Sữa Việt Nam
Làm giàu từ chăn nuôi bò sữa qua đôi mắt của một triệu phú Thị trấn Nông trường
Anh Phạm Tiến Đạt sinh ra và lớn lên tại Thị trấn nông trường (Mộc Châu). Đi làm thuê xa quê với mức lương hơn chục triệu đồng/tháng tại một nhà hàng ở Sóc Sơn không đủ để làm thỏa mãn khao khát làm giàu, trong khi đó đất đai ở nhà có sẵn lại chưa được khai thác triệt để, suy nghĩ ấy khiến chàng trai sinh năm 1988 quyết tâm trở về quê hương Mộc Châu.
Năm 2014, anh tiếp quản trang trại bò sữa với số vốn ban đầu là 5 tỷ đồng, 47 con bò. Sau hơn 2 năm kiên trì chăm sóc, đàn bò ngày một phát triển và hiện trang trại đem lại cho anh Đạt 13 tấn sữa mỗi tháng, thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm.
Anh Phạm Tiến Đạt làm giàu từ chăn nuôi bò sữa
Không chỉ là ông chủ của một trang trại bò sữa, trước đó, năm 2010, anh Đạt theo học bác sỹ thú y (chuyên về bò) và sau gần 3 năm, anh bắt đầu tham gia chữa trị vật nuôi. Hiện anh Đạt được gia quản lý khoảng 1000 con bò tại công ty sữa Mộc Châu với công việc chữa bệnh cho bò bê, khuyến nông cho bà con những vấn đề về dinh dưỡng, vệ sinh, chăn nuôi thú y.
Đối với anh Phạm Tiến Đạt, chữa bệnh cho vật nuôi không chỉ là một cái nghề. Anh vui vẻ kể lại: Vợ anh trước không thích con bò đâu, "nhưng sau 1 vài tháng là cũng thấy yêu quý con bò phết".
"Thú vị lắm! Có những ca bệnh nhìn con bò tưởng như sắp chết. Thực ra trong chuyên môn thì cũng không có gì khó cả nhưng điều trị được cho con bò khỏe lại là bà con mừng rỡ rối rít, mình cũng cảm thấy rất vui. Tôi từng làm rất nhiều nghề, nhưng có lẽ bác sỹ thú y là nghề tôi cảm thấy gắn bó nhất.."
"Chữa cho con bò sống, khỏe là chuyện bình thường. Nhưng có khi chẩn đoán được bệnh mà không chữa được cho con bò, đó là những lúc khiến tôi nghĩ và nhớ nhất", anh Đạt nói.
Trao đổi thêm về kinh nghiệm chăm sóc bò sữa, ông chủ sinh năm 1988 cho biết: Chăn nuôi bò chủ yếu chính là cần phòng chống dịch bệnh. 1 năm nên tiêm phòng 4 lần, chú ý các thời điểm chuyển giao mùa và thường xuyên phải vệ sinh trang trại sạch sẽ để trách các mầm mống dịch bệnh. Mùa rét, bò bê dễ mắc bệnh viêm phổi, cần che chắn hướng gió, ủ ấm rơm rạ cho bò.
Quan sát triệu chúng như bỏ ăn, bò lờ đờ thì cần gọi ngay cho bác sỹ thú y. Sữa là nguồn thu nhập chính, nếu khâu vắt sữa không được tiệt trùng cẩn thận sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa.
Nếu làm tốt khâu dinh dưỡng thì con bò đã tránh được 70% bệnh. Ở Thị trấn Nông trường (Mộc Châu), bò thường sử dụng khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh TMR đã bao gồm toàn bộ dinh dưỡng. Một ngày có thể cho ăn từ 3-4 bữa tùy vào điều kiện mỗi trang trại. Nếu chia được ra càng nhiều bữa nhỏ càng tốt. Nên chia làm 4 bữa: 6h - 10h - 18h - 22h.
Theo anh Đạt, nuôi bò sữa nhìn có vẻ đơn giản nhưng thật ra khá phức tạp. Trước kia nuôi bò theo kiểu xóa đói giảm nghèo, nhưng hiện nay nuôi bò đòi hỏi công nghệ cao, cần đầu tư một khoản khá lớn. Chưa tính tiền đất, xây dựng chuồng trại trang thiết bị trung bình hết khoảng 4 tỷ đồng. Không có vốn mà muốn theo nghề rất khó.
Trao đổi về câu chuyện "Thị trấn nông trường 600 tỷ phú", anh Đạt trầm trồ: "Xét về tài sản thì đúng là tiền tỷ thật, vì vật tư thiết bị và đàn bò tính ra toàn tiền tỷ. Nhưng nếu xét về thu nhập thì 600 chỉ được 200 hộ là thu nhập tiền tỷ thôi, khoảng 20% nông hộ thu nhập vẫn chỉ đủ ăn, đủ trang trải cuộc sống. Ở đây nhiều trang trại người ta trả giá cao còn chưa dám bán, vì hiện tại một trang trại đó nuôi sống cả gia đình, nuôi các con ăn học, mà công việc cũng không quá vất vả. Làm giàu là cả một quá trình chứ không phải một chốc một lát là có cơ ngơi được.."
"Ngày xưa sữa rẻ lắm, nghìn mấy một cân thôi làm còn không đủ ăn. Từ năm 2010, giá sữa bắt đầu ổn định, bà con thu nhập cao, cuộc sống cũng ổn định hơn."
"Bảo nuôi bò thành tỷ phú ai cũng nghĩ đơn giản đi nuôi bò hết, cung nhiều mà cầu không có bán cho ai? Giả dụ, một con bò mỗi ngày ăn hết 100 nghìn đồng, 50 con bò mỗi tháng ăn hết 150 triệu đồng tiền thức ăn, trong khi đó sữa không bán được thì chẳng mấy mà phá sản. Theo tôi để đầu tư làm trang trại bò đã khó, nhưng nuôi và gắn bó với con bò được là còn khó hơn", anh Đạt nói.
Hoàng Linh