Sữa Việt Nam
Lâm Đồng- Đơn Dương: Chặng đường 10 năm đào tạo nghề lao động nông thôn
Gắn với giải quyết việc làm tại địa phương, nhiều năm qua, huyện Đơn Dương đã chú trọng hơn trong khâu đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn.
Ưu tiên dạy nghề nông nghiệp
Với diện tích đất sản xuất là 20.362 ha, hầu hết dân số tại huyện Đơn Dương sống bằng nghề nông nghiệp. Tuy là huyện có nguồn nhân lực dồi dào, nhưng tập trung chủ yếu ở các xã vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khá cao nên lực lượng lao động trình độ thấp, qua đào tạo dưới 32%. Trước thực trạng đó, huyện đã cùng phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội mở các lớp đào tạo dạy nghề.
Để thực nhiệm vụ phát triển kinh tế, chuyển đổi nông nghiệp, các đơn vị đã thực hiện thí điểm nhân rộng mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn với 10 lớp đào tạo nghề tại Trung tâm GDNN - GDTX gồm: May công nghiệp, chăn nuôi, trồng rau công nghệ cao, sửa chữa máy kéo công suất nhỏ, sửa xe máy, móc len, điện dân dụng, xây ốp lát gạch đá và nghề hàn.
Trong đó đã tạo ra và nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả như chăn nuôi bò sữa, trồng và chăm sóc rau công nghệ cao theo hướng VietGap. Đặc biệt, mô hình trồng rau công nghệ cao đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân và phù hợp với điều kiện, khí hậu tại địa phương.
Tại xã Đạ Ròn, mô hình chăn nuôi hơn 200 con bò sữa được 25 học viện sau khi hoàn thành chương trình học thành lập. Trên nền tảng đã qua lớp đào tạo, người dân bắt đầu biết áp dụng vào thực tiễn, có kinh nghiệm và chăm sóc, tăng mức thu nhập 100 triệu đồng/hộ/năm.
Ông Ka Úk (54 tuổi, tại thôn D’ròn) - hội viên nuôi bò tại Đạ Ròn chia sẻ: “Trước đây ông chăn nuôi bò thịt nên giá trị kinh tế thấp, chất lượng thịt cũng không cao. Qua lớp học, tôi bắt đầu tiếp thu được nhiều điều, và nhận ra cần thay đổi như thế nào để nuôi bò sữa đạt chất lượng tốt hơn. Cùng với đó, vận động một số hộ dân để cùng thành lập nhóm nuôi bò sữa tại địa phương từ bò thịt giá trị kinh tế thấp sang nuôi bò sữa kinh tế cao cho người nông dân”.
Giải quyết việc làm ổn định cho gần 2.000 học viên
Ông Đặng Ngọc Tân - Phó Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đơn Dương cho biết: “Giai đoạn đầu khi mở lớp học thì chẳng có bà con nào đăng ký tham gia học vì mọi người chưa hiểu được hiệu quả mà lớp học mang lại. Tuy nhiên, để kéo được bà con đến lớp học không phải là điều dễ dàng mà phải có cán bộ đến tận nơi giải thích cụ thể, thậm chí là dẫn họ đến tận mô hình mà các gia đình đã làm quan sát để thấy hiệu quả kinh tế mang lại nhờ theo tập huấn tại các lớp học. Từ cách làm kiên trì như vậy nên những lớp học sau này bà con đến đông hơn, có khóa học lên đến hàng trăm người”.
Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, sau gần 10 năm (2010 - 2020) triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện, Đơn Dương đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho 2.390 lao động nông thôn, với tổng kinh phí tổ chức đào tạo cho lao động gần 4 tỷ đồng và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị dạy học trên 22 tỷ đồng.
Theo đó, giai đoạn 2010 - 2015, toàn huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho 1.955 lao động nông thôn, trong đó, ngành nghề nông nghiệp 1.464 học viên, phi nông nghiệp 4.912 học viên, trình độ sơ cấp nghề, học viên là những lao động thuộc hộ có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế được đào tạo nghề có việc làm sau khi đào tạo là 1.564 học viên. Giai đoạn 2016 - 2020, đã có 435 học viên tham gia. Theo đó, nghề nông nghiệp là 283 học viên, nghề phi nông nghiệp 152 học viên; trong đó có 204 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề là nữ và 220 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề là người dân tộc thiểu số.
Đối với năm 2010, tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề chỉ chiếm 32% và tăng lên 41,2% vào năm 2019. Đến nay, đề án đã đào tạo 2.390 học viên và giải quyết việc làm ổn định sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề cho 1.860 lượt lao động.
Ông Đặng Ngọc Tân cho biết thêm: Bên cạnh những thành công, công tác dạy nghề cũng đối diện với nhiều những khó khăn. Lý do là bởi, phần lớn người dân tộc thiểu số là nghèo với cận nghèo cho nên việc sắp xếp, bố trí thời gian dạy các lớp dạy nghề cho người dân nông thôn nói chung, người K’Ho nói riêng mình phải linh hoạt, tổ chức ngoài giờ.
“Để thực hiện tốt, trong giai đoạn tới, các đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện và tăng cường sâu rộng hơn về đào tạo nghề nông thôn để bà con được tham gia tích cực. Riêng đối với nguồn nhân lực sẽ hỗ trợ đào tạo cho đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách với nguồn kinh phí riêng cho gần 1.000 học viên. Bên cạnh đó, hỗ trợ đào tạo cho lao động nông thôn sẽ gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa phương” - ông Tân nhận định.
THÂN THU HIỀN