Sữa Việt Nam

Doanh nghiệp “bỏ chạy”... ai dám nuôi bò sữa?

Thời gian qua, trong khi người chăn nuôi bò sữa ở khu vực phía Nam phải nhờ đến Bộ NNPTNT, “cầu cứu” doanh nghiệp thu mua. Thì nay tại huyện Ba Vì (Hà Nội), suốt 4 năm qua, hàng trăm hộ dân đã phải đối mặt với thực trạng buồn, khi bị chính doanh nghiệp là Công ty CP thực phẩm ANCO (Công ty ANCO), đơn vị thu mua sữa “quỵt” tiền.

 Điều đáng nói, sau thời gian nợ tiền của người dân, cùng với những cam kết trả nợ với sự chứng kiến của chính quyền địa phương, doanh nghiệp trên đã “mất tích” một cách khó hiểu.

Người dân lao đao vì doanh nghiệp bỏ trốn

Từng có cuộc ra mắt rất rầm rộ, thậm chí “chơi trội”, khi mua hẳn một nhà máy sữa của thương hiệu nổi tiếng thế giới là Nestle, thế nhưng, sau một thời gian hoạt động, Công ty ANCO, có trụ sở tại xã Vân Hòa, Ba Vì (Hà Nội) đã không thanh toán tiền thu mua sữa cho người dân tại 9 xã trên địa bàn huyện Ba Vì (bao gồm các xã Phú Trâu, Tiên Phong, Vân Hòa, Tòng Bạt, Phong Vân, Cổ Đô, Phú Cường, Vạn Thắng), với số tiền gần 1,4 tỉ đồng.

doanh nghiep bo chay ai dam nuoi bo sua
Đại diện những người nông dân trình bày sự bức xúc về DN “quỵt tiền”.

Đại diện cho 9 trạm đứng ra thu mua sữa tại các xã trên, ông Trần Văn Bàng (xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì) cho biết, trong hợp đồng kinh tế giữa Công ty ANCO với các hộ dân, thì phía doanh nghiệp phải thanh toán tiền 2 lần một tháng cho người dân nhưng tính đến nay, đã 4 năm kể từ ngày làm biên bản xác nhận nợ, người dân chưa nhận được bất kỳ một khoản tiền nào.

Được biết, ngày 15.10.2011 tại nhà máy sữa Công ty ANCO, đại diện là giám đốc Nguyễn Đức Hiệp đã hứa với người dân sẽ trả hết tiền sữa của kỳ 1 vào ngày 31.10.2011, ngày 30.11.2011 sẽ trả hết tiền tháng 8 và tháng 9; hết tháng 12 sẽ thanh toán nốt số tiền nợ tháng 10.

“Nhận định về sự việc trên, Luật sư Đào Liên, (Cty TNHH Luật Tiên Phong) phân tích, với các hợp đồng kinh tế dạng như của Cty ANCO, sau khi xảy ra sự việc một thời gian ngắn, người nông dân nên kiện ngay ra tòa mới có biện pháp kịp thời “đóng” tài sản của công ty, để đảm bảo việc trả tiền cho người nông dân. Còn, thời điểm này, sau 4 năm xảy ra sự việc, có thể khối tài sản của công ty đã được… giải cứu, vì thế, rất khó để lấy lại tiền. Tuy nhiên, người dân cũng có thể kiện ra tòa để buộc người đại diện Cty ANCO phải có trách nhiệm chi trả, nếu không sẽ bị xử lý theo luật định”. Từ câu chuyện DN “quỵt” tiền: câu hỏi đặt ra ai còn dám nuôi bò sữa!

Nội dung này được ghi trong biên bản cuộc họp, có chữ ký và con dấu của Công ty ANCO. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian đã hứa vài tháng, người dân liên tục gọi điện cho giám đốc công ty để đòi khoản nợ thì được trả lời: “Công ty đang khó khăn, khi nào bán được nhà máy sẽ trả nợ”(?).

Không bằng lòng với câu trả lời từ vị đại diện Công ty ANCO, người dân đã gửi đơn đến UBND huyện cầu cứu. Tại trụ sở UBND huyện, Công ty ANCO đã làm biên bản xác nhận nợ với từng trạm thu mua, theo đó, tính từ tháng 8-10.2011 công ty còn nợ của 9 trạm thu mua sữa ở Ba Vì tổng số tiền gần 1,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, ông Hiệp cùng Công ty ANCO biến mất.

“Khi liên hệ với ông Hiệp không được, chúng tôi đã làm đơn cầu cứu khắp các cơ quan ban ngành của tỉnh, nhưng đều không nhận được sự hỗ trợ. Trong khi đó, doanh nghiệp thì biến mất, người chăn nuôi bò sữa chùng tôi lao đao vì nợ nần.

Chúng tôi cũng đã đưa đơn ra tòa án, nhưng tòa án Ba Vì không thụ lý, sau khi có tác động từ tòa án TP.Hà Nội, tòa án Ba Vì đã tiếp nhận đơn, nhưng lại yêu cầu người dân đóng 10% phí, trong tổng số gần 1,4 tỉ đồng. Thử hỏi, chúng tôi đã lâm vào cảnh nợ nần, thì lấy đâu ra tiền nộp phí cho tòa án? ”- ông Bàng nói.

Nông dân không dám nuôi bò!

Sau khi nhận được đơn của người dân tại huyện Ba Vì, chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu từ nhiều nguồn và được biết, vào năm 2007 Công ty CP  ANCO, một tập đoàn thực phẩm và đồ uống của Việt Nam, bất ngờ công bố mua lại nhà máy sữa của Nestlé tại Ba Vì (Hà Tây cũ).

Theo đánh giá tại thời điểm đó, bà Nguyễn Hồng Mai - Phó TGĐ ANCO - cho biết, việc mua lại Nestlé là động thái đầu tiên, nhưng nằm trong kế hoạch kinh doanh dài hạn mà ANCO đã định sẵn từ ngày đầu thành lập. Quyết định này sẽ tạo đà nhảy vọt cho ANCO chiếm lĩnh những thị phần quan trọng của ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống trong nước.

Như vậy ANCO, được thừa hưởng thương hiệu cho hai sản phẩm của Nestlé là sữa tươi thanh trùng và sữa chua ăn liền trong vòng một năm, được sản xuất hoàn toàn trên dây chuyền công nghệ của Nestlé. Lúc đó, Nestlé vẫn duy trì bộ máy quản lý cho ANCO trong giai đoạn quá độ và cam kết, giúp đỡ ANCO đảm bảo tuyệt đối chất lượng sản phẩm, cũng như duy trì hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm đã từng xây dựng trước đó…

Thế nhưng, chưa đầy 5 năm ra mắt, tất cả sự kỳ vọng này đã gần biến mất. Nestle mất đi, trong khi sản phẩm sữa chưa được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích thì lần lượt công ty con là Công ty CP thực phẩm ANCO, tuyên bố ngừng hoạt động từ 28.10.2014 và Công ty mẹ ngay sau đó cũng ngừng hoạt động từ 20.4.2015.

Trước sự biến mất khó hiểu của ANCO, cùng một khoản nợ lớn để lại cho người dân tại Ba Vì, phóng viên Báo LĐTĐ đã liên hệ với ông Hứa Bá Trình - cán bộ phòng Kinh tế huyện Ba Vì - và được ông cho biết, trước đây các hộ dân bán sữa cho một số công ty khác nhưng Công ty ANCO nhảy vào thu mua với giá cao hơn nên các hộ dân quay sang bán cho Công ty ANCO nhưng chưa được bao lâu thì phá sản, đóng cửa nhà máy.

Bà con nông dân sau khi không đòi được nợ cũng gửi đơn lên huyện nhờ giải quyết. Huyện đã mời công ty, mời các hộ dân đến họp.

Để hiểu rõ hơn về tình trạng hoạt động của Cty ANCO, phóng viên cũng đã liên hệ đến Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và được ông Từ Danh Trung – Trưởng phòng Đăng kiểm kinh doanh số 3 cho biết, trên hệ thống hiện tại Cty ANCO vẫn còn trong tình trạng hoạt động, và trong thời gian hoạt động từ năm 2006 đến nay, Cty ANCO đã có 8 lần thay đổi loại hình kinh doanh và lần thay đổi gần nhất là vào ngày 15.5.2011.

Lý giải về việc tạm ngưng hoạt động của Cty ANCO vào ngày 28.10.2014, theo ông Trung, thì đúng là Cty ANCO đã xin phép ngừng hoạt động một năm, tuy nhiên, theo luật, nếu sau một năm công ty không xin phép gia hạn tạm ngừng, thì hệ thống sẽ tự mở hoạt động cho doanh nghiệp.

Đạt Đỗ

Nguồn: laodongthudo.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác