Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) giờ như khoác lên mình tấm áo mới. Thay vì hình ảnh những tòa nhà, các dự án bất động sản đình đám là bức tranh về nông trại với những trang trại bò, những nông trường cỏ bao la, cánh đồng mía bát ngát, rừng cao su bạt ngàn... cùng đủ thiết bị thu hoạch, chế biến. Một hướng đi mới và mở ra tương lai đầy triển vọng cho doanh nghiệp (DN) của ông Đoàn Nguyên Đức.
“Không phải ai nuôi bò cũng thành công nhưng với HAGL, nhờ tận dụng lợi thế sẵn có của hàng trăm nghìn ha đất trồng cây các loại, dự án không có rủi ro. Giá đầu ra sẽ rất rẻ, có thể chỉ bằng một nửa hoặc một phần ba so với thị trường”, ông Đoàn Nguyên Đức tự tin chia sẻ.
Những tuyên bố của ông Đức luôn sốc nhưng doanh nhân “làm quần quật không phải vì tiền”, “hơn 20 năm chưa đi du lịch” này đã chứng minh mình chưa bao giờ nổ và ông luôn là người dẫn dắt thị trường.
|
Trang trại bò sữa của bầu Đức. |
Những ngày đầu năm mới, Hiệp hội mía đường Việt Nam đang tìm cách xoay sở để tránh sức ép từ DN của bầu Đức, khi Bộ Công thương có văn bản đề nghị Chính phủ cho nhập khẩu 50.000 tấn đường từ Lào với thuế suất 0%.
Cho dù chỉ là nhập về để tinh chế rồi tái xuất, số lượng rất nhỏ, nhưng động thái này cũng đủ để các DN trong nước lo sợ. Bởi, giá đường của HAGL rẻ chỉ bằng 25-30% giá đường trong nước.
Khoảng hơn 2 năm trước đây, thị trường BĐS cũng từng dậy sóng khi Bầu Đức tuyên bố sẽ bán với giá căn hộ chỉ bằng 50% so với khu vực. Giá BĐS trên toàn quốc sau đó cũng không thể lên cao được bởi thị trường vào chu kỳ suy thoái và quan trọng hơn là giá bán quá cao, thị trường quá nóng, giá cao hơn quá nhiều so với khả năng chi trả của người dân.
Giữa tháng 6/2014, đàn bò thịt đầu tiên đã được bầu Đức nhập về trang trại nuôi tại Gia Lai. Đầu năm nay, thịt bò của HAGL đã có mặt trên thị trường, thông qua nhà chế biến Vissan. Sản phẩm sữa của HAGL dự kiến cũng sẽ ra mắt vào cuối năm nay.
Đây là một phần trong dự án nuôi hơn 230.000 con bò, với tổng vốn đầu tư 6.300 tỷ đồng của bầu Đức, bên cạnh hàng loạt dự án trồng cao su, mía đường, dầu cọ, cỏ trên tổng diện tích cả trăm nghìn ha của doanh nhân này tại cả Việt Nam, Lào, Campuchia. Bầu Đức đã rời bỏ cuộc chơi bất động sản, khoáng sản và thủy điện,... để về với nông nghệp.
Không chỉ bầu Đức, vài năm gần đây, nhiều doanh nhân cũng chạy đua đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản... vốn là thế mạnh của Việt Nam.
Đầu tháng 9/2014, Đức Long Gia Lai (DLG) - một đại gia BĐS, cũng công bố dự án đầu tư 11.000 tỷ đồng nuôi dự kiến 125.000 con bò (80.000 bò sữa, 45.000 bò thịt) tại khu vực Tây Nguyên. Tập đoàn này cũng đã ký kết hợp tác chiến lược với DN sữa lớn nhất Việt Nam - Vinamilk.
Trước đó, người ta cũng đã nghe tới dự án nuôi bò “biết uống bia, nghe nhạc” hay cuộc tái tấn công lớn nhất vào ngành mía đường của ông trùm tài chính ngân hàng một thời - Đặng Văn Thành; dự án tấn công vào lĩnh vực dầu thực vật của anh em ông Trần Kim Thành - Trần Lệ Nguyên; dự án “để người Việt được uống sữa tươi nguyên chất” của bà Thái Hương, chủ tịch Tập đoàn TH Group, kiêm chủ tịch Bắc Á Bank; dự án bán “nồi cơm” Gemadept Tower để dốc tiền trồng cao su của đại gia ngành khai cảng, logistics và cho thuê văn phòng Demadept...
Nhiều doanh nhân khác cũng đã chuyển hướng hoặc có ý định thâm nhập vào vào lĩnh vực nông nghiệp, như ông Lê Chí Hiếu, chủ tịch Thuduc House phát triển thêm ngành mới là xuất khẩu nông lâm sản; BĐS Phát Đạt cũng thêm lĩnh vực trồng rừng, cao su, gạo, chăn nuôi; An Dương Thảo Điền cũng góp vốn thành lập DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; Chứng khoán Sài Gòn (SSI) của ông Nguyễn Duy Hưng liên kết với nhiều DN tron lĩnh vực nông nghiệp...
Lấp ló chân trời mới
Vùi dập hoặc bỏ hẳn những cuộc chơi tốn tiền hao của, chấp nhận điều tiếng và sự nghi ngờ, 6 năm qua, Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức đã có những bước chuyển hướng mạnh mẽ sang ngành nông nghiệp.
Hơn 6 năm, quãng thời gian khá dài để Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức tái cơ cấu toàn diện, miệt mải thay đổi, miệt mài chuyển sang các lĩnh vực mà các cổ đông của DN này trước đó có lẽ chưa bao giờ nghĩ tới.
Từ vị thế một ông trùm địa ốc, giờ bầu Đức trở thành một lão nông thực sự với cơ nghiệp dồn hết vào cao su, mía đường, vào cây ngô, cây cỏ và đàn bò sữa, bò thịt.
Kết quả ban đầu cho thấy, nông nghiệp đang trở thành cứu cánh cho HAG. Từ năm 2013, lợi nhuận của Hoàng Anh Gia Lai tăng gấp 2,5 lần so với 2012 nhờ mía đường. Đó là chưa kể đến các dự án cao su sẽ cho thu lớn vào các năm tới.
Với Đức Long Gia Lai, lợi nhuận của DN này trong quý III/2014 cũng tăng mạnh cũng nhờ nông nghiệp. Với 1.500 ha bắp lai được canh tác hoàn toàn cơ giới hóa, đến nay cây trồng này đã bắt đầu ghi nhận doanh thu, lợi nhuận về cho DLG, đóng góp gần 70% trong tổng lợi nhuận quý III. Ngoài ra, các mảng kinh doanh truyền thống tiếp tục mang lại những nguồn thu không nhỏ cho công ty này.
Trường hợp đại gia Đặng Văn Thành, sau khi rút lui khỏi tài chính ngân hàng, gia đình ông liên tục tăng tỷ lệ sở hữu trong lĩnh vực mía đường. Đây là ngành kinh doanh truyền thống, mang lại quyền lực và lợi nhuận cao cho gia đình ông trong nhiều năm qua và còn là điểm tựa cho danh gia này trong thời gian tới.
Còn với bà Thái Hương, chỉ sau khoảng 3 năm, bà chủ TH True Milk đã vận hành trơn tru nhà máy sữa tươi sạch có quy mô lớn nhất Đông Nam Á - dự án trị giá cả tỷ USD, ngay trên tại đồng ruộng Việt Nam.
Gần đây, một số doanh nhân tập trung sâu vào lĩnh vực thủy sản cũng gặt hái được nhiều thành công và xác lập vị trí trên trường quốc tế như Thủy sản Minh Phú (MPC) của ông Lê Văn Quang, Vĩnh Hoàn của bà Trương Thị Lệ Khánh... Bên cạnh đó, thực phẩm cũng là ngành nhiều “đại gia” quan tâm.
Có thể thấy, nông nghiệp theo truyền thống không phải là ngành mang lại tỷ suất lợi nhuận cao. Tuy nhiên, nhờ áp dụng công nghệ mới, với nhiều ý tưởng đột phá, sáng tạo, lĩnh vực này đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nhân Việt. Hy vọng, tới đây, Việt Nam sẽ có những tập đoàn mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, vừa tận dụng được thế mạnh của đất nước, vừa cạnh tranh được với khu vực và trên thế giới.