Sữa Việt Nam
Chuyến xe xuyên Việt 20 năm trước, quê nghèo đổi đời thành làng tỷ phú
Vay tiền ngân hàng vào Nam mua bò
Những ngày cuối tháng 8, sau khi ghé thăm khá nhiều trang trại nuôi bò sữa lớn ở xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), nghe họ kể những câu chuyện làm giàu từ con bò sữa, chúng tôi hỏi thăm đường đến nhà ông Đàm Minh Tuấn - người được nông dân nơi đây ví như “cha đẻ” của nghề chăn nuôi bò sữa tại vùng quê vốn đói nghèo.
Đi theo lời chỉ dẫn, trước mắt chúng tôi là một căn nhà khang trang 3 tầng lầu, to như biệt thự, nằm ngay cạnh UBND xã Vĩnh Thịnh. Khá may mắn, hôm đó ông Tuấn ở nhà chứ không phải tận Sài Gòn như mấy ngày trước đó.
Nghe chúng tôi nhắc đến chuyện vào tận miền Nam mua bò sữa đem về quê nuôi, ông Tuấn cười nói: “Chuyện cách đây cả 2 thập kỷ rồi, giờ tôi không nuôi bò nữa”.
Ông Tuấn kể, xã Vĩnh Thịnh trước đây người dân toàn trồng lúa, chuối, mía. Cuộc sống chẳng mấy khi đủ ăn, tiền tiêu cũng chẳng có. Ví như trồng mía, một năm chỉ thu hoạch được đúng một lần. Một sào mía bao công chăm sóc vất vả, khi bán chỉ được vài trăm ngàn đồng.
Hồi đó ông trăn trở mãi, phải làm gì để ra tiền mặt hàng ngày, chứ cứ nhà có việc gì hay con đau ốm đi viện lại phải bán hết lúa gạo trong nhà mới có tiền. Thậm chí, còn phải chạy vạy vay mượn từng đồng nghĩ cũng khổ.
“Sang Ba Vì thấy họ nuôi bò sữa, ngày ngày vắt sữa đem bán có tiền tươi thích lắm”. Ông Tuấn nói, sau khi mục sở thị những trang trại nuôi bò sữa ở Ba Vì, ông nói chuyện với bí thư huyện Vĩnh Tường lúc bấy giờ và nhận được cái gật đầu đồng tình “cứ làm thử xem”.
Ông nhớ năm 1999, ông sang Ba Vì mua luôn 2 con bò sữa về nuôi thử. Song, sữa vắt ra không bán được vì quanh khu vực này chỉ có mỗi ông nuôi. Số lượng sữa quá ít, mà thời đó cũng ít người có tiền mua sữa về dùng, không phổ biến như bây giờ. Thành ra, nhiều khi sữa bỏ vắt ra rồi đổ bỏ cho lợn, cho chó ăn.
Song ông vẫn quyết tâm theo đuổi con bò sữa. "Tôi tin khi xã hội dần phát triển, sữa tươi sẽ được ưa chuộng, nhu cầu mua sữa lúc đó sẽ tăng cao", ông Tuấn khẳng định.
Năm 2000, ông mừng như bắt được vàng vì có công ty hỏi mua sữa với số lượng lớn. Vì thế, để mở rộng sản xuất, ông quyết định vay tiền ngân hàng một mình lặn lội vào Củ Chi (TP.HCM) mua 12 con bò sữa rồi thuê xe chở ra Vĩnh Thịnh.
Khi vào ông đi máy bay, lúc ra phải theo xe bò vì còn phải chăm sóc, tắm rửa, mua cỏ, ngô,... cho 12 con bò ăn hàng ngày. Mất 4 ngày trời đi liên tục như vậy ông cũng đưa được bò về tới xã. Số bò này ông giữ lại một phần, một phần của bà con nông dân trong xã nhờ mua hộ.
Năm 2000, ông Tuấn lặn lội vào tận TP.HCM mua và thuê xe chở bò sữa về nuôi |
“Thời đó chắc phải đam mê lắm mới theo được nghiệp nuôi bò. Chứ mình có biết gì đâu, phải đi khắp các vùng để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi về truyền lại với bà con trong xã. Cứ nghe nói ở đâu nuôi bò sữa là tôi lại đến tận nơi học hỏi”, ông Tuấn kể. Đến cái máy vắt sữa đầu tiên mua ở TP.HCM về không biết dùng, ông phải đi học cách sử dụng để dạy lại người dân. Ông còn đứng ra ký hợp đồng để công ty bao tiêu sữa cho bà con nuôi bò lúc bấy giờ.
Lao đao vì cơn khủng hoảng melamine
Những năm sau đó, ông Tuấn tiếp tục vào miền Nam mua bò sữa. Mới đầu, ông chỉ mua giúp, về sau nhờ mua mãi bà con cũng ngại nên ông mua về bán lại cho họ. Thành ra, mỗi tháng ông vào Nam 2 lần chở bò về bán.
Bò mua về bán cho dân lúc thì lãi 1 triệu đồng, lúc thì lãi 2 triệu, nhưng phần lớn là ông bán chịu, sau thu mua sữa rồi trừ dần bởi bà con lúc đó đâu có tiền. Cắm sổ đỏ nhà có khi chỉ được khoảng 9 triệu, trong khi 1 con bò giống giá đã vài chục triệu đồng.
“Tôi khi đó cũng không có vốn, phải vay ngân hàng, rồi công ty sữa họ cho mình vay không lãi suất cả mấy tỷ đồng, sau họ cũng thu mua sữa trừ dần. Thế nên tôi mới có tiền vào Nam mua bò về bán chịu cho dân”, ông chia sẻ.
Giờ đây bò sữa ngành nghề chính, giúp người dân xã Vĩnh Thịnh đổi đời, trở thành tỷ phú |
Ông Tuấn tiết lộ, giai đoạn 2002-2004 nuôi bò sữa lãi rất lớn. Ngoài đi buôn bò, ông còn nuôi 40 con bò vắt sữa, cao điểm cho thu tới 3,8 tạ sữa một ngày. Tính ra, mỗi con bò lãi khoảng 1 triệu đồng/tháng, một tháng ông đút túi 40 triệu đồng.
Không chỉ gia đình ông, những hộ khác cũng thu nhập rất khá nhờ con bò sữa. Thậm chí, bán cẵng cỏ voi cũng ra tiền. Sau khi thu hoạch cỏ voi, người dân lấy dao phạt phần ngọn cho bò ăn, phần gốc (cẵng cỏ giống như cây mía, nhưng thân nhỏ hơn) buộc lại bán giá 200 đồng/kg để làm giống.
Giờ thì cẵng cỏ thừa đầy, đi xin được. Còn thời kỳ 2006-2007, gia đình nào trồng nhiều cỏ, cẵng cỏ dư ra đem bán thu được hơn 10-20 triệu đồng, mua được hẳn xe máy xịn để đi.
Tới năm 2008, thị trường khủng hoảng bởi thông tin sữa bên Trung Quốc có chất melamine, người nuôi bò bị ảnh hưởng nặng. Sữa không tiêu thụ được, công ty hạn chế thu mua, dân hoang mang lo lắng.
Gia đình ông là đầu mối thu mua sữa lúc bấy giờ thua lỗ vài tỷ. Bởi, sữa của dân vẫn phải mua nhưng lượng bán được cho công ty cực kỳ hạn chế. Nhiều hôm chờ đến đêm ông phải chở sữa đi đổ.
Thời kỳ đầu, nhiều hộ dân còn bán cả cẵng cỏ voi làm giống cũng đủ tiền mua xe máy xịn |
“Tôi định bán nửa miếng đất của nhà để trả nợ chứ không thể cầm cự được nữa. May sao cơn khủng hoảng melamine qua đi, sữa được thu mua trở lại với giá khá cao”. Ông cho hay, phải gần 2 năm sau ông mới gỡ được số tiền thua lỗ trước đó.
Chỉ vào căn nhà 3 tầng đang ở, ông Tuấn khoe nhà xây xong cuối năm 2010, mỗi sàn 150 mét vuông. Lúc đó chi phí hết khoảng 1,7 tỷ đồng. Khi đó, ông cũng mua được ô tô xịn gần 1 tỷ đồng làm phương tiện đi lại. Giờ chiếc xe đó ông bán lại cho cháu và tậu chiếc mới giá 2,1 tỷ đồng.
“Mình không là gì đâu, ở vùng này giờ nhiều nhà giàu lắm. Toàn nhờ nuôi bò sữa cả đấy. Không tin đi quanh làng mà xem, nhiều nhà cao 3 tầng to như biệt thự, đầy đủ tiện nghi. Cuộc sống người dân sung túc lắm, không còn đói kém như xưa”, ông nói.
“Tôi bỏ nghề nuôi bò từ năm 2015 vì già rồi, con cái lại học hành làm nghề khác. Không nuôi được cũng tiếc, nhưng tôi thấy vui vì mình đã đem lại cho người dân nơi đây một cái nghề để họ có thể làm giàu như ngày hôm nay, trên mảnh đất này”, ông Tuấn tâm sự.
Bảo Phương