới cho đồng cỏ.
Hơn 30 năm gắn bó với con bò sữa trên thị trấn Nông trường Mộc Châu, ông Lỏi tự hào, con bò sữa đã giúp gia đình ông có cuộc sống ấm no. Gần chục năm trở lại đây, nhờ cơ giới hóa sản xuất, biết áp dụng tiến bộ khoa học vào chăn nuôi, do đó năng suất tăng lên, thu nhập của ông cũng khấm khá hơn.
Ông Lỏi tiết lộ, giá trị đàn bò và cơ sở vật chất mà ông sở hữu hiện lên tới 30 tỷ đồng. Lúc nào trang trại của ông cũng có khoảng 67 con bò cho sữa nên đều như vắt chanh, mỗi ngày ông thu 10 triệu đồng tiền lãi từ bán sữa bò, một tháng ông đút túi khoảng 300 triệu đồng.
Phân bò cũng vậy, trước đây một năm ông phải bỏ ra vài chục triệu để xử lý sao cho khỏi bị ô nhiễm, nay có dây chuyền xử lý tự động nên ông bán được phân khô với giá 2.500 đồng/kg, thu về khoảng 5 triệu đồng/ngày, một tháng thu 150 triệu. “Nhẩm tính cả tiền lãi bán sữa, bán phân bò cộng với tiền được công ty thưởng do sữa luôn đạt chất lượng tốt nhất thì trừ đi chi phí, mỗi năm tôi đút túi khoảng 6 tỷ đồng” - ông nói.
Đã bước sang tuổi 60 nhưng nhiệt huyết trong người nông dân này vẫn chưa bao giờ vơi cạn.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp