Sữa Việt Nam
Chuyện xóa nghèo của bà con Khmer Tham Đôn
Đến xã có đông đồng bào Khmer sinh sống Tham Đôn, chúng ta dễ dàng cảm nhận được bộ mặt mới của vùng đặc biệt khó khăn với hơn 50% diện tích đất bị nhiễm phèn ngày nào. Nếu như 10 năm trước, người dân Tham Đôn thiếu nước ngọt sinh hoạt, điện thắp sáng chập chờn, mùa mưa đường sá sình lầy, mùa nắng thì bụi tung mù mịt... thì giờ hạ tầng cơ sở điện, đường, trường, trạm, nhà ở nơi đây đã khang trang, hiện đại hơn rất nhiều.
Hiện dọc ngang khắp Tham Đôn là những con đường bê tông láng mịn thay thế đường đất khi xưa. Đặc biệt, hệ thống thủy lợi được đầu tư xây dựng, nhờ đó nước sản xuất không còn thiếu, ở vùng đất nhiễm mặn bà con trồng 1 vụ lúa và 1 vụ tôm, còn ở vùng nước ngọt lại sản xuất 2 vụ lúa và 1 vụ màu/năm. Năng suất lúa cũng từng bước được cải thiện từ 4,5 tấn lên 5,8 tấn/ha.
Tiếp chuyện với chúng tôi, bà Trần Thị Thành, Bí thư Chi bộ ấp Trà Bết, cho biết: “Xưa kia ấp này nghèo lắm, nước mặn xâm nhập, thiếu nước ngọt nên chỉ trồng được 1 vụ lúa. Từ khi Nhà nước đầu tư xây dựng đê ngăn mặn và đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho con em xuất khẩu lao động, hỗ trợ vốn vay… cuộc sống của bà con cải thiện hơn hẳn. Bây giờ, từ đầu đến cuối ấp đều có nhà tường, nhà tôn và nhà nhà đều có phương tiện đi lại, nghe, nhìn...”.
Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước mà đời sống của bà con Khmer Tham Đôn được nâng cao đáng kể. Trong đó, thông qua Chương trình 134, Quyết định 167, Tham Đôn đã hỗ trợ trên 830 căn nhà cho hộ Khmer nghèo với tổng trị giá hơn 4 tỉ đồng; Chương trình hỗ trợ nước sinh hoạt đã cấp 1.340 giếng nước, trong đó có Dự án UNICEF hỗ trợ 26 giếng, EU 5 giếng, Chương trình 135 hỗ trợ 9 giếng và nhân dân tự khoan 1.295 giếng... nâng tỉ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh lên 92%; có trên 90% hộ sử dụng điện. Tất cả trường học, trạm y tế, đường nông thôn, cầu bê tông... đều được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang.
Ngoài ra, thực hiện Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ xã đã cấp đất sản xuất cho 80 hộ Khmer nghèo, mỗi hộ 1.500m2 để ổn định sản xuất. Hiện nay, tỷ lệ huy động trẻ em đến trường của xã đạt 100%; công tác chăm sóc sức khỏe cũng được thực hiện tốt; tất cả các hộ nghèo đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế… Đến nay, tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn khoảng gần 15% và đặc biệt không còn hộ đói. Cái đói, cái nghèo ở Tham Đôn được đẩy lùi.
Bên cạnh đó, chính quyền và các đoàn thể phối hợp với trạm khuyến nông – ngư mở nhiều lớp tập huấn quản lý dịch hại tổng hợp cho cây trồng, chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm sú, nuôi bò sữa, bò sinh sản, trồng màu, nuôi cá với lúa… nhằm giúp bà con kịp thời áp dụng những kỹ thuật mới vào sản xuất, giảm rủi ro, tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập. Những năm gần đây, Tham Đôn được mệnh danh là xã “bò sữa” và đa phần các hộ nghèo của xã khi tham gia nuôi bò sữa đều trở thành những hộ khá giàu.
Hệ thống thủy lợi ở Tham Đôn được xây dựng đầu tư khép kín phục vụ sản xuất nông nghiệp
Cũng xóa nghèo nhờ nuôi bò sữa, hộ gia đình Liêu Anh Tuấn ở ấp Cần Giờ đang sở hữu 16 con bò cái, trong đó, 14 con bò đang cho sữa. Đây cũng là hộ đầu tiên của xã dùng máy vắt sữa theo kỹ thuật mới. Anh Tuấn chia sẻ kinh nghiệm: “Mua máy vắt sữa để tiết tiệm thời gian, tiền thuê nhân công mà sản phẩm sữa sạch hơn. Nuôi bò sữa ngoài đảm bảo thức ăn, thì khâu vệ sinh cũng rất quan trọng. Chuồng phải sạch sẽ, thoáng mát”.
Hiện gia đình anh Tuấn trồng 1 ha cỏ cho bò ăn. Theo anh Tuấn, hộ nghèo được hỗ trợ nuôi bò sữa là có thể thoát nghèo nhanh chóng, vì bò cho sữa hằng ngày. Nuôi 1 con bò sữa cho thu nhập gấp nhiều lần so với làm ruộng. Với 14 con bò sữa đang cho sữa mỗi năm gia đình anh Tuấn thu nhập trên 700 triệu đồng.
Về Tham Đôn, bà con Khmer nơi đây bảo “đói nghèo là chuyện ngày xưa rồi”. Giờ phum sóc Tham Đôn đang đổi thay từng ngày. Cuộc sống của người dân cũng đang khởi sắc. “Tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất” là kinh nghiệm xóa nghèo của bà con Khmer Tham Đôn.
Phương Tuyết