Sữa Việt Nam
Đề xuất thành lập Ban chỉ đạo sữa quốc gia
Tại hội nghị về phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ được tổ chức vào sáng 15-5 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, dịch tả heo châu Phi là một họa khôn lường đối với ngành chăn nuôi, gây hậu quả lớn về mặt kinh tế.
"Dự báo thời gian tới dịch sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp và lây lan mạnh. Vì vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị về chăn nuôi đại gia súc vừa để giải quyết bài toán cung ứng thịt trong thời gian tới, vừa định hướng phát triển bền vững ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ nhiều tiềm năng", ông Cường nhấn mạnh.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết hiện trong cơ cấu tiêu dùng sản phẩm thịt của nước ta, thịt lợn chiếm đa số với gần 71%, thịt gia cầm chiếm 20,4%, thịt gia súc chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ với 8,6% trong tổng sản lượng thịt các loại. Do đó, trong bối cảnh này, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành chăn nuôi gia cầm và chăn nuôi gia súc ăn cỏ.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cũng cho biết hiện trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc ăn cỏ đã có một số sản phẩm xuất khẩu chính ngạch như sữa và các sản phẩm từ sữa, da thỏ, nhung hươu.
"Riêng về sữa, đến năm 2020, Trung Quốc cần tới 11 tỷ lít sữa nhưng ngành sữa Trung Quốc hiện tại còn non trẻ, chi phí sản xuất cao cũng như hạn chế về nước và thức ăn sẽ tiếp tục tạo nên bất lợi cho ngành sản xuất sữa nội địa. Do đó họ phải nhập khẩu các sản phẩm từ sữa chế biến là tất yếu", ông Toản thông tin.
Ngoài ra, theo đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, dư địa xuất khẩu sữa sang Trung Quốc có nhiều tiềm năng còn bởi kể từ khi xảy ra vụ sữa bột nhiễm melanine, chính người dân Trung Quốc vẫn nghi ngại khi sử dụng sữa trong nước. Cạnh đó chất lượng bò sữa cũng có vấn đề do đồng cỏ bị ô nhiễm. Đồng thời các ổ dịch tả heo châu Phi đang hoành hành tại nước này cũng làm cho người tiêu dùng quay sang các nguồn cung cấp protein khác.
Chưa hết, cùng với các sản phẩm sữa, nhu cầu về thịt và các sản phẩm thịt gia súc ăn cỏ trên thế giới cũng đang tăng dần qua từng năm. Có thể kể đến như Mỹ, Trung Quốc, Mexico, EU, Thổ Nhĩ Kỳ... là những nước có nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu thịt bò đứng đầu thế giới.
Đề xuất các giải pháp phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi kiến nghị Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo sữa quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng ban, thành viên là các bộ, ngành có liên quan và các tỉnh chăn nuôi bò sữa trọng điểm để thống nhất chỉ đạo chương trình sữa học đường. Ban chỉ đạo sữa quốc gia cũng có tiếng nói quan trọng để tác động đến chương trình quốc gia về sữa học đường, hạn ngạch nhập khẩu sữa bột và các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững ở quy mô quốc gia.
Cục Chăn nuôi cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa giai đoạn 2020-2030 để tăng cường phát triển ngành sữa. Kiến nghị Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành chất lượng sữa, công bố tiêu chuẩn chất lượng sữa, công bố danh sách các doanh nghiệp không thực hiện đúng các nội dung đã kiểm tra với cơ quan truyền thông để người tiêu dùng biết. Cạnh đó tăng cường quy hoạch và giám sát quy hoạch xây dựng các nhà máy chế biến sữa mà công suất phải phù hợp với tổng đàn bò của vùng nguyên liệu và gắn với thị trường tiêu thụ.
Kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa dạng lỏng (QCVN 5-1:2010/BYT), phân loại các loại sữa và sản phẩm sữa căn cứ vào bản chất của nguyên liệu sữa đầu vào, không căn cứ vào phương pháp chế biến như hiện nay, để tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
MAI HIỀN