Sữa Việt Nam

Chăn nuôi bò sữa: Bấp bênh "đầu ra"

(HNM) - Chăn nuôi bò sữa ở Hà Nội phát triển khá nhanh nhưng chủ yếu với quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự gắn kết giữa doanh nghiệp (DN) và người chăn nuôi. Vào dịp hè, lượng sữa tiêu thụ mạnh, DN thu mua hết nhưng tới mùa đông, do tiêu thụ giảm nên các hộ chăn nuôi vẫn phải chật vật đi tìm đầu ra cho sản phẩm.

 Theo ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, chất lượng sữa không đồng đều do quy mô chăn nuôi trên địa bàn thành phố chủ yếu nhỏ lẻ, bình quân 4,7 con/hộ. Trong khi đó, sự hợp tác giữa DN và nông dân còn hạn chế, chưa có sự chia sẻ hài hòa lợi ích; quy trình chăn nuôi chưa khép kín cũng là nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến giá sữa.

 


Ông Nguyễn Văn Bưởi (huyện Ba Vì) cho biết, hiện giá sữa tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với mùa đông, thế nhưng người chăn nuôi mất lòng tin với DN do thường bị thanh toán chậm. Có thời điểm, sau 4 tháng, DN mới thanh toán khiến nông dân gặp khó khăn trong tái đầu tư mở rộng sản xuất. Trong khi khâu kiểm tra chất lượng sữa phụ thuộc vào các trạm thu gom, việc công bố kết quả không rõ ràng, khi có vấn đề phát sinh người chăn nuôi phải tự đem đi kiểm tra, rất tốn kém.



Ông Hoàng Đình Nam (huyện Gia Lâm) cho biết: Chăn nuôi bò sữa khó khăn bộn bề khiến người dân không mặn mà. Không chỉ giá thức ăn mà giá con giống liên tục tăng cao, chưa kể chi phí xây chuồng trại, hệ thống làm mát… nên ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế. Ông Dương Văn Hùng (huyện Quốc Oai) quan ngại, khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hộ chăn nuôi nhỏ lẻ càng khó cạnh tranh về giá. Hiện nay, giá sữa thị trường trong nước là 9.000-10.000 đồng/lít, cao hơn giá ở nhiều nước trên thế giới.



Ông Hứa Bá Trình, Phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết, tổng đàn bò của địa phương khoảng 8.800 con, hiện sản lượng sữa tiêu thụ khá tốt và được giá. Nhưng tới mùa đông, DN hạn chế thu mua khiến nông dân chật vật tìm đầu ra. Do vậy, DN cần giữ đúng cam kết, thu mua hết sữa cho người dân theo đúng hợp đồng và phải có các điều kiện ràng buộc giữa hai bên. Ở chiều ngược lại, ông Lê Tiến Dũng, đại diện Công ty cổ phần Sữa quốc tế (IDP) cho rằng, Hà Nội nên tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho người dân để thay đổi tập quán sản xuất cũ, từng bước chuyển từ chăn thả tự nhiên sang nuôi theo quy trình khép kín; tăng cường kiểm tra, giám sát đầu vào trong chăn nuôi và có chính sách hỗ trợ cho DN thu mua sữa về vay vốn, thuê đất… Ngoài ra, cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố hãy sử dụng sản phẩm sữa của công ty theo chương trình "sữa học đường".



Bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong chăn nuôi bò sữa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Thành phố sẽ tiếp tục phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, trong đó ưu tiên, khuyến khích các hộ chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại. Còn đầu ra cho sản phẩm, các đơn vị của Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ, trong đó DN đóng vai trò hạt nhân.



Hiện TP Hà Nội đã phê duyệt dự án "Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020", trong đó có chuỗi sản xuất và cung cấp sữa Ba Vì. Để chuỗi hoạt động có hiệu quả, các hộ chăn nuôi cần gắn kết với nhau thành lập tổ hợp tác, ký kết hợp đồng với DN tiêu thụ sản phẩm; đầu tư vốn, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào chăn nuôi tạo ra sản phẩm sữa chất lượng cao. Thành phố sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm sữa của Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

 

Quỳnh Dung

 

 

Nguồn: hanoimoi.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác