Sữa Việt Nam
Bài toán môi trường Củ Chi
Nhưng bò sữa cũng gây những vấn đề lớn về môi trường mà huyện và các xã đang tìm các biện pháp giải quyết.
Chuyện ở Tân Thạnh Đông
Với gần 20 ngàn con bò sữa, Tân Thạnh Đông là xã có nhiều bò sữa nhất cả nước. Ở đây, đi đâu cũng thấy bò sữa. Người ta nuôi bò trước nhà, sau nhà, bên hông nhà. Bò sữa là vật nuôi giúp Tân Thạnh Đông từ một xã nghèo vươn lên thành một trong những xã có thu nhập bình quân đầu người cao nhất huyện Củ Chi.
Nhưng ngược lại, cũng vì bò sữa mà Tân Thạnh Đông là một trong những xã có môi trường ở mức đáng lo ngại nhất, khi mà cách đây chưa lâu, nhiều tuyến đường trong xã này thường bốc mùi khăm khẳm, phân bò rải rác đây đó.
Nguyên nhân là do các hộ nuôi bò sữa cứ xả thẳng nước tắm bò ra đường, ra hệ thống cống thoát nước chung. Phân bò trôi theo nước tắm bò còn làm nghẹt cống rãnh…
Nhắc tới nghịch lý thu nhập – môi trường, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thạnh Đông cho biết: “Khi huyện tổ chức đánh giá các tiêu chí NTM ở tất cả các xã, trong khi phần lớn các xã chưa đạt tiêu chí thu nhập, thì Tân Thạnh Đông đã đạt. Ngược lại, trong khi nhiều xã đã đạt về tiêu chí môi trường, Tân Thạnh Đông lại không đạt”.
Hệ thống cống thoát nước thải chăn nuôi khép kín đang trong quá trình lắp đặt ở ấp 3, xã Tân Thạnh Đông
Ngay chính ông Nghĩa, khi về nhận chức Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh Đông cách đây hơn 2 năm rưỡi (hiện ông Nghĩa đã thôi chức Chủ tịch UBND để làm Bí thư Đảng ủy xã) cũng không khỏi bất ngờ trước tình trạng môi trường và cách ứng xử với hành vi gây ô nhiễm môi trường ở đây.
Ông Nghĩa kể lại: “Hồi tôi còn làm Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú Trung, cứ có hộ chăn nuôi nào xả nước thải ra đường, là sẽ bị các hộ xung quanh lên xã khiếu nại liền. Nhưng khi được luân chuyển về làm lãnh đạo xã Tân Thạnh Đông, tôi thường xuyên thấy nhiều hộ cứ vô tư xả thẳng nước tắm bò có lẫn cả phân trôi theo ra đường, ra cống rãnh mà không hề có hộ nào phản ứng, khiếu nại.
Tìm hiểu một chút thì được biết ở đây quá nhiều hộ chăn nuôi bò, hộ nào cũng làm như thế nên chẳng có ai đi khiếu nại ai”.
Không thể chấp nhận thực trạng ô nhiễm môi trường như trên tiếp tục tồn tại, và nhằm sớm hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, UBND xã Tân Thạnh Đông đã quyết tâm vào cuộc.
ã đã tập trung hướng dẫn cho tất cả các hộ chăn nuôi bò sữa cam kết xây dựng hầm biogas. Nước tắm cho bò phải được dẫn xuống hầm biogas. Đồng thời, với sự ủng hộ của UBND huyện, xã đã tổ chức xây dựng hệ thống cống thoát nước thải chăn nuôi kép kín trên toàn địa bàn theo hình thức xã hội hóa.
Theo đó, hệ thống cống được làm bám sát theo từng tuyến đường, đoạn cống đi ngang qua phần đất nhà nào, nhà ấy tự đầu tư lắp đặt theo tiêu chuẩn chung. Nước tắm bò sau khi đưa vào xử lý trong hầm biogas, đến lúc nước đã trong, không còn lẫn phân…, mới được cho chảy ra hệ thống cống thoát nước thải chăn nuôi khép kín để dẫn ra đồng ruộng, tưới cho cỏ nuôi bò.
Thấy được những ích lợi không nhỏ về môi trường, các hộ nuôi bò sữa ở Tân Thạnh Đông đã tích cực ủng hộ những chủ trương nói trên, nhất là khi có được sự hỗ trợ của dự án RRA cho những hộ nuôi bò sữa làm hầm biogas (mỗi hầm được hỗ trợ 4,2 triệu đồng).
Nhờ đó, nếu như những năm trước, tỷ lệ hộ nuôi bò sữa có hầm biogas ở Tân Thạnh Đông còn chưa nhiều, thì đến thời điểm này, đã có trên 50% số hộ đã xây xong hầm biogas, ngoài ra còn rất nhiều hộ khác đang tiến hành xây hầm. Hầm biogas không chỉ góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn giúp cho các hộ nuôi bò sữa tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ vì không còn phải mua gas nữa.
Ông Phặm Đăng Bảo, nông dân ấp 9B cho biết, một hộ nuôi chừng 5-6 con bò sữa, là lượng phân, nước thải, nước tắm bò khi cho xuống hầm biogas, đủ để lấy gas dùng cả ngày. Nhà ông Bảo có tới hơn 20 con bò, nên khí gas xài thoải mái không hết, kể cả những hôm nhà có tiệc lớn, nấu nướng linh đình.
Hệ thống cống thoát nước thải chăn nuôi khép kín cũng đã cơ bản hoàn thành trên nhiều tuyến đường trong xã Tân Thạnh Đông. Hiện UBND huyện Củ Chi đang chỉ đạo Phòng TN-MT xuống xã tiến hành khảo sát, tìm một địa điểm thích hợp để làm tuyến cuối tập kết nước thải chăn nuôi trên toàn xã rồi đưa ra ngoài ruộng tưới cho các ruộng trồng cỏ nuôi bò.
Do đàn bò đã quá nhiều, nên để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xã Tân Thạnh Đông đã có chủ trương không khuyến khích tăng đàn nữa, nhất là tăng cơ học. Gần đây xã đã kiên quyết từ chối nhiều chủ trang trại bò sữa ở quận 12 muốn chuyển đàn bò của họ về đây. Tân Thạnh Đông cũng đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung 80 ha và đang kêu gọi nhà đầu tư. |
Ông Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, xã vẫn đang tiếp tục tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, vận động các hộ chăn nuôi đẩy mạnh tiến độ xây dựng hầm biogas. Mục tiêu của xã Tân Thạnh Đông là hết năm nay, toàn bộ các hộ chăn nuôi trong xã đều có hầm biogas, vì đến trước ngày 30/4/2015, xã đã phải hoàn thành tiêu chí môi trường theo chỉ đạo của huyện.
Khi ấy, toàn bộ nước thải chăn nuôi trong xã sẽ không còn bị xả ra đường như trước đây nữa mà đều được đưa qua hầm biogas để xử lý rồi theo hệ thống cống thoát nước thải chăn nuôi khép kín để ra ngoài đồng ruộng tưới cỏ.
Chuyển lên phía Bắc
Theo ông Lê Đình Đức, Trưởng phòng Kinh tế huyện Củ Chi, hệ thống thoát nước thải chăn nuôi khép kín đang được xây dựng với hình thức xã hội hóa ở xã Tân Thạnh Đông là mô hình thí điểm để các xã khác làm theo nhằm góp phần quan trọng vào việc giải quyết vấn đề môi trường do chăn nuôi bò sữa.
Bên cạnh đó, huyện cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người nuôi bò sữa ở các xã thực hiện các giải pháp khác nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trước hết, là mỗi hộ chăn nuôi bò sữa phải có hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi.
Ngoài hầm biogas, các hộ cũng được khuyến khích xây dựng các hầm lắng để đưa nước thải chăn nuôi xuống đó, đợi cho phân, rác… lắng xuống dưới, thì lấy nước đem tưới cho vườn cỏ làm thức ăn cho bò.
Với những hộ nuôi nhiều, lượng phân bò thải ra hàng ngày khá lớn, thì ngoài một phần đưa xuống hầm biogas, phần còn lại, huyện vận động, hướng dẫn nông dân tổ chức thu gom, bán cho các hộ có nhu cầu bón phân cho cây trồng.
Bên cạnh đó, huyện Củ Chi đã có định hướng chuyển dần chăn nuôi bò sữa từ các xã phía Nam lên 8 xã phía Bắc. Nguyên nhân là do các xã phía Nam đã phát triển mạnh nghề nuôi bò sữa trong những năm qua và hiện có đàn bò khá đông đảo, nhưng lại đang phải đối mặt với tốc độ đô thị hóa khá nhanh.
Nếu vẫn tiếp tục phát triển đàn bò sữa ở khu vực phía Nam, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sống của khu vực dân cư và những bất cập khác như thiếu đồng cỏ…
Bởi vậy, huyện Củ Chi đã có chủ trương không tăng đàn bò sữa ở các xã phía Nam, mà hướng phát triển lên phía Bắc là nơi có nhiều gò cao, tỷ lệ đô thị hóa thấp, nguồn thức ăn dồi dào, dễ xử lý về mặt môi trường.