Sữa Việt Nam

Công nghệ cao trong nông nghiệp: Chính sách sẽ mở đường

Thành công của các doanh nghiệp (DN) như TH và Đà Lạt Hasfarm đã góp phần làm thay đổi tư duy về việc đưa công nghệ vào nông nghiệp, trở thành một minh chứng cụ thể và xác thực tác động tới những nhà quản lý và người làm chính sách.

Công nghệ cao trong nông nghiệp: Chính sách sẽ mở đường

 

Trang trại đàn bò TH

 

  Ứng dụng thành công công nghệ cao (CNC), Công ty hoa tươi Đà Lạt (thương hiệu Đà Lạt Hasfarm) đã tạo ra các sản phẩm hoa có chất lượng cao, vươn ra quốc tế, tới tận thị trường Bắc Mỹ, EU. Từ thành công của Dalat Hasfarm, mô hình sản xuất hoa theo quy mô lớn, ứng dụng CNC đang là hướng đi của nhiều hộ nông dân ở Đà Lạt.

 

  Ông Trần Huy Đường, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt cho biết, nếu như trước đây, các tỉnh Bắc bộ phấn đấu để có những cánh đồng 50 triệu đồng/ha, thì ở Đà Lạt doanh thu từ trồng hoa đạt hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng/ha. “Ở đây, hiệu quả thậm chí không tính trên hecta, trên sào mà tính bằng mét vuông”, ông Đường khẳng định.

 

  Đặc biệt, một mô hình ứng dụng CNC mang lại giá trị kinh tế vượt trội và đóng góp lớn cho ngành sữa của Việt Nam là mô hình chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp triển khai tại Nghĩa Đàn, Nghệ An của Tập đoàn TH.

 

  Cách đây ba năm, những người nông dân tại Nghĩa Đàn còn hoài nghi mô hình của TH, thì đến thời điểm này, những đóng góp của dự án là không thể phủ nhận. Tại nơi trước kia là vùng đất hoang hóa, nay đã mọc lên những vùng nguyên liệu trù phú, trang trại chăn nuôi bò ứng dụng CNC, nhà máy chế biến sữa tươi sạch. Hiệu quả kinh tế của 1ha đất đã tăng lên 10-20 lần nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất.

 

  Tuy nhiên, vốn luôn là vấn đề đau đầu cho các doanh nhân muốn đưa CNC vào nông nghiệp. Ông Nguyễn Đình Sơn, Tổng giám đốc CTCP Rừng hoa Đà Lạt cho biết, công ty của ông hiện chỉ được vay vốn ngắn hạn. Do đó, DN vừa làm, vừa đầu tư một cách thiếu đồng bộ, hiệu quả kinh tế vì thế cũng bị ảnh hưởng.

 

  Đóng góp khoảng 20% GDP với hơn 70% dân số gắn bó với nông nghiệp nông thôn, nhưng số vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng nhỏ. Tín dụng nông nghiệp tăng trưởng nhanh và ghi dấu ấn cho sự phát triển của ngành suốt thời gian qua, nhưng chưa đáp ứng hết nhu cầu và lãi suất còn cao so với khả năng sinh lời của ngành. Nhiều ngân hàng thừa nhận, cho vay nông nghiệp gặp nhiều rủi ro, chi phí cao và thu hồi vốn chậm nên “ngại” cho vay lĩnh vực này.

 

  Thực tế cho thấy, có những dự án nông nghiệp CNC cần nguồn vốn rất lớn như dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp” của Tập đoàn TH, số vốn đầu tư lên đến 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh bản thân các NHTM trong nước có quy mô nhỏ, nguồn vốn ít và phải cho vay theo tỷ lệ đảm bảo an toàn chung như hiện nay (một khách hàng được vay không quá 15% vốn tự có của ngân hàng) thì một ngân hàng không có đủ vốn theo tỷ lệ quy định để đáp ứng vốn cho một dự án lớn như của TH.

 

  Trong khi đó, việc cho vay hợp vốn lại rất khó thực hiện do các ngân hàng không có cùng quan điểm trong khi thẩm định, đánh giá tài sản và hiệu quả của dự án.

 

  Một hướng huy động vốn khác mà doanh nghiệp có thể tính đến là hình thức phát hành trái phiếu DN. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, DN chỉ được phát hành trái phiếu khi năm liền kề trước khi phát hành phải có lãi…

 

  Điều này là vô cùng khó cho các dự án nông nghiệp CNC vì sản xuất nông nghiệp thường có khối lượng vốn lớn, thời gian đầu tư và thu hồi vốn lâu nên thường có lỗ trong kế hoạch từ 2 đến 3 năm đầu đi vào sản xuất kinh doanh.

 

  Chính vì thế, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình “Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC” thuộc “Chương trình quốc gia phát triển CNC đến năm 2020”, nhưng ở nước ta hiện mới có 29 khu công nghiệp ứng dụng CNC đã được xây dựng, đang hoạt động và được quy hoạch tại 12 tỉnh, thành phố.

 

  Cả nước hiện mới có 6 DN được chứng nhận là DN nông nghiệp CNC. Những thống kê đó cho thấy, lĩnh vực nông nghiệp CNC đang còn thiếu sự hỗ trợ thông qua những chính sách ưu đãi hợp lý, tương xứng với những hiệu quả và sự đóng góp mà nông nghiệp CNC có thể mang lại cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

 

  Nhưng, những thành công của các DN như TH và Đà Lạt Hasfarm đã góp phần làm thay đổi tư duy về việc đưa công nghệ vào nông nghiệp, trở thành một minh chứng cụ thể và xác thực tác động tới những nhà quản lý và người làm chính sách.

 

  Vừa qua, NHNN, Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ đã khảo sát và dự kiến lựa chọn 20 mô hình liên kết giữa DN với hộ nông dân, như mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị của sản phẩm, các DN ứng dụng CNC… để thí điểm chương trình cho vay đặc biệt đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong nông nghiệp như lúa gạo, thủy sản, chăn nuôi, sản xuất rau màu…

 

  Dự kiến, khoảng 2 năm sau khi kết thúc chương trình thí điểm, NHNN sẽ tổng kết và xem xét để hoàn thiện chính sách và nhân rộng trên phạm vi cả nước.

Nguồn: http://bizlive.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác