Sữa Việt Nam

Hội đủ động lực phát triển bò sữa trên cao nguyên Di Linh

So với các địa phương khác, chăn nuôi bò sữa ở huyện Di Linh xuất hiện muộn hơn trên “bản đồ” bò sữa ở vùng đất Nam Tây Nguyên. Và với việc có trạm thu mua sữa với công suất thu mua 20 tấn/ngày đặt trên địa bàn sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển đàn bò sữa mà huyện Di Linh đã vạch ra.

 Người đi tiên phong

 

Ông Lê Quốc Hải, Chủ tịch Hội Nông dân Đinh Lạc và cũng là Tổ trưởng Tổ hợp tác Chăn nuôi bò sữa Đinh Lạc cho biết: Ông được UBND huyện cho đi tham quan các mô hình phát triển kinh tế, đặc biệt mô hình nuôi bò sữa ở Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh), Bình Dương, Sóc Trăng và các địa phương trong tỉnh. Qua đó, nhận thấy có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả từ nuôi bò sữa và ông đã tiên phong là người đầu tiên đưa bò sữa về xã chăn nuôi. Ông Hải chia sẻ, tôi quyết định về phá bỏ cà phê đang cho thu hoạch để trồng cỏ, vay tiền ngân hàng đầu tư chuồng trại, bỏ thời gian đến các trang trại nuôi bò sữa để học cách làm, sau đó, tôi mua 10 con bò về nuôi. Nhờ có bước chuẩn bị khá kỹ càng nên đàn bò của ông Hải mua phát triển tốt. “Mỗi năm bò cho sữa và đẻ, bò đực thì tôi bán còn bò cái giữ lại nuôi, đến nay, tổng đàn đã nâng lên 21 con và dự kiến cuối năm sẽ lên 30 con trong đó có 12 con cho sữa với sản lượng bình quân 20 kg/ngày/con. Trừ các chi phí, tôi lãi ròng 50 triệu đồng/ tháng nên đã hoàn vốn và còn dư để đầu tư mở rộng trang trại” - ông Hải cho hay. 

 

Từ hộ ông Hải nuôi bò sữa hiệu quả, mang lại thu nhập cao hơn cà phê, nhiều hộ dân trong xã cũng bắt đầu mạnh dạn đầu tư nuôi bò sữa. Ông Đặng Công Định (thôn Tân Lạc 2, Đinh Lạc) có đàn bò sữa nhiều nhất xã với 30 con, trong đó 18 con cho sữa chia sẻ, việc chăn nuôi bò sữa cần phải có sự liên kết nên ông đã tham gia vào Tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa Đinh Lạc do ông Hải đứng ra thành lập để được trao đổi kỹ thuật, ký hợp đồng bán sữa tươi cho Trạm Thu mua của Công ty Vinamilk ở Bảo Lộc. Đặc biệt, không chỉ người dân trong xã mà nhiều hộ dân của các xã khác của huyện cũng đăng ký tham gia Tổ hợp tác và cho đến nay đã có 22 hộ xã viên với 150 con bò sữa. Ông Hải cho biết, ông đang làm hồ sơ để xin chuyển tổ hợp tác thành hợp tác xã để hoạt động chăn nuôi bò sữa ngày càng phát triển hơn.

 

Đầu ra ổn định, phát triển bền vững

 

Di Linh có tiềm năng về đất đai, khí hậu phù hợp để phát triển bò sữa nên là một trong 6 huyện, thành phố được quy hoạch phát triển bò sữa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh. 

 

Ông Trần Đình Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết, mặc dù Di Linh phát triển chăn nuôi bò sữa từ năm 2001, những do khó khăn về kinh nghiệm trong phát triển chăn nuôi bò sữa, thiếu lực lượng cán bộ kỹ thuật, thiếu nguồn con giống tốt, đặc biệt là đầu ra, không có điểm thu mua trên địa bàn khiến người dân chưa mạnh dạn đầu tư chăn nuôi. Đây là nút thắt làm chậm quá trình phát triển chăn nuôi bò sữa của Di Linh. Nắm được nguyên nhân cốt lõi, trong 2 năm gần đây, Huyện ủy, UBND huyện và các phòng chức năng của huyện đã tập trung, nỗ lực tìm kiếm đối tác có năng lực ổn định trong hoạt động thu mua để giải quyết những khó khăn của huyện. Chính vì vậy, việc Vinamilk đặt trạm thu mua sữa ở xã Đinh Lạc sẽ giải quyết được tất cả những bài toán khó mà huyện gặp phải. Hiện nay, trên địa bàn huyện Di Linh có khoảng 300 con bò sữa của 70 hộ chăn nuôi. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2017, huyện Di Linh sẽ phát triển bò sữa lên 500 con và đến năm 2020 phát triển 1.952 con bò sữa, trong đó, bò vắt sữa 975 con và sản lượng sữa đạt 5.352 tấn/năm. Đây là mục tiêu thể hiện quyết tâm rất lớn của các cấp chính quyền và nông dân Di Linh.

 

Ông Nguyễn Đắc Cường, Giám đốc Vinamilk Đà Lạt cho biết, Trạm thu mua sữa của công ty đặt ở Di Linh sẽ mở ra hướng chăn nuôi bền vững cho người dân, góp phần giúp đỡ Di Linh trong việc đẩy nhanh phát triển chăn nuôi bò sữa... Với công suất thu mua 20 tấn/ngày, đảm bảo thu mua cho hơn 1.000 bò vắt sữa/ngày. Ngoài chức năng thu mua sữa, bên trong trạm còn có địa điểm để Công ty tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò sữa cho bà con nông dân, giới thiệu các vật tư, thiết bị chuyên dùng trong ngành bò sữa. Trạm còn có khu vực trữ và cung cấp thức ăn tinh, thô. Chúng tôi hy vọng, khi Trạm thu mua hoạt động sẽ góp phần đẩy nhanh sự phát triển ngành chăn nuôi bò sữa tại Di Linh.

 

HOÀNG YÊN

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác