Tập đoàn FrieslandCampina và Tổ chức Phát triển nông nghiệp Hà Lan (Agriterra) đã tổ chức hàng loạt chương trình tập huấn của các nông dân xuất sắc tại Hà Lan cho nông dân các nước khu vực Đông Nam Á…
Nhằm mục đích phát triển bền vững ngành chăn nuôi bò sữa, qua đó giúp nâng cao đời sống nông dân, cũng như đảm bảo nguồn nguyên liệu an toàn vệ sinh cung cấp cho nhà máy, Tập đoàn FrieslandCampina và Tổ chức Phát triển nông nghiệp Hà Lan (Agriterra) đã tổ chức hàng loạt chương trình tập huấn của các nông dân xuất sắc tại Hà Lan cho nông dân các nước khu vực Đông Nam Á…
Không chỉ là “nông dân giúp nông dân”…
Tháng 8/2012, tập đoàn FrieslandCampina và Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Hà Lan (Agriterra) ký kết chương trình hợp tác nhằm mục đích phát triển tích cực ngành chăn nuôi bò sữa ở những nước nơi có nhà máy sản xuất của FrieslandCampina, giúp nâng cao đời sống của nông dân và đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhà máy.
Theo đó, Agriterra sẽ phối hợp cùng các chuyên gia của FrieslandCampina hỗ trợ về mặt kỹ thuật và kinh nghiệm từ các chủ trại bò sữa Hà Lan với hàng chục năm kinh nghiệm nhằm giúp các nông hộ tại Việt Nam và các nước có thể khai thác tối đa tiềm năng của ngành chăn nuôi bò sữa.
Chương trình bao gồm tập huấn kỹ thuật, tư vấn khuyến nông, chăm sóc vật nuôi, ứng dụng những kinh nghiệm chăn nuôi thành công nhằm củng cố kiến thức chăn nuôi, nâng cao năng suất và bảo đảm chất lượng nguồn sữa tươi nguyên liệu cho các nông hộ tại các nước đang phát triển nghề nuôi bò sữa như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia...
15 nông dân xuất sắc có kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề đến từ đất nước có ngành chăn nuôi bò sữa phát triển nhất Châu Âu đã đến Việt Nam nhằm thực hiện mục đích “nông dân giúp nông dân”, gặp gỡ trực tiếp các nông hộ để giao lưu, tìm hiểu và quan sát các thao tác hàng ngày trong quá trình chăm sóc bò sữa.
Từ đó, sẽ tư vấn để khắc phục những thiếu sót và tối ưu hóa tiềm năng sản xuất của nông trại và rút ngắn khoảng cách về kỹ thuật chăn nuôi giữa Việt Nam và thế giới tại các khu vực có ngành chăn nuôi bò sữa phát triển như Củ Chi, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Hà Nam…
Nông dân Hà Lan tập huấn kỹ thuật cho các nông hộ cung cấp sữa tươi nguyên liệu cho FrieslandCampina Việt Nam
… mà còn là hành trình truyền cảm hứng để phát triển bền vững
Ông Herman Bakhuis, 49 tuổi (ở Daarle, gần Almelo, phía Đông Hà Lan), chủ một trang trại rộng 120 ha với 300 bò sữa, và 180 bò tơ, là một trong 15 nông dân xuất sắc nhất của Hà Lan qua Việt Nam đợt này tự hào nói về nghề nghiệp và quá trình phát triển nghề nghiệp của gia đình mình.
Ông cho biết, trong ba người con chỉ có duy nhất một người có thể nối nghiệp để quản lý và phát triển trang trại, vì luật pháp Hà Lan không cho chia nhỏ trang trại (điều này khác với Việt Nam).
Những người con còn lại sẽ chuyển qua làm việc khác ngoài nông nghiệp ở những TP lân cận hoặc phải tìm trang trại nào muốn bán để mua và cũng có nhiều trường hợp nông dân Hà Lan di cư sang những nước khác (Úc, Canada, Mỹ, Brazil…) còn nhiều đất nông nghiệp để lập trang trại.
Trong khi đó, ông Wim Van Ittersum, chủ một trang trại ở Masterbrock lại gây ấn tượng bởi “triết lý” “Happy cow, happy farm” (Bò vui, nông dân hạnh phúc). “Hãy thử tưởng tượng nhé, nếu bò không được ăn no, ăn đủ đạm, liệu có đủ khỏe mạnh để tạo lượng sữa như bạn mong muốn.
Tùy theo sản lượng sữa của từng con, người nông dân cần phải chú ý cung cấp lượng thức ăn đầy đủ theo nhu cầu riêng của chúng. Ngoài ra, người nông dân cũng cần phải chú ý đề phòng và chữa trị dứt điểm những căn bệnh thường gặp ở bò sữa như viêm móng, viêm vú để đảm bảo sức khỏe cho bò…
Bò có vui, khỏe thì mới cho ra nhiều sữa, từ đó chất lượng cuộc sống của nông dân chúng ta mới được nâng cao, đầy đủ, và hạnh phúc hơn.”
Ông Wim Van Ittersum, chủ một trang trại ở Masterbrock trình bày “triết lý” “Happy cow, happy farm” (Bò vui, nông dân hạnh phúc)
Chính lòng nhiệt huyết, sự tận tâm và những kinh nghiệm quý báu từ những nông dân “chuyên gia” Hà Lan này sẽ là tiền đề để nông dân Việt Nam từng bước cải thiện phương pháp chăn nuôi bò sữa. Từ đó, các nông dân thành công sẽ đóng vai trò là mô hình hạt nhân để truyền đạt kinh nghiệm, tập huấn cho các nông hộ khác và góp phần nhân rộng nghề nuôi bò sữa tại Việt Nam phát triển bền vững và hiện đại hơn.