Sữa Việt Nam
Chiếm thị phần lớn, vì sao Vinamilk vẫn đầu tư cho ngành sữa?
Trong chiến lược phát triển 5 năm mới công bố, Vinamilk cho thấy song song mở rộng ra các ngành có thế mạnh, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục đầu tư mạnh cho ngành sữa.
Xu hướng tiêu dùng, nhu cầu thị trường “hậu” Covid-19
Tỷ lệ tiêm chủng tại Việt Nam đạt mức 79%, người dân đã bắt nhịp với cuộc sống “hậu đại dịch”, các doanh nghiệp vào guồng hoạt động và kỳ vọng vào một tương lai ổn định hơn khi thu nhập của người tiêu dùng không còn bị ảnh hưởng, giao thương trong và ngoài nước được vận hành bình thường trở lại.
Trong giai đoạn phục hồi, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng chọn lựa các thực phẩm - đồ uống tốt cho sức khỏe. Theo báo cáo vào tháng 8/2021 của Vietnam Report, xu hướng chọn thực phẩm - thức uống tốt cho sức khỏe gia tăng rõ rệt. Cụ thể, dòng sản phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch tăng lượng tiêu thụ khoảng 60% kể từ khi Covid-19 xuất hiện. Xu hướng tiêu dùng này dự kiến vẫn tăng khoảng 36% đến khi có miễn dịch cộng đồng. Tiêu dùng thực phẩm sạch và lành mạnh cũng tăng khoảng 46% kể từ khi Covid-19 xuất hiện và dự kiến tăng khoảng 35% khi có miễn dịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, mức tiêu thụ sữa bình quân của người Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với nước lân cận (23,2 kg mỗi người hàng năm so với 31,7 kg ở Thái Lan và 43,7 kg ở Hàn Quốc). Với hơn 1 triệu trẻ em được ra đời mỗi năm, dư địa của ngành sữa Việt Nam nói chung và Vinamilk nói riêng còn nhiều tiềm năng tăng trưởng dài hạn.
Vinamilk cũng sở hữu nền tảng nội tại mạnh, theo Nielsen, các ngành hàng chủ lực của Vinamilk như sữa nước, sữa đặc, sữa chua uống đều đứng đầu về sản lượng và doanh số, ngành hàng sữa bột trẻ em dẫn đầu về sản lượng bán ra tại Việt Nam. Ngoài ra, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng sản phẩm Vinamilk tại Việt Nam vẫn đạt tỷ lệ gần như tuyệt đối, 99% tại thành thị và gần 90% tại nông thôn. Mặc dù năm 2021 gặp nhiều trở ngại do bệnh dịch, Vinamilk vẫn đạt doanh thu kỷ lục hơn 60.000 tỷ đồng.
Nắm bắt cơ hội từ thị trường quốc tế
Không chỉ trong nước, thị trường quốc tế cũng từng bước hồi phục, các hoạt động xúc tiến thương mại đã được triển khai trở lại nhờ chính sách mở cửa, tỷ lệ tiêm vaccine và miễn dịch cộng đồng tại đa số quốc gia.
Từ cuối năm 2021, Vinamilk đã liên tục triển khai các hoạt động kinh doanh quốc tế tại Nhật Bản, Dubai để tìm kiếm cơ hội mới tại các thị trường nước ngoài. Doanh thu từ hoạt động xuất khẩu quý 1/2022 của Vinamilk là 1.139 tỷ đồng, tiếp nối đà tăng trưởng gần 10% của năm 2021.
Tuy mức đóng góp vào tổng doanh thu còn khiêm tốn, xuất khẩu là mảng được kỳ vọng gia tăng tỷ lệ đóng góp vào doanh thu Vinamilk nhờ liên tục tăng trưởng 2 con số qua các năm cùng với biên lợi nhuận cao.
Có thể thấy sự chuẩn bị về năng lực sản xuất và phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi của Vinamilk những năm gần đây đã giúp công ty chủ động đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, cũng như tạo lợi thế cạnh tranh chiến lược. Đơn cử, tổ hợp trang trại của Vinamilk tại Lào với quy mô giai đoạn 1 là 24.000 con bò, dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay sẽ giúp Vinamilk có được nguồn nguyên liệu sữa tươi organic với chi phí ổn định không chỉ cho thị trường trong nước mà còn gia tăng sự thâm nhập tại thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh xuất khẩu, năm 2021, các công ty con của Vinamilk tại Mỹ, Campuchia hay liên doanh mới tại Philippines cũng có sự chuyển biến tích cực về doanh thu khi tình hình chung tích cực hơn trong giai đoạn “hậu Covid” tại nhiều quốc gia.
Sẵn sàng đáp ứng cho 5 năm tới
Vinamilk đã đầu tư xây dựng và mở rộng 13 trang trại và 13 nhà máy, trong đó có 2 siêu nhà máy. Đây vẫn đang là doanh nghiệp sữa trong nước có khả năng sản xuất được gần như tất cả chủng loại sản phẩm từ sữa nước, sữa bột, sữa chua, kem, phô mai... Theo lãnh đạo công ty, năng lực sản xuất đã được Vinamilk hoạch định và xây dựng để đáp ứng đủ cho 5 năm tới.
Bên cạnh đó, việc thiết kế hệ thống trang trại và nhà máy kết nối khoa học với nhau tạo nên lợi thế cạnh tranh đặc biệt cho doanh nghiệp. Đó là sự chủ động về nguyên liệu sản xuất và chuỗi cung ứng linh hoạt, vận hành xuyên suốt ngay cả trong giai đoạn giãn cách vì dịch bệnh. Với bối cảnh nhiều biến động hiện nay, điều này sẽ tiếp tục mang lại nhiều lợi thế cho Vinamilk.
Các dự án đầu tư trong mảng sữa đã được Vinamilk công bố như Tổ hợp trang trại Lao-Jargo, nhà máy Hưng Yên, hay dự án Trang trại bò sữa công nghệ cao tại Mộc Châu đang nhận được sự quan tâm, bên cạnh các mảng mới như bò thịt, thức uống tươi…
Vẫn theo phong cách đầu tư trọng tâm và chắc chắn, doanh nghiệp “đầu tàu” của ngành sữa vẫn đang khá chắc chân trên đường đua và trong cả chiến lược phát triển, ít nhất với tầm nhìn 5 năm tới 2026.