Sữa Việt Nam

Lâm Đồng: Từ mô hình trồng cỏ Alfalfa và Stylo ở Đơn Dương

Từ đặc thù về khí hậu của tỉnh Lâm Đồng như nhiệt độ trung bình từ 18 – 25oC, lượng mưa trung bình từ 1.750 – 3.150 mm/năm là những cơ sở bước đầu đáp ứng cho việc trồng khảo nghiệm 2 giống cỏ Alfalfa và Stylo trên địa bàn.

 Bổ sung dinh dưỡng trong thức ăn cho bò sữa

 

Cùng với việc trồng các giống cỏ có năng suất cao, đã được trồng phổ biến tại Lâm Đồng như VA-06, cỏ Voi, cỏ Sả, Hướng Dương, kể cả trồng bắp thu hoạch non… thì việc nghiên cứu, trồng khảo nghiệm và xây dựng mô hình thâm canh để giới thiệu các giống cỏ họ đậu có chất lượng tốt, giàu đạm như Alfalfa, Stylo làm thức ăn cho bò sữa là một việc làm rất cần thiết, nhằm góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm sữa thu hoạch.

 

Cỏ Alfalfa (Lucerne) cùng cây họ đậu lâu năm, được mệnh danh là “nữ hoàng của thức ăn chăn nuôi”, được phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới của các nước như: Mỹ, Canada, Ý, Pháp, Trung Quốc, Nga, Argentina, Chile, Nam Phi, Úc và New Zealand… Cây có thân chính mọc thẳng và dễ hóa gỗ, cao từ 30 – 90 cm. Trồng bằng hạt 18 – 22 kg/ha, bằng cành 5 – 6 tấn/ha. Thời gian thu hoạch khoảng 90 – 100 ngày khi gieo. Khả năng tái sinh sau 28 – 30 ngày. Năng suất 20 tấn/ha/lần cắt. Chất lượng dinh dưỡng cỏ Alfalfa gồm các chất Ancaloid- enzim, giúp bò sữa tiết sữa dồi dào và đạt chất lượng tốt hơn so với các loại cỏ khác.Cỏ Stylo (Stylosanthes guianensis) là cây họ đậu phân bố chủ yếu ở miền Trung và Nam Mỹ, gồm khoảng 25 loài, sinh trưởng khoảng 3 năm. Thân cây bụi cao tới 1 m, mọc thẳng đứng hoặc xiên ngang, có giá trị dinh dưỡng protein thô từ 12 – 20%, tỉ lệ tiêu hóa chất khô từ 52 – 60%…. Cỏ Stylo trồng bằng hạt 6 – 8 kg/ha, bằng cành 3 – 4 tấn/ha. Năng suất 30 – 40 tấn/ha, thu cắt 4 – 6 lứa/năm.

 

Giảm đáng kể chi phí đầu tư chăn nuôi bò sữa

 

Năm 2014, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã giao cho Ban Quản lý Khu Công nghệ sinh học và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt thực hiện đề tài “Khảo nghiệm giống cỏ Alfalfa và Stylo và xây dựng mô hình thâm canh phục vụ chăn nuôi bò sữa tại tỉnh Lâm Đồng”. Đầu tiên, trồng khảo nghiệm giống cỏ Alfalfa trên địa bàn xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, gồm 1 mô hình 1.000 m² tại Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt (DalatMilk) và 2 mô hình của nông hộ, mỗi mô hình 500 m2. Thời gian tiến hành trồng khảo nghiệm từ tháng 6/2014 – 6/2015, trong đó có dựa trên công thức bón phân vô cơ của Viện Chăn nuôi Việt Nam, tiến hành tại Đức Trọng và Bảo Lộc trong giai đoạn từ năm 2007 – 2009. Cụ thể, trên diện tích 1 ha, bón phân gồm các liều lượng: 196 kg urê; 600 kg super lân; 300 kg kali đỏ, bổ sung 20 tấn phân chuồng, 500 kg vôi…

 

Với mô hình thâm canh cỏ Stylo, từ tháng 3/2015 đến tháng 3/2016, Ban Quản lý Khu Công nghệ sinh học và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt thực hiện 4 mô hình, tổng diện tích 2.000 m2 nằm trên địa bàn thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương. Công thức phân bón áp dụng mỗi năm trên 1 ha gồm: 20 tấn phân hữu cơ hoai mục; 700 – 750 kg supe lân; 200 – 250 kg kali clorua; 70 kg phân đạm urê thời kỳ cây con…

 

Đến nay, qua phân tích cho thấy: nhờ sử dụng cây giống tốt, sạch bệnh, sản xuất theo quy trình tiên tiến, nên các mô hình khảo nghiệm, thâm canh cỏ Alfalfa và cỏ Stylo đạt năng suất cao và chất lượng đồng đều. Hạch toán trên diện tích 1.000 m2 tại Đơn Dương với chi phí mỗi năm hơn 6,2 triệu đồng, sản xuất và thu hoạch gần 3 tấn cỏ Alfalfa. Trong khi với sản lượng này nhập khẩu từ nước ngoài về phải tốn hơn 35,7 triệu đồng. Tương tự với mô hình diện tích 1.000 m2 thâm canh cỏ Stylo mỗi năm, đầu tư sản xuất hơn 6,4 triệu đồng, thu hoạch hơn 2,5 tấn cỏ. Nếu nhập 2,5 tấn cỏ Stylo từ nước ngoài phải mất chi phí gần 30,8 triệu đồng.

 

Từ kết quả đạt được, Ban Quản lý Khu Công nghệ sinh học và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt đã tổ chức 1 cuộc hội thảo đầu bờ giới thiệu mô hình trồng cỏ Stylo và Alfalfa tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, thu hút 125 nông hộ tham dự. Đồng thời, hướng dẫn bà con nông dân đi tham quan các mô hình chăn nuôi đạt lợi nhuận vượt trội thông qua quy trình sản xuất, sử dụng cỏ Alfalfa và cỏ Stylo trong khẩu phần thức ăn cho bò sữa.

 

Ban Quản lý Khu Công nghệ sinh học và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt rút ra một số kết luận: Trên nền đất khu vực huyện Đơn Dương có độ pH 5,7, được bổ sung 500 kg vôi bột/ha, thì cây cỏ Alfalfa và cỏ Stylo thu hoạch đạt các chỉ tiêu về sản lượng và chất lượng. Khả năng tái sinh của giống cỏ Alfalfa ở các lứa thứ 1, 2, 3, 4 khá tốt, sau 30 – 35 ngày với chiều cao gần 70 cm; giống cỏ Stylo ở các lứa 1, 2, 3 cũng phát triển đạt yêu cầu, sau 60 ngày chiều cao của cây tăng lên gần 69 cm. Cả 2 giống cỏ họ đậu này canh tác trên đất Đơn Dương, bước đầu đạt hàm lượng protein thô từ 20% đến 21,6%, giúp cho bò sữa bổ sung giá trị dinh dưỡng cao hơn trong khẩu phần ăn thông thường hàng ngày.

 

Với kết quả khả quan như vậy, thiết nghĩ, yêu cầu đặt ra hiện nay ở các vùng chăn nuôi bò sữa tập trung trong tỉnh Lâm Đồng là cần nhân rộng ngày càng nhiều mô hình trồng cỏ Alfalfa và cỏ Stylo phù hợp trong từng điều kiện canh tác khác nhau, nhằm tiếp tục giảm chi phí đầu tư, tăng cao hơn nữa thu nhập cho kinh tế nông hộ.

Nguồn: tintaynguyen.com
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác