Sữa Việt Nam

Bò sữa Hồ Toản tạo cú huých tái cơ cấu nông nghiệp

Chăn nuôi bò sữa đang đem lại lợi ích lớn trong phát triển kinh tế, góp phần không nhỏ tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, trong đó có trang trại bò sữa của Công ty cổ phần Hồ Toản đã tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

Được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động từ tháng 11-2017, trang trại bò sữa của Công ty cổ phần Hồ Toản, thôn 14, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) ban đầu chỉ mới nuôi 514 con bò sữa được nhập khẩu từ Úc, đến nay số lượng đàn nuôi tăng lên gần 2.000 con, trong đó có gần 500 con cho vắt sữa với sản lượng sữa đạt trên 13,5 tấn/ngày. Anh Lê Đức Đô, quản lý trang trại cho biết, Tuyên Quang còn nhiều dư địa chăn nuôi bò sữa, do đó, mới đây, công ty đã nhập 720 con bò chửa và 173 con bò tơ từ Mỹ bằng đường biển qua cảng Hải Phòng.

 

Sau khi số bò trên vận chuyển về Trang trại bò sữa của Công ty cổ phần Hồ Toản được nuôi cách ly để kiểm tra, theo dõi phòng chống dịch bệnh theo quy định. Mô hình trang trại được xây dựng theo quy mô chăn nuôi tập trung với hệ thống chuồng trại, kho trữ thức ăn đảm bảo. Việc chăn nuôi tại trang trại hiện áp dụng quy trình kỹ thuật công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm trong chăn nuôi. Mỗi con bò đều được gắn chíp điện tử để quản lý, kiểm soát khẩu phần ăn, chế độ dinh dưỡng cũng như dịch bệnh, năng suất sữa. Trang trại phấn đấu đến năm 2023 phát triển đàn bò lên 2.700 con để có đàn giống hạt nhân siêu cao sản cho năng suất sữa cao, đáp ứng yêu cầu của công ty.

 

Ông Lương Huy Toản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hồ Toản cho biết, trang trại luôn luôn đảm bảo chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn tốt, thực hiện cho ăn đúng giờ, đúng khẩu phần. Tùy từng loại bò như bò cao sản, thấp sản, bê, bò chờ phối… cần cho ăn khẩu phần riêng đảm bảo sức khỏe. Vùng nguyên liệu của trang trại có khoảng 11 ha trồng cỏ, không đủ nguyên liệu thức ăn, vì vậy trang trại đang phải liên kết với người dân mua thêm ngô làm thức ăn gia súc và rơm sau khi thu hoạch lúa mùa của người dân tại các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang và Phú Thọ, ước tính mỗi năm công ty nhập trên 12.000 tấn thức ăn cho bò sữa.

 

Để kiểm soát thức ăn an toàn, nguồn cỏ, ngô nhập vào đều qua hệ thống KCS (kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm) từng lô. Thực hiện tốt các quy trình chăm sóc, hiện nay sữa tươi của trang trại được Công ty Vinamilk thu mua toàn bộ. Tổng sản lượng sữa cung cấp ra thị trường hơn 4 triệu lít/năm. Thời gian tới, công ty tăng cường liên kết với các hộ nông dân quanh vùng để ký hợp đồng lâu dài cung cấp thức ăn cho đàn bò sữa.

 

Đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tuyên Quang là tỉnh có lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu; việc kiểm soát dịch bệnh cũng được thực hiện chặt chẽ, triệt để. Những lợi thế này đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi đã đầu tư, khảo sát tại Tuyên Quang. Hiện nay, ngoài Công ty cổ phần Hồ Toản thì còn 3 trang trại nuôi bò sữa có quy mô lớn gồm Trang trại chăn nuôi bò sữa Phú Lâm của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk); trang trại chăn nuôi bò sữa của Công ty TNHH Sữa cho tương lai (Future Milk); trang trại sữa Hoàng Khai (Yên Sơn) ngày càng được đầu tư theo chiều sâu, hàng năm cung cấp nguồn sữa ổn định, có chất lượng tốt cho các công ty chế biến sữa lớn như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Tập đoàn TH True Milk…

 

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2023, sản lượng sữa bò tươi đạt trên 33.000 tấn. Để đáp ứng nhu cầu thức ăn cho đàn bò, tỉnh quy hoạch từ 250 đến 310 ha vùng trồng cây thức ăn trên địa bàn huyện Yên Sơn và Sơn Dương. Tỉnh cũng sẽ thực hiện các chính sách ưu đãi để phát triển ngành bò sữa, trong đó, có những chính sách hỗ trợ ứng dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, hiện đại trong quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trị bệnh cho đàn bò, đồng thời, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển chăn nuôi bò sữa...

 

Những kết quả trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của các công ty bò sữa sẽ tạo cú huých để tỉnh ta tổ chức lại sản xuất ở nhiều lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp thông minh, giải phóng sức lao động cho người nông dân nhưng gia tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho cả nông dân và doanh nghiệp.     

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác