Sữa Việt Nam
"Cú đúp" ngoạn mục
Trước đây, phải chờ tới lúc ngô chắc hạt, thuê người bẻ về rồi sấy, đóng bao, chống mối mọt mới bán được. Giờ, ngô tới kỳ thu hoạch, bán cả cây tại vườn, cao hơn giá vụ trước một nghìn đồng. Lợi nhuận tăng gấp đôi mà công sức bỏ ra chỉ một nửa. Cái giàu tới nhanh hơn rồi" - ông Hạng A Súa, Trưởng bản Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu phấn khởi cười lớn giữa triền ngô đang trổ cờ xanh mướt mắt. Hiện tại, ruộng ngô của ông đang chờ thu hoạch. Người nông dân này nắm chắc thu lợi gần trăm triệu đồng trong tay.
Nhờ việc thu hoạch theo phương thức mới, cho nên người nông dân có thể trồng được hai vụ trong năm. Không những cho lợi nhuận gấp đôi mà còn giản lược khá nhiều nhân lực, thời gian dành cho thu hoạch. Ông Hạng A Súa là một trong những nông dân người Mông ở địa phương tiên phong trồng ngô cây bán làm thức ăn ủ ướp cho bò sữa. Giờ tỷ lệ các hộ gia đình thu hoạch ngô cây ở bản Pa Khen chiếm phần lớn so với các hộ thu hoạch theo cách truyền thống.
Tại cao nguyên Mộc Châu, thị trấn Nông trường Mộc Châu, Tân Lập, Phiêng Luông, có khí hậu thổ nhưỡng hết sức thích hợp để trồng ngô đủ hàm lượng dinh dưỡng, làm thức ăn thô xanh và thức ăn ủ ướp cho bò sữa. Cùng một diện tích đất nhưng có thể canh tác ba vụ cây trồng, một vụ ngô. Còn lại vẫn có thể trồng lúa và hoa màu khác, nhờ vậy đất đai được tận dụng triệt để. Giống ngô lai đơn này có thể trồng mật độ dày hơn, phát triển nhanh, chịu hạn, thân cây giữ nước, bắp to đều đáp ứng cao nhất nhu cầu của tiêu chuẩn thức ăn chăn nuôi, có thể đạt năng suất bình quân 40 đến 50 tấn/ha, mang về thu nhập trung bình 30 triệu/ha cho nông dân. Nhiều hộ đã thu về 40 đến 100 triệu đồng nếu có đất canh tác, nhạy bén trong phương thức thu hoạch. Mỗi năm toàn huyện Mộc Châu có tới hơn 1.000 ha diện tích trồng ngô theo phương thức thu hoạch này và đang tiếp tục được mở rộng thêm. Nhiều diện tích cây trồng cũ kém hiệu quả đã được chuyển đổi.
Trò chuyện với Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu Phạm Ðức Chính càng thấy rõ sự ủng hộ và hậu thuẫn quan trọng của địa phương trước cơ hội làm giàu mới của người nông dân. Ông Chính cho biết, Mộc Châu may mắn có được thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp cho phát triển nông nghiệp với cây trồng năng suất cao. Nhưng may mắn hơn cả, đây là cơ hội để người nông dân có thể trở thành những nhà cung cấp dưới dạng vùng nguyên liệu bền vững cho một doanh nghiệp lớn, có uy tín như Mộc Châu Milk. Mối quan hệ bền vững này dựa trên nguyên tắc vì lợi ích hai bên. Ðó là sự chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm. Một mặt, nông dân hiểu rõ cơ hội của mình, mặt khác, doanh nghiệp xây dựng văn hóa thương hiệu cùng trách nhiệm với cộng đồng bằng những cam kết kinh tế cụ thể, thiết thực.
Tổng Giám đốc Mộc Châu Milk Trần Công Chiến chia sẻ: "Chúng tôi luôn ưu tiên những phương án phát triển nhằm tạo ra nhiều việc làm hơn nữa cho nông dân địa phương. Gắn bó với nông dân nhiều năm, tôi biết rõ sự cần mẫn chăm chỉ của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn trong canh tác cây trồng và chăm sóc vật nuôi, nhất là đồng bào Mông. Chúng tôi tin tưởng và lấy uy tín doanh nghiệp đặt cược vào mối liên kết này".
Một trong những phương án dự trữ thức ăn cho đàn bò đang không ngừng tăng lên về số lượng của Mộc Châu Milk là ủ ướp thân cây ngô nguyên bắp - loại cây trồng sẵn có và nguồn lợi dồi dào ở Mộc Châu. Thức ăn ủ chua có hàm lượng dinh dưỡng đáp ứng tốt, phù hợp với giống bò sữa HF đã được thuần chủng qua nhiều năm. Hằng năm, Mộc Châu Milk phối hợp cùng các tổ chức hỗ trợ nông dân tiến hành thu mua ngô cây cho bà con. Nông dân giờ đây có thể bán sản phẩm mình trồng được tại ruộng, các khâu cắt, gom và vận chuyển đều do chủ thầu là tổ chức cá nhân, thậm chí là các trưởng bản đảm nhiệm. Năm 2015, công ty thu mua 100 nghìn tấn ngô cây và số lượng này sẽ tăng lên từng năm. Sản lượng ngô cây là nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thức ăn TMR cung cấp thức ăn cho các trung tâm giống và đàn bò đang được nuôi dưỡng trong các hộ gia đình ở Mộc Châu. Một vòng tròn khép kín của chuỗi sản xuất nông nghiệp đã hình thành bảo đảm sự tin cậy lẫn nhau với mối quan hệ lợi ích từ nhiều phía.
Chủ động quy hoạch vùng nguyên liệu là hướng đi mang lợi ích kép. Với kế hoạch đến năm 2020, đàn bò ở Mộc Châu tăng đến 35 nghìn con, diện tích trồng ngô làm thức ăn ủ ướp buộc phải mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu tại chỗ. UBND huyện Mộc Châu đã có bài toán mở rộng diện tích đất canh tác, đồng thời chuyển đổi mô hình cây nông nghiệp ở những diện tích đã và đang canh tác kém hiệu quả sang trồng ngô cây. Thậm chí, hướng phát triển nhanh hơn là hỗ trợ giống và khuyến khích về giá đến một mức nào đó hợp lý đối với doanh nghiệp nhưng lại kích thích nông dân và mang lại niềm hứng khởi mới trong tình hình phát triển kinh tế chung của địa phương.
Nông dân sẽ hạnh phúc trong sự lựa chọn của mình - đó là bài toán kinh tế trong bối cảnh có nhiều yếu tố thuận lợi cho cao nguyên Mộc Châu. So với vùng địa lý có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì Mộc Châu, Sơn La có lợi thế riêng để trở thành vùng kinh tế liên kết kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới ở miền núi. Như vậy, sau khi được biết đến là địa phương giàu có về tiềm lực con người – văn hóa, Mộc Châu hiện nổi lên là vùng đất với nhiều nông dân chăn nuôi bò sữa giỏi, đáp ứng tốt các quy hoạch kinh tế nông thôn mới.
Thùy Chi