Có thâm niên chăn nuôi bò sữa lâu năm nhất trên địa bàn, trang trại bò sữa Tuyên Quang, xã Phú Lâm (Yên Sơn) đã và đang khẳng định vị thế trên lĩnh vực chăn nuôi bò sữa của tỉnh. Hiện tại, trang trại đang chăn nuôi gần 2.000 con bò, trung bình mỗi năm sản xuất và tiêu thụ trên 9.000 tấn sữa tươi chưa qua chế biến về Công ty TNHH Một thành viên bò sữa Việt Nam, chiếm gần 80% sản lượng sữa tươi của tỉnh. Không những tạo ra nguồn sữa bảo đảm phục vụ công nghiệp chế biến, trang trại còn cung cấp con giống bảo đảm chất lượng cho các trang trại ở các tỉnh lân cận. Trang trại còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động, bao gồm cả lao động làm việc trực tiếp và các hộ gia đình nông dân hợp đồng trồng cây làm thức ăn cho bò.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng đàn bò sữa của tỉnh đạt gần 3.300 con, tăng 300 con so với thời điểm đầu năm. Sản lượng sữa cũng tăng lên đáng kể, đến thời điểm này đã đạt trên 10.997 tấn, tăng gần 1.000 tấn so với cùng kỳ năm 2016.
Theo các chuyên gia của Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Tuyên Quang có lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, mùa đông không quá lạnh, mùa hè không quá nóng, độ ẩm không khí không cao… Cùng với đó là việc kiểm soát dịch bệnh của ngành chuyên môn rất tốt, nhiều năm liền tỉnh không xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc. Đây là một lợi thế để phát triển chăn nuôi bò sữa và thực tế đã minh chứng các trang trại chăn nuôi bò sữa như trang trại bò sữa Tương Lai, xã Phúc Ứng (Sơn Dương); trang trại bò sữa Hoàng Khai, trang trại bò sữa Tuyên Quang (Yên Sơn) ngày càng được đầu tư theo chiều sâu, hàng năm cung cấp nguồn sữa ổn định, có chất lượng tốt cho các công ty chế biến sữa lớn như: Công ty TNHH Một thành viên sữa Việt Nam; Công ty cổ phần sữa TH True Milk.
Mục tiêu của tỉnh đến năm 2020, phấn đấu đưa đàn bò sữa lên 5.000 con và để đáp ứng nhu cầu thức ăn cho đàn bò, tỉnh quy hoạch từ 250 đến 310 ha vùng trồng cây thức ăn trên địa bàn huyện Yên Sơn và Sơn Dương. Tỉnh cũng sẽ thực hiện các chính sách ưu đãi để phát triển ngành bò sữa, trong đó, có những chính sách hỗ trợ ứng dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, hiện đại trong quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trị bệnh cho đàn bò; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển chăn nuôi bò sữa...