Sữa Việt Nam
Hai đàn bò, một hướng công nghệ cao
Bò Zêbu và HF chiếm 60- 90%
Năm 2016, tổng đàn bò thịt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt gần 72.360 con, sản lượng 6.120 tấn, trong đó tỷ lệ bò thịt cao sản lai Zêbu chiếm 60%, cá biệt có địa phương chiếm đến hơn 80%. Những năm gần đây, trên địa bàn Lâm Đồng đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp chăn nuôi bò thịt theo quy mô công nghiệp, tổng đàn trên 3.000con. Điển hình như Công ty TNHH Mai Tiến (Đức Trọng) với hơn 300 con bò thịt lai Sind, lai Brahman; Công ty cổ phần Kobe Việt Nam (Bảo Lâm) có 110 con bò lai Kobe; Công ty TNHH Mỹ Thành (Bảo Lâm) đang chăm sóc 45 con bò thịt Brahman thuần; Trung tâm Đào tạo và Giải quyết việc làm số 2 (xã Tân Thanh, Lâm Hà) có 210 con bò thịt Brahman, Redsindhi giống thuần và giống lai…
Ngoài ra, có rất nhiều hộ gia đình chăn nuôi bò thịt đạt hiệu quả cao như hộ ông Lê Văn Oai (Thạnh Mỹ, Đơn Dương), Võ Huy Tuấn ( Lạc Xuân, Đơn Dương), mỗi hộ nuôi 80- 100 con bò thịt cao sản Brahman, Red Angus, Droughmaster. Hộ ông Trần Việt Duy, Võ Thành Phụng ở Đức Trọng nuôi từ 50- 70 con bò thịt cao sản, bò cái sinh sản giống thuần Brahman, Red Angus…
Tổng đàn bò sữa đến cuối năm 2016 của Lâm Đồng đạt hơn 19.200con, tập trung ở các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm và TP.Bảo Lộc. Trong đó, 90% là đàn bò sữa HF thuần chủng, năng suất sữa bình quân đạt 18- 20 lít/con/ngày. Ước tính có gần 1.600 hộ gia đình chăn nuôi bò sữa với phần lớn quy mô đàn từ 10- 15 con/hộ; quy mô đàn dưới 5 con/hộ đang giảm dần.
Bên cạnh đó, Lâm Đồng có 5 doanh nghiệp đã và đang mở rộng quy mô chăn nuôi bò sữa theo quy trình khép kín theo chuỗi giá trị, liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ ổn định sản phẩm sữa tươi như Công ty Vinamilk, Công ty TNHH Agrivina, Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt, Công ty TNHH bò sữa Lâm Đồng và Công ty TNHH bò Kobe Việt Nam.
Công nghệ cao từ khâu lai tạo giống
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng: “Nghề chăn nuôi bò sữa Lâm Đồng đang chuyển hướng theo quy mô tập trung gắn với đầu tư đồng bộ hệ thống thiết bị, nâng cấp, cải tiến chuồng trại, cơ giới hóa và từng bước thay đổi phương thức chăm sóc, nuôi dưỡng. Nhiều trang trại đã tự động hóa hoàn toàn các khâu trồng cỏ, tưới tiêu, thu hoạch, vắt sữa… Việc theo dõi, quản lý sức khỏe bò sữa hàng ngày qua hệ thống vi tính, gắn chip điện tử. Hệ thống phun sương, quạt làm mát tự động, góp phần làm trong lành môi trường chuồng nuôi; phương pháp phối trộn thức ăn tổng hợp đảm bảo dinh dưỡng cho bò sữa sinh sản và thu hoạch lượng sữa đạt chất lượng.
Quy trình chăn nuôi đàn bò thịt khép kín cũng đang được doanh nghiệp và người chăn nuôi chú trọng triển khai từ khâu sản xuất thức ăn đến khâu chăm sóc và xuất bán, đặc biệt, có doanh nghiệp xây dựng hệ thống giết mổ gia súc tại chỗ theo công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm thịt tuyệt đối an toàn cung cấp cho người tiêu dùng.
Mục tiêu đến năm 2020, Lâm Đồng phấn đấu đạt tổng đàn bò sữa 40.000 – 50.000 con, bò thịt 100.000 con. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh xác định giải pháp trọng tâm là áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo bò cao sản Red Angus, Droughmaster và BBB với đàn bò cái lai Zêbu tạo bê lai hướng thịt chất lượng cao; tiếp tục tăng cường các biện pháp khoa học kỹ thuật từ khâu tuyển chọn nhập khẩu và lai tạo phối giống đạt chất lượng để nhân đàn. Khuyến khích mở rộng hợp tác chăn nuôi theo các mô hình nhóm nông hộ, câu lạc bộ, tổ hợp tác, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, thông tin thị trường, tạo đầu mối liên kết với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
Văn Việt